* Báo Quân đội nhân dân nhận 1 giải A, 2 giải B và 1 giải C
QĐND - Sau một năm miệt mài cống hiến, những người làm báo hết lòng vì nghề nghiệp đã có dịp hội ngộ bên nhau để cùng chung vui, chia sẻ thành quả lao động sáng tạo của mình tại Lễ trao giải Báo chí quốc gia (BCQG) lần thứ VII - năm 2012 được tổ chức trọng thể tối qua (21-6) tại Thủ đô Hà Nội.
Nhiều nét mới trong mùa giải lần thứ VII
Đến dự và chia vui với giới báo chí Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội; Vũ Trọng Kim, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; một số lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và đông đảo các nhà báo, công chúng.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải BCQG nhấn mạnh: Nối tiếp thành công của các mùa giải trước, Giải BCQG lần thứ VII- năm 2012 tiếp tục gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. Mùa giải này thu hút số lượng tác phẩm dự giải lớn nhất từ trước đến nay, với 1.450 tác phẩm có chất lượng khá đồng đều, đề tài phong phú, nội dung đa dạng và đã rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa báo chí Trung ương và các địa phương. Cơ cấu giải được mở rộng từ 8 lên 11 loại giải; ảnh báo chí và báo điện tử được tách thành hai giải riêng; một số thể loại trong cơ cấu giải được điều chỉnh, bổ sung hợp lý hơn so với các giải trước… Những vấn đề thời sự chính trị lớn của đất nước trong năm 2012 đều được phản ánh trung thực, sinh động trong các tác phẩm dự giải như: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; về vấn đề biên giới, biển đảo; về những nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến; thành tựu xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường… Hội đồng Chung khảo Giải BCQG đã quyết định tặng thưởng 117 tác phẩm báo chí xuất sắc, gồm 5 giải A, 28 giải B, 45 giải C và 39 giải Khuyến khích.
 |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm với các nhà báo đạt giải. |
Tại buổi lễ, sau khi trao thưởng cho các tác giả đoạt giải A, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu. (Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày hôm nay).
Quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước
Giải BCQG lần thứ VII- năm 2012 được coi là một “mùa bội thu” với 5 tác phẩm báo chí được vinh danh ở giải cao nhất. Tất cả những tác phẩm này đều phản ánh những vấn đề lớn của đất nước, được dư luận quan tâm, có sự đầu tư kỹ lưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, cách thể hiện sáng tạo và mang lại hiệu quả xã hội tốt.
Đề cập đến một trong những vấn đề nóng nhất của đất nước trong năm 2012, Báo Công an nhân dân đã có loạt bài “Tập đoàn kinh tế Nhà nước - Những lát cắt thời sự” của nhóm tác giả Phạm Miên, Phan Đăng, Nguyễn Tuấn, Lệ Thúy. Nhà báo Phạm Miên cho biết: Trong loạt bài viết này, Báo Công an nhân dân đã đề cập những lát cắt thời sự của Tập đoàn kinh tế Nhà nước dưới góc độ an ninh kinh tế, từ vai trò rường cột của nền kinh tế đến các hệ lụy từ cơ chế quản lý và con người, cũng như cận cảnh việc tái cấu trúc - một yêu cầu cấp bách trong Đề án tái cấu trúc nền kinh tế ở nước ta.
Một sự kiện được dư luận cả nước quan tâm trong năm 2012 là kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không. Đúng dịp kỷ niệm này, nhóm tác giả Lê Tuyết, Nguyễn Mỹ Hà, Đàm Thị Hoa và Đỗ Việt Nga ở Hệ Thời sự- Chính trị- Tổng hợp VOV1 (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã thực hiện thành công chương trình phát thanh “Bước ngoặt thần kỳ của lịch sử- bản anh hùng ca Hà Nội tháng 12 năm 1972”. Theo nhà báo Mỹ Hà, chủ nhiệm chương trình phát thanh này, suốt 14 tiếng đồng hồ thực hiện phát thanh trực tiếp, thông qua các nhân chứng lịch sử, các tư liệu, tài liệu quý giá trong và ngoài nước, chương trình đã tái hiện toàn bộ khung cảnh sự kiện Chiến thắng B52 40 năm về trước, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc vĩ đại của chiến thắng thần kỳ này. Trong thời gian phát sóng chương trình phát thanh đặc biệt này, VOV đã nhận được 945 cuộc điện thoại từ thính giả trực tiếp tham gia và bày tỏ cảm xúc khi nghe chương trình.
