QĐND -  Nắng đứng ngọn. Gió ngoài sông Hậu vẫn thổi vào lồng lộng. Ðã mấy ngày liền sáng nào cũng mưa, trời oi và đục màu khói thuốc. Nắng lên làm cho trời cao và trong xanh. Lớp áo cát phủ quanh mình của khoai lang bị bom hất vung vãi trên vồng bây giờ đã khô trắng và óng ánh dưới nắng. Quanh mái chòi, sau những hơi rung chuyển của đạn đại bác, những hạt mưa cuối cùng còn bám lại chấp chới như những hạt trai.

Con Bé lại leo lên ngọn dừa. Nó đứng hẳn lên một bẹ lá, dòm ra xa. Gió và nắng trên cao đã làm mắt nó long lanh ướt. Nó lắng nghe những âm thanh dội lại từ phía trước mặt. Tiếng bom nổ, tiếng rít của máy bay phản lực, tiếng đò máy chạy ngoài sông, tiếng trời chuyển kéo dài... tất cả đều dậy lên rồi chìm đi ngay trong khoảng không bao la của buổi ban trưa. Nó đang chờ những tiếng nổ rõ hơn. Ðó là những tiếng súng trường thường mở đầu cho một trận đánh, nghe chắc như tiếng chày nện đất, rất quen thuộc của chị em nó. Ờ, những tiếng ấy sao mãi chưa nổi lên.

Ðêm hôm kia má ghé về nhà một lần. Nước mưa đọng dưới cằm má như những giọt mồ hôi lúc má đứng trên rẫy khoai. Má ôm lấy thằng em nhỏ, tấm choàng của má đụng vào mặt con Bé mát lạnh. Thằng em thiu thiu ngủ, má lật đật mở hầm, lấy đạn nhét đầy thắt lưng và bụng súng, rồi lại đi. Trước khi ra sân, má vuốt tóc con Bé, dặn:

- Ở nhà nấu cơm đừng chắt nước kẻo bị phỏng nghen! Mai má về.

Con Bé nghe tiếng má phóng qua cái mương trước nhà rồi mất đi trong tiếng đại bác rền rĩ và tiếng mưa. Nó nghĩ, cái cầu trơn nên má nhảy qua mương đi cho lẹ.

Sáng nay má lại đi qua nhà. Má ngồi xuống cùng với các cô du kích. Tiếng má gọi dậy lên từ xa. Chị em con Bé đang loay hoay lùi khoai dưới bếp, kéo nhau chạy ra. Má cạy mũi xuồng, treo trên bến tắm cho chị em nó chùm bánh ú, đưa dầm dứ dứ vào cái bụng thằng Hiển đang cởi truồng tồng ngổng, rồi lại bơi đi gấp. Các cô du kích tựa súng vào vai, để lộ hai cùi tay và ngực áo bết bùn đất, vỗ tay hoan hô chị em con Bé. Chị em con Bé vỗ tay hoan hô lại má và các cô, cái thuyền đầy lá ngụy trang, lô nhô đầu súng, trôi khuất sau lùm cây te tua vì đạn đại bác còn sót lại những cành hoa dành dành trắng muốt. Từng cuộn nước xoáy do mái dầm bơi nặng tay của má in lại trên mặt rạch.

Con Bé chờ nghe tiếng súng nổ. Từ sáng tới giờ nó đã leo lên đó mấy lần. Bốn đứa em đứng dưới nhóng tin chị. Thằng Hiển vẫn cởi truồng, đứng dạng chân, nghiêng cổ, dòm. Con Anh lớn hơn một chút, bắt chước chị, leo lên cây bình bát mé rạch, ngửa cái cổ rám nắng và cái cằm như núm cau nhóng lên. Con Thanh cao hơn con Anh một đầu, nhúm tóc chóp đuôi bò của nó kẹp nhỏng sau gáy, nó rán sức bồng thằng em út và chỉ tay lên cái bóng chị cao tít tắp trên ngọn dừa như một con chim, để dỗ em.

... Con Bé hiểu ý đàn em, nó gom tất cả lại, nói:

- Bây giờ chơi đi học, nghen! Ðứa nào học giỏi mai mốt má cho đi học thiệt!

Thằng Hiển nhảy tưng tưng, nhóm tóc vàng hoe tròn ủm của nó phập phồng như đang thở:

- Em học giỏi nghen chị, má cho em bắn chóc đùng!

Con Anh giơ cái cằm núm cau ra:

- Em học giỏi hơn nó, em được đi học trước.

- Ừ, cho đi hết - con Bé gật đầu với cả ba đứa.

