“Tôi đã được báo cáo rằng: Con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột..." ...
QĐND - “Tôi đã được báo cáo rằng: Con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột..." - Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho người cha có con là liệt sĩ đã mở đầu cho dòng cảm xúc mạnh mẽ, liên tục khi lật giở từng trang sách trong tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam”. Bạn đọc sẻ chia với tâm tư của người cha là Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội Trần Duy Hưng khi xin cho hai con trai nhập ngũ đánh giặc; Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi với những dòng gửi người vợ yêu Phan Thị Quyên; lá thư của nữ tướng Nguyễn Thị Định gửi tới đồng đội... Có những bức thư mất mấy mươi năm mới trở lại với người nhận. Có những bức thư người sống gửi cho người đã khuất gần 40 năm trời. Lại có bức thư được mang từ bàn thờ của liệt sĩ xuống. Thậm chí, có cả bức thư được viết từ người ở phía bên kia chiến tuyến… Đâu đó trong những bức thư ấy là tinh thần lạc quan phơi phới, là tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, là niềm tự hào và những lý tưởng cao đẹp nhưng cũng không tránh khỏi những bi tráng của nỗi buồn chiến tranh, của những hy sinh, mất mát và gian khó, những phút hoang mang, lo lắng.
 |
Nhà văn Đặng Vương Hưng giới thiệu về những bức thư thời chiến.
|
Dường như lịch sử và quá khứ một thời với đủ mọi trạng thái và cảm xúc đã hiện diện đầy đủ trong những bức thư. Tác giả của những bức thư vô tình đã trở thành những người chép sử. Những con chữ mà thời gian đã làm mờ nhòe không ít và những trang giấy mỏng manh cũ kỹ, ố vàng như cùng nhau kể về khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng. Nhà văn Đặng Vương Hưng, người sưu tầm, biên soạn và giới thiệu cuốn sách "Những lá thư thời chiến Việt Nam" đã có lý khi viết rằng: “Thực ra, viết thư hay ghi nhật ký, đều không phải là làm văn, mà trước hết đó chính là cuộc đời. Không có một người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa chúng sẽ được in thành sách và họ trở thành những tác giả… Bởi thế, tất cả đều chân thực và sinh động đến lạ kỳ… Sẽ không có bút mực và cũng không có nhà văn nào viết được tác phẩm như thế, trừ những người trong cuộc viết ra trong một khoảnh khắc nào đó, đáp ứng nhu cầu của tình cảm riêng tư. Đó là những trang viết máu thịt của cuộc đời. Đọc lên, ta có thể hình dung ra từng số phận con người. Và cao hơn nữa là hơi thở của cả thời đại. Chính vì thế, qua những trang thư ấy, ta có thể hiểu được phần nào quan niệm, lý tưởng, lẽ sống, sự cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc của nhiều thế hệ, đã góp phần làm nên ngày chiến thắng 30-4-1975 vĩ đại của dân tộc”.
Cuốn sách vừa được NXB Công an nhân dân ấn hành cuối tháng 4-2015. Có thể gọi đây là cuốn sách kỳ lạ bởi nhiều lẽ. Đây là công trình được hoàn thành trong 10 năm (từ năm 2005 đến 2015), nhưng thời gian in cực ngắn, chỉ 5 ngày cho gần 1000 trang với 1000 bản. Nhà văn Đặng Vương Hưng đã nhận được hàng vạn bức thư từ hàng nghìn gia đình. Phần lớn tác giả trong cuốn sách không còn và 2/3 số tác giả đã hy sinh. Mỗi cuốn sách đều được đặt trong một “bì thư đặc biệt” và không được phát hành qua hệ thống nhà sách như thường thấy. Những người muốn sở hữu cuốn sách hoặc làm quà tặng cho người thân chỉ cần gửi thư yêu cầu qua email: dangvuonghung@gmail.com, hoặc cà phê Lục Bát, 40 Võ Thị Sáu, TP Hà Nội, cuốn sách kèm chữ ký của nhà văn sẽ được chuyển theo đường bưu điện đến địa chỉ nhà riêng của người nhận. Các gia đình cung cấp thư hay thân nhân gia đình liệt sĩ có nhu cầu đều sẽ được nhà văn gửi tặng.
Bài và ảnh: MINH NHÃ