Cũng đoạt giải A ở báo nói, loạt 3 bài “Động đất sông Tranh 2- dư chấn lòng dân” của nhóm tác giả Phan Tấn Tư, Phan Thanh Hà và Đặng Văn Nam (cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại khu vực miền Trung) đã có cái nhìn “cận cảnh” về những băn khoăn, lo lắng về nỗi bất an của người dân địa phương khi phải trực tiếp đối mặt với những nguy cơ, hệ lụy từ Nhà máy Thủy điện sông Tranh 2 gây ra; đồng thời bày tỏ những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của bà con nơi đây là được sinh sống, làm ăn yên ổn.
Đối với báo hình, phóng sự “Làm giàu ở Trường Sa” của nhóm tác giả Chung Hưng, Hưng Phúc, Hữu Tưởng (Đài Phát thanh- Truyền hình Bình Thuận) đã được vinh danh giải A. Phóng sự truyền hình này không đi sâu vào những vấn đề có tính vĩ mô, to tát, mà hướng tới cuộc sống thường nhật của ngư dân vùng biển Bình Thuận và những nỗ lực vượt lên chính mình, từng ngày chinh phục đại dương để vượt khó, làm giàu từ bàn tay lao động chân chính của chính họ. Theo nhận xét của Nhà báo Trần Gia Thái, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phóng sự này thể hiện một tấm lòng gắn bó, yêu biển đảo Việt Nam bình dị mà sâu sắc của những ngư dân Bình Thuận, qua đó khẳng định ý chí quyết tâm giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Mùa vàng” của Báo Quân đội nhân dân
Từ mùa giải đầu tiên (2006) đến nay, Báo Quân đội nhân dân liên tục có tác phẩm đoạt giải BCQG. Tuy vậy, mùa giải này, Báo Quân đội nhân dân là cơ quan báo in có số lượng giải BCQG cao nhất với 1 giải A, 2 giải B và 1 giải C.
Khởi đăng sau đúng 5 ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, loạt bài “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh” của nhóm tác giả Nguyễn Minh Phong, Hồ Quang Phương, Vũ Như Thăng và Nguyễn Huyền Nga đã phản ánh khá toàn diện, sâu sắc bức tranh của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012, từ đó đưa ra các giải pháp sát thực, khả thi và đã có những hiệu quả trên thực tế. Có được thành công này là nhờ Báo Quân đội nhân dân nhạy bén với tình hình kinh tế- xã hội của đất nước, biết mời gọi và phát huy trí tuệ của đội ngũ chuyên gia kinh tế để viết bài, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc và qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền của Báo Quân đội nhân dân.
 |
Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân chụp ảnh lưu niệm với các nhà báo thuộc Liên chi hội Báo Quân đội nhân dân đạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII. |
Từ nhiều năm qua, các thế lực thù địch đã mượn cớ “tự do ngôn luận, tự do báo chí” để tấn công, phá hoại nền tảng tư tưởng - văn hóa của nước ta. Với những bằng chứng cụ thể, số liệu sinh động và lập luận có căn cứ, vệt bài chuyên luận “Tự do báo chí ở Việt Nam - thực tiễn sinh động” của tác giả Nguyễn Văn Hải (tác phẩm đoạt giải B) vừa góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề quan trọng về việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do internet ở Việt Nam hiện nay, vừa kiên quyết phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về tự do báo chí ở nước ta.
Đoạt giải B ở thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo in), loạt bài “Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị- Kinh nghiệm ở Lào Cai” của nhóm tác giả Ngọc Long, Hồng Hải, Nguyên Thắng cũng được Hội đồng Chung khảo Giải BCQG đánh giá cao vì đã phản ánh sinh động những cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, cụ thể trong việc làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở tỉnh Lào Cai, trong đó có vai trò đầu tàu của cán bộ chủ chốt các cấp.
Vệt bài “Tình báo quân sự Việt Nam và chiến công sớm “bắt thóp” B52- B52 “sắp chết” mà…không biết” của tác giả Nguyễn Hòa (tác phẩm đoạt giải C) thu hút sự chú ý của công chúng, vì nhiều tư liệu mới đã được các nhân chứng lịch sử, các nhà tình báo tiết lộ. Tác phẩm này như một minh chứng sinh động góp phần giúp độc giả hiểu biết sâu sắc hơn về những nét độc đáo, sáng tạo “vô tiền khoáng hậu” của nghệ thuật tình báo quân sự Việt Nam nói riêng, của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.
Lễ trao giải BCQG lần thứ VII- năm 2012 đã khép lại, nhưng tiếng vang của nó như một chất “kích thích” thôi thúc những người làm báo cả nước tiếp tục lao động tìm tòi, sáng tạo để chờ đợi thành quả tốt đẹp hơn ở mùa giải năm sau.
THIỆN VĂN