QĐND - 1. Nếu ai đã từng học, từng đọc tác phẩm “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao, sẽ khó có thể hết sự xúc động, thậm chí có phần ám ảnh về hình ảnh con chó mà nhân vật lão Hạc gọi là “cậu Vàng” một cách thân thương, trìu mến. Vốn là một nông dân hiền lành, chất phác, cả cuộc đời lão Hạc gắn bó với bờ tre, gốc lúa trong một miền quê nghèo khổ, nhưng tâm hồn lão Hạc vẫn sáng long lanh, thánh thiện bởi lão đã dành tình cảm đặc biệt cho “cậu Vàng” của mình. Với lão Hạc, con chó như là người bạn tri âm tri kỷ, như một đứa con cưng dứt ruột đẻ ra nên nó được chăm bẵm, vuốt ve hết mực chu đáo. Lão Hạc quý mến con chó có lúc hơn cả bản thân mình. Nhưng rồi bi kịch đã xảy ra, khi lão Hạc gặp bước đường cùng đã phải bán con vật nuôi thân thiết nhất của đời mình. Sau khi bán “cậu Vàng”, lão Hạc bị cắn rứt lương tâm, luôn sống trong cảm giác như một kẻ phạm tội vì đã nỡ “đánh lừa một con chó”!
Có thể nói, nhân vật lão Hạc là đại diện tiêu biểu cho tình yêu thương đối với vật nuôi trong gia đình thông qua hình ảnh con chó với tên gọi “cậu Vàng”, với hàm ý: Chó cũng quý như... vàng!
2. Với mong muốn nâng cao nhận thức, ý thức cho mỗi người về việc bảo vệ và đối xử thân thiện đối với động vật, nhất là các động vật nuôi trong gia đình, trung tuần tháng 4-2015, một chiến dịch mang tên “Về đi Vàng ơi!” được Liên minh Bảo vệ chó châu Á (Asia Canine Protection Alliance-ACPA) chính thức phát động tại Việt Nam. Mục tiêu của chiến dịch này là thu thập 1 triệu chữ ký của người dân Việt Nam để lấy đó làm cơ sở kêu gọi cơ quan hữu quan sớm ban hành quy định về phúc lợi động vật. Sau hơn một tháng phát động, đến nay, trên trang web baovecho.org đã có hơn 443.000 người ký cam kết ủng hộ chiến dịch này.
Tại sao lại ra đời chiến dịch “Về đi Vàng ơi!”?
Bởi vì, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 5 triệu con chó bị giết mổ, trong số đó có rất nhiều chó nhà của người dân nuôi bị đánh, bắt trộm. Thời gian qua, không ít người đánh, bắt trộm chó của người dân đã bị “đánh hội đồng” đến chết, để lại nỗi đau nhức nhối cho nhiều gia đình và lương tri cộng đồng.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: Liên minh Bảo vệ Chó châu Á. |
Đối với những con chó bị đánh cắp nhốt trong lồng sắt nhỏ, phải trải qua quá trình vận chuyển dài ngày, bị tập kết qua nhiều điểm rất mất vệ sinh, nên nhiều con đã bị chết. Chó sống, chó chết bị nhốt chung trong quá trình vận chuyển sẽ là nguy cơ mầm mống của nhiều bệnh tật nguy hiểm như bệnh dại, tả, giun sán... rất dễ gây bệnh cho những người ăn thịt chó. Đấy là chưa kể không ít con chó còn bị bơm đầy cơm vào bụng nhằm tăng trọng lượng để những kẻ buôn bán gian tham kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.
Mặt khác, tại những quán thịt chó, lò mổ chó, hình ảnh con chó-một vật nuôi thân thiết trong mỗi gia đình-bị giết hại một cách dã man, tàn ác để làm thịt, đã gây ra sự phản cảm, nỗi ám ảnh kinh hoàng cho những người quý trọng, yêu thương động vật.
3. “Hãy chấm dứt nạn đánh cắp chó, buôn lậu và đối xử tàn nhẫn!” là thông điệp mà chiến dịch “Về đi Vàng ơi!” gửi tới mọi người. Thông điệp này mang ý nghĩa sâu sắc cả ở khía cạnh pháp lý, đạo đức và văn hóa.
Dưới góc độ pháp lý, đó là nhắc nhở, cảnh báo, giáo dục mọi người không được đánh cắp chó, buôn lậu chó vì đó là hành vi phạm pháp. Từ khía cạnh đạo đức, đó là lời thức tỉnh, “đánh động” lương tri con người phải biết nâng niu, quý trọng một con vật nuôi trong nhà vốn rất trung thành với gia chủ nên không được đối xử tệ bạc, tàn ác với nó. Trên bình diện văn hóa, đó là niềm mong ước xây dựng môi trường văn hóa ẩm thực lành mạnh, tức là không có những con chó bị giết oan uổng, giết một cách bừa bãi, mất vệ sinh khiến những “thực khách” ăn thịt chó có thể bị ngộ độc và nguy cơ bệnh tật có thể lây lan, gia tăng trong cộng đồng.
4. Từ lâu, người dân ở nhiều nước châu Á, trong đó có người dân Việt Nam ăn thịt chó. Nhiều người thích, hơn thế là “nghiện” ăn thịt chó, coi đó là món “khoái khẩu”. Thậm chí có người quan niệm rằng: “Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không”(!). Thế nên, từ làng quê đến phố xá, từ miền ngược đến miền xuôi, hầu như ở đâu cũng có quán thịt chó. Những cái biển như: “Đặc sản thịt chó”, “Thịt chó thui rơm”, “A đây rồi quán thịt chó”, “Quán cầy tơ bảy món đích thực”, “Tửu quán chó”... xuất hiện nhan nhản ở khắp nơi.
Có cầu ắt sẽ có cung. Khi nhu cầu con người ăn thịt chó càng lớn thì nguồn cung thịt chó càng tăng. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến thời gian qua, nhiều nơi đã xảy ra nạn đánh, trộm cắp chó nhà, gây bao nỗi bất an cho cộng đồng. Lại nữa, không ít kẻ nhậu nhẹt, say xỉn, cãi vã, đánh lộn, gây mất an ninh trật tự, làm ô nhiễm môi trường văn hóa... cũng xuất phát từ những quán thịt chó.
Con chó là vật nuôi thân thiết, là kẻ “tôi tớ trung thành nhất” của mỗi gia đình. Con chó không biết nói, biết cười, nhưng cái đuôi, ánh mắt của nó cũng biết động viên, san sẻ với niềm vui, nỗi buồn của gia chủ và biết bảo vệ gia chủ thâu đêm suốt sáng. Đó là lý do để lý giải tại sao, nhân vật lão Hạc-tuy chỉ là một nông dân ít chữ, thuần phác, hiền lành, sống trong một chế độ xã hội lạc hậu-song vẫn gọi con chó là “cậu Vàng”, vẫn đối xử với nó như “bạn”, “con trẻ”, “cháu bé”, “đứa con cầu tự”! Đó là một cử chỉ đầy tính nhân văn!
Vậy thì, sống trong một xã hội văn minh, trình độ dân trí cao, có rất nhiều loại ẩm thực phong phú, ngon lành, đáp ứng đủ nhu cầu lựa chọn của con người, liệu chúng ta có đủ dũng khí và niềm tin văn hóa để nói “không” với thịt chó được không? Nếu hạn chế được việc ăn thịt chó, tin rằng, chiến dịch “Về đi Vàng ơi!” sẽ sớm về đích như mong đợi.
HẰNG PHƯƠNG