Ðàn em tranh nhau ngồi vào một chỗ. Con Bé kẹp lại tóc, thả ống quần xuống lấy cái nón của má đội lên đầu. Nó cố bắt chước cái dáng đi khoan thai, một ngón tay móc vào quai nón của cô giáo khi cô bước vào lớp. Ðàn em cũng làm y hệt đám học trò, đứng cả dậy cười hắc hắc chào cô. Hình ảnh người mẹ đã biến mất trong mắt lũ trẻ. Bây giờ thì chắc người mẹ hoàn toàn yên tâm để đi đánh giặc ở xa.

Con Bé treo nón lên, mặt tỉnh khô, nó bẻ một nhánh trâm bầu làm thước. Bảng đen thì có sẵn tấm bảng khẩu hiệu ông Sáu và tổ thông tin đã treo sẵn trên gốc dừa trước ngõ. Con Bé chưa biết chữ, nhưng các cô du kích đã dạy nó đánh vần thuộc lòng những dòng khẩu hiệu đó. Mấy đứa em chống hai tay ngồi dòm chị. Giống như cô giáo, con chị đưa mắt nhìn đám học trò của mình, cũng với đôi mắt ướt có thể ánh lên những vệt sáng tự hào và thông minh. Nó nhóng chân lên, bàn tay tròn trịa cầm nhánh trâm bầu nhịp nhịp trên tấm bảng một cách chăm chú. Ðàn em há miệng dòm theo tay chị như chỉ sợ hàng chữ sẽ chui tọt vào miệng một đứa nào đó, mất cả phần mình. Con Bé đánh vần từng tiếng:

- I mờ im, tờ im tim huyền tìm, mờ i mi ngã Mỹ, mờ a ma huyền mà, đờ anh đanh sắc đánh.... Tìm Mỹ mà đánh... Bắt đầu hen!

Ðàn em ríu rít đánh vần theo. Thằng Hiển ngọng líu, nói không kịp hai đứa lớn. Con Anh ngoe ngoảy bao giờ cũng giành phần đọc xong trước. Nó ngồi giữa con Thanh và thằng Hiển, gọn tròn như một củ khoai, hai má núng nính ửng da mận ngoắt qua ngoắt lại. Con Thanh ngồi cao hơn em một đầu. Nó nhìn con Anh bằng đôi mắt nghiêng nghiêng không thèm chấp. Nó có hàng lông mi dài và đã nhìn cái gì thì nhìn thiệt lâu. Tối ngày nó tha thủi ở nhà, kể từ ngày nó biết phân biệt được tiếng máy bay các loại và tiếng nổ của đạn đại bác xa gần để giữ em, thay cho con Bé chạy đi hỏa tốc. Nó ngồi đó, hiền dịu, mở to đôi mắt nhìn tấm bảng vừa đọc vừa mân mê mái tóc mai, mặc dầu một tay còn ôm thằng em nhỏ ở trước bụng và bên cạnh nó, con Anh luôn luôn ngoe ngoảy thúc vào người. Thằng em nhỏ nhìn miệng ba đứa lớn rồi cũng bi bô la lên rối rít y như trong cuộc này phải có mặt nó vậy.

... Sáng hôm sau, giữa lúc máy bay đang quần đảo, có một người đàn bà vác súng, tay cầm lá ngụy trang, bước vào trong xóm. Tiếng cười đi trước, con người đi sau, cả xóm len theo bóng cây nghe chuyện chiến đấu của chị. Chị vắt tấm choàng lên vai, trao súng cho con Bé, cây súng có treo chùm bánh ú, rồi ôm lấy mấy đứa con. Ði vài bước, chị lại đứng để trả lời cô bác. Cả xóm ai cũng muốn hỏi thăm chị một câu. Tiếng chị kéo dài trên đường xóm, thằng nhỏ trên tay chị bi bô, cạy những miếng bùn khô dính trên vai áo mẹ. Lũ trẻ chạy theo chị như lũ gà con.

Người mẹ cười ngấy, môi chị thoáng vết trầu đỏ tươi. Chị xốc luôn thằng Hiển lên một tay nữa, hít vào má nó, rồi cả hai tay bồng hai đứa con, chị bước nhẹ nhàng qua cây cầu mương trước cửa, vào nhà đi thẳng xuống bếp. Ðó là chị Nguyễn Thị Út, người Anh hùng của quân đội chúng ta.

Bót Bà Mi bị san bằng. Trường học đã lập tức được dựng lại. Tối hôm đó, chị Út bảo con:

- Lát má đi mượn xuồng, ngày mai con Bé dắt em vô trong Bà Mi, chở gạch vụn trên bót về xây hầm núp ngoài trường mới với các bạn. Trường làm xong, má cho chị em bay đi học hết.

Viết tháng 6 năm 1966

(Trích Mẹ vắng nhà của nhà văn NGUYỄN THI)