Nội dung mo Mường là áng sử thi lớn phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ xưa. Tuy nhiên, theo thời gian, cơ hội thực hành và gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của mo Mường dần bị thu hẹp lại và có nguy cơ mai một. Vì thế, mo Mường đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chọn lựa là di sản cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Hiểu đúng chức năng, giá trị của mo Mường

Ngày nay, văn hóa quần chúng có nhiều hoạt động về mo Mường; các phương tiện truyền thông làm nhiều phim tuyên truyền về mo Mường; báo chí cũng viết nhiều về mo Mường. Điều đó rất tốt, song cũng đã và đang đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần quan tâm về những hoạt động mo và thầy mo theo lối tuyên truyền, bởi có sự lẫn lộn nhiều hình thức tín ngưỡng vào trong mo Mường chính thống. Nguyên nhân chính nằm ở những người làm chưa có nhiều hiểu biết về mo Mường. Vậy cần thiết phải khẳng định giá trị độc đáo cũng như chức năng xã hội của mo Mường.

leftcenterrightdel
Trình diễn chiêng Mường - một trong những hoạt động của phần hội trong nghi lễ Mo Mường. 

Vào năm 1982, trong chuyến đi điền dã, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với ông mo dân tộc Mường ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ). Chủ đích của chuyến điền dã là tìm hiểu về trống đồng của người Mường. Thầy mo mà chúng tôi được tiếp cận là cụ Bùi Vinh, năm ấy 85 tuổi. Cụ cung cấp cho chúng tôi một số thông tin quan trọng về nghề thầy mo của người Mường ở Thanh Sơn. Theo cụ, thầy mo chủ yếu là làm mo trong lễ tang, đôi khi cũng có làm mo cầu phúc, mo giải hạn, mo mát nhà. Còn đánh trống đồng thì chỉ có làm mo tang lễ mới đánh. Trống đồng đánh lên để dẫn hồn người quá cố biết đường đi lối về. Khi đánh, cụ dùng một bó dùi nhỏ dài khoảng 1,5m buộc vào với nhau thành một dùi lớn. Khi đánh trống, cụ đặt dùi vuông góc với mặt trống, rồi vừa đi vòng quanh (ngược chiều kim đồng hồ) vừa đánh. Tiết tấu trống tương tự như tiết tấu khua luống.

Từ lần đi đầu tiên đó, tôi háo hức khám phá mo Mường. Sau đó đã có nhiều lần đi điền dã nghiên cứu mo Mường ở các địa phương có cộng đồng dân tộc Mường sinh sống. Lần gần đây nhất, năm 2021, tôi cùng đoàn của Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đi một chuyến nghiên cứu mo Mường. Trong chuyến đi này, tôi được tiếp xúc với một vài thầy mo, nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là thầy mo Bùi Văn Rửm. Thầy mo Rửm sinh năm 1957, ở xã Thượng Cốc (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Thầy mo Rửm cho biết, nhà ông có 8 đời làm mo. Dòng mo nhà ông chỉ làm mo tang lễ. Ông giải thích, mo tang lễ hội tụ tất cả các bài mo, mà khi làm các lễ mo khác như mo mát nhà, mo cầu phúc đều phải dùng đến nhiều bài mo trong mo tang lễ. Chúng tôi hỏi thầy mo Bùi Văn Rửm về các thầy cúng của người Mường, thầy mo Rửm nói: “Người Mường có thầy mo, thầy clượng và bà mỡi. Nhưng hiện nay nhiều người vẫn hay nhầm lẫn. Thầy clượng xem bói, cúng vía, cúng chữa bệnh; bà mỡi cũng cúng chữa bệnh nhưng lại phải biết nhập hồn; còn thầy mo chỉ làm mo tang lễ”.

Những thông tin điền dã kể trên cung cấp cho chúng tôi một nhận biết về đối tượng thực hành nghi lễ chính của thầy mo người Mường là làm mo tang lễ.

