QĐND - Nếu có thể coi thể loại kịch như là một dòng chảy lớn thì những bi kịch vĩ đại thời cổ đại Hy Lạp là nơi thượng nguồn. Dòng chảy ấy uốn qua những miền lịch sử, đem theo phù sa bồi đắp cho miền đồng bằng văn học hiện đại thế giới thêm mỡ màu tươi tốt.

Một trong những vở bi kịch còn dấu ấn ảnh hưởng sâu sắc cho đến hôm nay là Vua Ơđíp của tác giả Sôphơclơ (496-406 TCN). Câu chuyện kể rằng thần cấm Laiôx là Vua và Giôcaxt là Hoàng hậu xứ Tebơ không được có con. Nhưng họ lỡ sinh ra một đứa con trai, vì sợ sự trừng phạt nên đành trao con cho người đầy tớ đem bỏ đi thật xa. Đứa trẻ bị trói đến nỗi chân bị sưng (Ơđíp có nghĩa chân sưng), người đầy tớ thương, không đem đi vứt mà cho một người chăn cừu xứ Côrranhtơ. Người chăn cừu lại đem cho nhà vua và hoàng hậu xứ này. Vì họ không có con nên chiều chuộng chăm sóc Ơđíp như con đẻ. Một hôm có người nói sự thật cho Ơđíp, chàng bèn đi hỏi thần và chỉ nhận được câu nói sau này chàng sẽ giết cha và lấy mẹ. Ơđíp hoang mang bèn bỏ đi thật xa. Trên đường, trong lần ẩu đả chàng giết cả đoàn người, chỉ có một người trốn thoát. Chàng không thể biết rằng trong số những người đã bị mình giết có Vua Laiôx, và người thoát chết chính là người đầy tớ đã cứu mình. Chàng đến Tebơ và cứu thần dân xứ này khỏi thảm nạn do con nhân sư gây ra bằng cách trả lời đúng một câu đố của nó (nếu người đố trả lời sai sẽ bị nhân sư ăn thịt). Nhân sư thua và biến mất. Dân chúng bèn tôn chàng lên làm Vua và lấy Hoàng hậu Giôcaxt làm vợ.

Nhưng tai họa lại ập đến với xứ Tebơ: Mất mùa, gia súc bị chết, người ốm đau. Họ cầu cứu Ơđíp, Ơđíp cầu đến thần và được trả lời tất cả là do chàng gây ra vì tội lỗi giết cha lấy mẹ. Sau nhiều lần trăn trở, đấu tranh, đi tìm nhân chứng… Chàng tìm ra đúng đó là sự thật. Hoàng hậu Giôcaxt vừa là mẹ vừa là vợ của Ơđíp thắt cổ tự tử. Ơđíp liền tự chọc thủng mắt cho mù rồi dời bỏ kinh thành mà tự nguyện đi đày.

Bi kịch kết thúc nhưng dư âm của nó mãi day dứt trong lịch sử văn học và ký ức nhân loại về những mâu thuẫn của sự mù quáng và trí tuệ hiền minh; về nỗi đau và hạnh phúc; về sự thật và giả sự thật; về tột đỉnh vinh quang và dưới đáy khổ đau…Có phải là chỉ có thế? Chưa hẳn. Những tác phẩm vĩ đại thường là không có đáy. Người ta gọi đó là những trường hợp “nói mãi không cùng”. Các ý nghĩa sẽ càng mở ra khi gắn nó với bối cảnh đương đại của mỗi thời.

Chàng Ơđíp cực kỳ khỏe mạnh và dũng cảm kia (một mình có thể giết cả một đoàn người) và cực kỳ thông minh ấy (chỉ có chàng mới thắng được con nhân sư) nhưng lại hoàn toàn yếu ớt và ngu muội trước sự thật về chính bản thân mình. Có thể đây là lớp nghĩa thứ nhất: Hiểu bên ngoài có khi dễ dàng nhưng hiểu được chính mình thì cực khó. Lớp nghĩa thứ hai: Mù quáng gắn liền với sự đam mê, say sưa với quyền lực (khi Ơđíp tiến đến đỉnh cao nhất của quyền lực là lúc chàng vô tình phạm tội lớn nhất). Lớp nghĩa ba: Sự thật luôn là sức mạnh lớn nhất (khi Ơđíp tra khảo, đe dọa thuật sĩ mù Tirêtiax với hy vọng đó (tức bi kịch của mình) không phải sự thật, thì nhà tiên tri khẳng định: Ta chẳng sợ vì ta nuôi ở trong ta sức mạnh của chân lý)…

Nhưng càng về sau trí tuệ nhân loại mới ngộ ra một ý nghĩa mang tư tưởng phổ quát lớn từ vở bi kịch kiệt xuất: Con người ta có hai loại mắt, mắt sinh lý thông thường chỉ để nhìn thấy sự vật bên ngoài. Muốn thấu thị bản chất sự vật thì phải cần đến con mắt bên trong, con mắt của linh cảm, linh giác. Con mắt bên ngoài chỉ là để “thấy” nhưng con mắt bên trong mới có thể “hiểu”, và con mắt để “thấy” nhiều khi lại gây khó dễ cho sự “hiểu”. Thuật sĩ Tirêtiax bị mù nhưng lại biết hết còn Ơđíp mắt sáng thì lại mù tịt về sự thật (cắt nghĩa theo kiểu này dễ thấy các nhà tiên tri lớn trên thế giới thường bị mù). Ơđíp khát khao sự thật và muốn “hiểu” nhiều hơn về sự thật nên chàng đã tự chọc mù mắt mình!?

Chủ đề bi kịch khuyên và hướng con người sâu sắc hơn với sự thật, ngoài nhìn với cái nhìn bên ngoài còn phải nhìn bằng cái nhìn bên trong, nhìn bằng tư tưởng, tình cảm, bằng linh giác, bằng toàn bộ giác quan…

Sau hình tượng “Ơđíp mù” văn học thế giới sản sinh biết bao nhân vật cùng với môtip này, mà ở văn học nước ta cũng không hiếm trong văn học dân gian. Ở khu vực văn học viết có nhân vật của cụ Đồ Chiểu. Những năm gần đây có tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thuần viết “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, mới đây có tiểu thuyết “Nhắm mắt nhìn trời” cũng của một nhà văn trẻ sử dụng mô típ này: Nhắm mắt để nhìn cuộc đời cho rõ hơn!

NGUYÊN THANH