QĐND Online - Hà Nội hôm nay dù đã khoác lên mình màu áo mới mang hơi thở của nhịp sống hiện đại nhưng nét trầm tĩnh, cổ xưa, thanh lịch vẫn còn đó, những tinh hoa của Thăng Long xưa vẫn in đậm qua truyền thống các làng nghề. Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã là một trong số 4 nghề tinh hoa bậc cao được dân gian nhắc đến: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã” .
Tôi tìm đến nhà bác Đinh Văn Hùng (64 tuổi), một trong số 3 gia đình còn giữ nghề đúc đồng ở Ngũ Xã vào sáng sớm. Tiếp tôi trong căn phòng nhỏ bài trí nhiều tượng đồng, bác Hùng chia sẻ, đúc đồng là nghề vất vả, khó khăn nhưng đã đem lòng yêu nó thì không bỏ được.
Để cho một người trẻ như tôi có một ngày trải nghiệm đúng nghĩa với nghề truyền thống nổi danh đất kinh kỳ, bác Hùng giới thiệu tôi đến xưởng đúc đồng của vợ chồng anh Vũ Khắc Dũng (cháu trai bác Hùng) ngoài bãi An Dương, cạnh bờ sông Hồng.
 |
Nghề đúc đồng đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ trong từng khâu. |
Vừa dẫn tôi đi tham quan xưởng đúc đồng, anh Dũng vừa chia sẻ: Nghề đúc đồng này mang tính đặc thù riêng, một ngày làm việc của những nghệ nhân thường bắt đầu từ 7 giờ đến gần 12 giờ, có khi kéo dài sang cả buổi chiều vì nếu đang làm dở ở công đoạn nào thì thợ không thể ngừng được, phải cố làm cho xong chứ nghỉ là hỏng mất sản phẩm. Làm việc cần mẫn như thế nhưng một ngày, một người thợ đúc đồng cũng chỉ hoàn thành được một công đoạn, một chi tiết cho sản phẩm. Cũng có khi phải mất đến hai, ba ngày, như hôm nay, chúng tôi chỉ tập trung làm mẫu, khuôn cho bức tượng khách mới đặt.
Vừa gọt, vuốt lớp đất trên tượng, anh Dũng vừa chia sẻ, sản phẩm muốn đẹp, khuôn phải đẹp trước đã. Vậy nên, chọn đất và xử lý đất thật kỹ để tạo ra lớp áo trong, áo ngoài cho khuôn là điều quan trọng. Đất được sử dụng phải lược bỏ sạn, đem băm rồi ngâm cho nhuyễn sau đó “chọc giấy bản” để khuôn được chắc, khi nung không bị nứt.
Tiếp đó người thợ đốt trấu lấy than trộn cùng chỗ đất đó để hoàn thành lớp trong cho khuôn. Khi đốt trấu cũng phải chú ý để trấu cháy âm ỉ nhưng không đốt quá kỹ làm trấu bị nát mà phải giữ gần như vẫn còn nguyên hạt trấu mới đạt chuẩn. Lớp trong này cần làm cẩn thận bởi nó quyết định đến hình hoa văn, họa tiết khi trang trí có lên đẹp hay không. Lớp ngoài cũng sử dụng chất đất trước nhưng làm đơn giản hơn, chỉ cần trộn với lượng trấu vừa đủ tạo độ xốp, thông thoáng để khi rót đồng vào không bị sôi và khi cho vào lò nung không bị vỡ, nứt.
 |
Để tạo ra một tác phẩm hoàn hảo như này, thợ đúc đồng phải tốn nhiều công sức, tâm huyết. |
Giữa lớp áo trong, ngoài, người thợ sẽ tạo ra khe phù hợp ở từng sản phẩm để rót đồng. Tuỳ theo từng sản phẩm mà nung đồng ở nhiệt độ nào, thường sẽ là 1.200 độ C nhưng với các sản phẩm nhiều chi tiết lại cần nung ở khoảng 1.600 độ C-1.700 độ C.
Sản phẩm sau đó sẽ được đưa ra và để nguội. Có những sản phẩm chỉ cần để nguội trong vòng một ngày là có thể chạm khắc, trang trí họa tiết, hoa văn nhưng cũng có những sản phẩm cần thời gian lâu hơn từ hai đến ba ngày để nguội.
Đến xưởng và chứng kiến cảnh làm việc của những người thợ mới thấy hết sự khó khăn, vất vả của họ. Nghề đúc đồng không chỉ đòi hỏi bàn tay tài hoa, khéo léo, tỉ mẩn mà thợ đúc đồng còn thường xuyên phải đi lại xa xôi, vận chuyển sản phẩm đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Một ngày ở làng nghề đúc đồng Ngũ Xã trôi qua thật nhanh. Xế chiều, tôi cố nán lại trò chuyện với mấy thợ đúc đồng trong xưởng của anh Dũng. Công việc vất vả nhưng những người thợ này đều vui vẻ vì hoàn thành một khâu quan trọng cho sản phẩm. Anh Tỉnh, một thợ đúc đồng tại xưởng chia sẻ: "Giờ ít người làm nghề này nhưng anh em tụi tôi đã trót nặng tình với nghề nên không thể bỏ được". Quả thực, giữa những xô bồ của cuộc sống hiện đại, những công việc mới với mức lương hấp dẫn thì có lẽ chỉ có tình yêu với nghề mới giữ chân được những người thợ đúc đồng Ngũ Xã.
Trải nghiệm ngắn ở làng nghề nổi tiếng đất kinh kỳ cho tôi nhiều ấn tượng, nhưng có lẽ, đọng lại trong tôi vẫn là câu nói trăn trở của bác Đinh Văn Hùng, làm sao để đúc đồng Ngũ Xã không chỉ dừng lại là một làng nghề truyền thống mà còn vươn tầm ra thế giới với những sản phẩm tinh xảo. Có lẽ, để đạt điều ấy, lửa nghề cần phải cháy sáng hơn nữa trong trái tim mỗi người thợ. Và, ngày càng phải có nhiều hơn những người trẻ đam mê với đúc đồng Ngũ Xã.
Bài, ảnh: NGỌC ÁNH