Thêm những cứ liệu khoa học, trong sách “Sử thi Mường” (quyển 1) do Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Đăng Nhật chủ biên, xuất bản năm 2013, viết mo Mường là sử thi “Đẻ đất đẻ nước” ghi rõ: “Là một tác phẩm tự sự dài hơi, được trình bày dưới hình thức diễn xướng tổng hợp, do thu hút giá trị văn học nghệ thuật của cộng đồng dân tộc. Kể về những sự kiện lớn của lịch sử, ở đây "Đẻ đất đẻ nước" không chỉ kể lại lịch sử loài người mà còn ôn lại lịch sử hình thành vũ trụ và loài người. Có tính kỳ vĩ do sử dụng nghệ thuật thần thoại, xây dựng sự kiện quanh một nhân vật trung tâm-nhân vật anh hùng có công tích kỳ diệu-nhân vật đó được điển hình hóa theo kiểu phóng đại và tăng lên theo cấp số cộng các thành tựu của cả cộng đồng”.

Có thể nhận định, mo Mường có một vị trí, chức năng xã hội đặc biệt, cung cấp cho chúng ta đầy đủ nhất quan niệm của người Mường về mối quan hệ của con người với thế giới 3 mường: Mường Trời, mường Đất và mường Nước. Mối quan hệ trong tâm tưởng ấy đã giúp người Mường xây dựng nền văn học dân gian Mường, nền văn học tín ngưỡng Mường. Tiêu biểu cho nền văn học tín ngưỡng Mường là văn học mo Mường với sử thi "Đẻ đất đẻ nước". Đó là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện tình yêu cuộc sống, con người, quê hương xứ sở.  

Di sản phi vật thể cần được bảo vệ, tôn vinh

Cùng với thời gian, mo Mường đã góp phần hình thành nên cốt cách, tâm hồn của người Mường và những vùng đất có người Mường sinh sống, cũng như bảo vệ, sàng lọc văn hóa Mường trong tất cả các giai đoạn lịch sử. Đó như “Bộ bách khoa thư dân gian” về người Mường, chứa đựng những tinh hoa văn hóa cần được hiểu biết thấu đáo và đáng được trân trọng, tôn vinh, truyền lại cho thế hệ sau. Và bộ sử thi "Đẻ đất đẻ nước" hoàn thiện nhất, toàn bích nhất, đầy đủ nhất chỉ có thể có trong mo tang lễ.

Vậy, nghiên cứu mo Mường phải lấy mo tang lễ làm điểm tựa, làm trọng tâm nghiên cứu. Từ đấy sẽ thấy được sự lan tỏa của nó sang những hình thức thực hành các nghi lễ mo Mường khác như: Mo mát nhà, mo mừng thọ, mo cầu phúc... Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, phải tìm cách phục hưng mo tang lễ, làm cho mo tang lễ tồn tại và duy trì trong đời sống xã hội người Mường. Có giữ được mo tang lễ, mới giữ được nghệ thuật ca xướng trong mo Mường. Nghệ thuật ca xướng ấy được nhà nghiên cứu văn hóa Từ Chi gọi là tang ca-thể thức trình diễn độc đáo về sự hình thành thế giới, sự ra đời của muôn loài, sự hình thành dân tộc Mường. Như vậy mới làm cho giá trị toàn vẹn của mo Mường, trong đó có sử thi "Đẻ đất đẻ nước" sống thật, sống vững chắc trong đời sống người Mường hiện đại. Và có làm được như vậy, chúng ta mới có cơ sở chứng minh được giá trị văn học, tập quán xã hội và nghệ thuật diễn xướng của người Mường để xây dựng bộ Hồ sơ mo Mường trình UNESCO ghi vào danh sách DSVH phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Viện Âm nhạc đang tiến hành xây dựng Hồ sơ mo Mường, hoàn thành trong năm nay để kịp nhận góp ý, sửa chữa và trình lên UNESCO vào tháng 3-2023. Có 7 tỉnh cùng cam kết tham gia vào việc xây dựng Hồ sơ di sản mo Mường gồm: Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa và Đắc Lắc.

- Bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: Tỉnh hiện có các câu lạc bộ thực hành mo Mường ở huyện Tân Lạc và huyện Lạc Sơn. Ngành giáo dục tỉnh đang triển khai phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng đề án đưa mo Mường tích hợp giảng dạy trong các trường học góp phần gìn giữ, phổ biến di sản mo Mường cho học sinh, giúp các em hiểu thêm những giá trị nhân văn trong mo Mường, về phong tục, truyền thống đạo lý tốt đẹp của con người Hòa Bình, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

      

Nhà nghiên cứu ĐẶNG HOÀNH LOAN