Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): “Bản quyền được bảo vệ thì mới khuyến khích các tác giả, nhà đầu tư, nghệ sĩ và nhà sản xuất có thể tiếp tục cho ra đời các sản phẩm sáng tạo. Hiện nay, Việt Nam đã và đang thực hiện những cam kết, nỗ lực về bảo vệ bản quyền, hệ thống hành lang pháp lý về bản quyền tác giả đang được hoàn thiện ngày càng đầy đủ hơn.
Quốc hội đang xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), trong đó có nội dung quan trọng về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt được chú trọng là vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số. Bên cạnh đó, ngày 17-2 vừa qua, Việt Nam đã chính thức tham gia Hiệp ước WTC-Bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số. Chúng tôi đang hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh nhất để bảo vệ bản quyền trên môi trường số. Khi đồng bộ hệ thống luật pháp cùng với sự tham gia các hiệp ước quốc tế sẽ bắt đầu thực thi để bảo đảm tính minh bạch, công khai trong khai thác bản quyền, với sự góp phần của các nền tảng công nghệ trong thời đại mới”.
 |
Bà Phạm Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả. |
Có một thực tế thời gian qua, nhiều tác giả không biết hoặc chưa quan tâm đến vấn đề bản quyền nên khi có hành vi xâm phạm, chủ sở hữu thường không biết tự bảo vệ mình như thế nào, phản ánh đến đâu? Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty Luật SB LAW lấy ví dụ cụ thể vấn nạn đạo nhạc diễn ra tràn lan, nhưng không có cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý, không ca sĩ nào bị xử phạt. Bởi đây là những tranh chấp về dân sự, cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi có đề nghị của chủ thể quyền hoặc người được ủy quyền.
Đáng lo ngại ở chỗ, bên cạnh việc nhiều người không yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền do không nắm được quyền hạn của mình đến đâu, thì vẫn còn một số người dù nhận thức được quyền bị xâm phạm nhưng không đấu tranh đến cùng. Hầu hết các vụ tranh chấp về bản quyền sau một thời gian ngắn ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông đều nhanh chóng rơi vào im lặng. Một phần vì hai bên đã đạt được thỏa thuận, một phần do bên vi phạm đã xin lỗi.
Cần phải thay đổi nhận thức đối với mọi người, rằng bản quyền là tài sản SHTT, là công sức của sự lao động sáng tạo. Để giải quyết triệt để tình trạng này thì một chế tài đủ tính răn đe và một quyết tâm đi đến cùng vụ việc mới là giải pháp hữu hiệu.
 |
Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty Luật SB LAW. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
 |
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Tổng giám đốc Hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM. Ảnh: MINH KHÔI |
Chia sẻ về động lực xây dựng Hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM sử dụng giải pháp công nghệ bảo vệ bản quyền, giúp tác giả có thể đo đếm chính xác số lượt sử dụng, theo dõi được việc phân phối sử dụng tác phẩm trên internet, vận hành từ cuối tháng 2-2022, nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Tổng giám đốc MCM cho biết: “Minh bạch, tôn trọng và quyền lợi kinh tế là 3 giá trị cốt lõi MCM đặt ra. Tham gia hệ thống, mỗi nhạc sĩ được cấp một mã số riêng (nó giống như số thẻ căn cước công dân), khi nhạc sĩ muốn kiểm tra, muốn xem tác phẩm của mình đang có những ai sử dụng thì chỉ cần click chuột là nó tự động thống kê được hôm nay có người nào nghe; hôm nay tác phẩm nào của mình được sử dụng, ai là người sử dụng, các nhạc sĩ sẽ “đánh dấu” tác phẩm của mình trên môi trường số.
Bản nhạc là đứa con tinh thần, là tài sản, trí tuệ vô giá cần được bảo vệ, được trân trọng. Các nhạc sĩ cần được cung cấp thông tin đầy đủ về tác phẩm của mình được ai sử dụng, sử dụng ở đâu, sử dụng như thế nào. Nhạc sĩ cần được trả thù lao khi tác phẩm của mình được biểu diễn, được các bên khai thác kinh doanh”.
Nội dung sửa đổi Luật SHTT lần này tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; Bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; Nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.
|
CHÂU XUYÊN