QĐND Online - Trịnh Công Sơn là một hiện tượng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại. Nhạc Trịnh cuốn hút người nghe có lẽ không phải bằng giai điệu mà bằng ca từ lãng mạn, bay bổng, đậm chất nhân văn. Nhân kỷ niệm 9 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn - Báo QĐND Online trích đăng cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha về âm nhạc Trịnh Công Sơn.

 “Ngày Trịnh Công Sơn ra đi đã khẳng định ông trở thành bất tử”

Tôi là người may mắn được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhiều lần và được ông coi như một người bạn vong niên. Nhưng với tôi, kỷ niệm sâu sắc nhất với người nhạc sĩ tài hoa này là lần gặp ông vào mùa thu năm 1983. Khi ấy, Trịnh Công Sơn ra Hà Nội dự Đại hội Hội nhạc sĩ Việt Nam lần thứ 3.

Không khí se lạnh, răng rắc những cơn mưa của mùa thu Hà Nội khiến tâm hồn Trịnh Công Sơn như lạc vào cõi “thiên thai”. Ngồi ngắm Hà Thành trên sân thượng nhà tôi ở số 60 phố Hàng Bông, Trịnh Công Sơn đã viết nên ca từ “Mái ngói thâm nâu” cho bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội”. Có lẽ tôi và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là một trong những người đầu tiên được nghe ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh tại khu biệt thự của ông trên đường Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh). Năm đó, chúng tôi còn được nghe thêm “Huyền thoại mẹ” - một ca khúc ông sử dụng chất liệu dân ca Quảng Bình, quê mẹ của ông.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Internet

Sau đó, tôi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng một số người bạn thường xuyên gặp nhau, lúc ở Hà Nội, khi thì TP Hồ Chí Minh. Năm 1997, khi tôi lãnh trách nhiệm tổ chức chương trình ca nhạc “Một thập kỷ tình khúc” do Báo Lao Động chủ xướng, thì mùa mưa năm ấy Trịnh Công Sơn gặp bạo bệnh, phải nằm mê man ở bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng không hiểu vì lý do tâm linh thế nào mà vào thời điểm ca sĩ Hồng Nhung hát ca khúc “Sóng về đâu” trong chương trình này, Trịnh Công Sơn đã tỉnh lại. Điều này được ghi nhận rõ trong phác đồ điều trị của ông tại bệnh viện. Hôm sau, tôi và nhạc sĩ Từ Huy vào thăm ông thì thấy rõ điều đó.

Sau này, chúng tôi gặp nhau nhiều hơn, vì khi ấy, tôi có việc phải vào công tác tại TP Hồ Chí Minh và miền Tây Nam Bộ. Thời gian này, tôi được nghe “Tiến thoái lưỡng nan”. Cũng có dịp tôi gặp Trịnh Công Sơn tại TP Quy Nhơn - nơi ông học tại trường Đại học sư phạm Quy Nhơn và viết ca khúc “Biển nhớ”.

Trước ngày ông mất một tuần, tôi gọi điện thoại cho Trịnh Công Sơn để nói về ca khúc “Đoá hoa vô thường” viết ở thể ballade. Không ngờ, ngày cá tháng 4 của chín năm về trước, tôi phải tin vào sự thật là sự ra đi vĩnh viễn của ông. Nhưng chính ngày Trịnh Công Sơn ra đi lại là ngày khẳng định ông trở thành bất tử. Mùa thu năm ấy, tôi và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cùng một số bạn bè đã đến nghĩa trang Gò Dưa - nơi an nghỉ của ông để thắp nén hương tưởng nhớ người nhạc sĩ tài năng. Đối với tôi và với những người yêu âm nhạc Việt Nam, nhạc Trịnh mãi mãi bất tử.

Âm hưởng nhạc Trịnh luôn hướng về khát vọng hoà bình

Những ca từ trong ca khúc của Trịnh Công Sơn vẫn thấy đâu đó chất lãng mạn của thơ mới, tượng trưng của xuân thu nhã tập, chất siêu thực của Dạ Đài. Ca từ của Trịnh Công Sơn có sức mạnh có thể hoà quyện với giai điệu tạo ra một thứ men đặc biệt mà nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn từng viết “Men nhạc Trịnh Công Sơn chảy tràn đêm khuya”.

Ngoài những âm hưởng tình ca mà Trịnh Công Sơn đã viết trong các ca khúc như: Tuổi đá buồn, Hạ trắng, Biển nhớ, Nắng thuỷ tinh, Nhìn những mùa thu đi, Diễm xưa... còn có những ca khúc lên án chiến tranh phi nghĩa. Nói về chiến tranh ở miền Bắc, Trịnh Công Sơn viết “Đại bác ru đêm” để lên án kẻ thù làm cho những mái nhà siêu đổ, đường phố tan hoang. Còn ở miền Nam, là tiếng “Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi lắng nghe”.

Âm hưởng trong những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn luôn vươn tới khát vọng hoà bình, hoà hợp dân tộc, thể hiện trong ca khúc “Nối vòng tay lớn”. Đây có lẽ là lý do sau giải phóng, miền Bắc đã tiếp nhận ca khúc của Trịnh Công Sơn như tiếp nhận tiếng lòng của mình mà bấy lâu, trong không khí hừng hực của những đoàn quân ra trận, họ phải nén chặt trong lòng.

Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ nhân bản, bởi thế sau giải phóng, ông đã không chọn con đường ly hương mà ở lại Việt Nam chấp nhận nhiều thiệt thòi. Ông ở lại và tiếp tục sáng tác để nối thêm vào sự nghiệp của mình những ca khúc sống mãi với thời gian như: Đời gọi em biết bao lần, Em còn nhớ hay em đã quên, Lặng lẽ nơi này, Tiến thoái lưỡng nan...

Khánh Huyền (Ghi theo lời kể của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha)