Mâm cỗ ngày Tết, ngoài các món cổ truyền như đôi câu đối “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, các loại bánh làm với mật mía như bánh ong, bánh biến, bánh rán… thì không thể thiếu được món cá thửng kho.
Ngày xưa, thực phẩm chưa phong phú, chưa có sẵn như bây giờ. Tết là sự gom góp của lợn, gà trong chuồng, cá dưới ao, gạo nếp có sẵn của ruộng vườn.
Rưng rưng thương quê, như những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải: “Lợn trong chuồng, hai bảy đã rinh ran / Tết nhất ở quê, cả làng gói bánh/ Tết nhất ở quê, mưa phùn, gió lạnh/ Mẹ vẫn ra đồng, cấy nốt mùa xuân…”.
Tháng Chạp chậm chạp, nặng nề trôi trong sự mong ngóng của lũ trẻ con. Ngày xưa, cha mẹ thường bảo: "Tết đến sau lưng, con nít thì mừng, người lớn thì lo". Chưa sang tháng Chạp, mẹ đã lo cho mâm cỗ Tết rồi. Mỗi buổi đi chợ bán gánh khoai, gánh củi, mẹ lại mua dăm mười con cá thửng về để kho.
 |
Món cá thửng đầu ngậm đuôi trở thành món ăn truyền thống trong dịp Tết ở các tỉnh miền Trung. Ảnh: tienphong.vn
|
Cá thửng - các miền quê khác gọi là cá mối, dân quê tôi (Nghệ An) có vùng còn thường gọi “cá ông trời”, là món ăn độc đáo rất được ưa chuộng. Mùa cá thửng bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 12 âm lịch. Những tháng cuối năm, thuyền cập bến, những mẻ cá thửng vừa chuyển lên bờ, còn tươi xanh, được ngư dân đem về sơ chế. Họ chọn những con to đều nhau, rửa sạch. Quá trình rửa, phải hết sức khéo léo, tỉ mỉ, làm sao để con cá sạch nhưng không bị bong, tróc vảy. Sau đó, để cá ráo nước, rồi bắt đầu khâu tạo hình.
Cá được uốn sao cho thành một vòng tròn, miệng cá ngậm đuôi cá (có thể cố định bằng tăm tre hoặc dây cước), cân xứng, không vẹo, không được làm gãy xương cá. Sau đó, cá được hấp vừa chín, rồi lại đem sấy khô, xông khói bã mía cho ngả màu vàng ươm ngon mắt.
Ngoài ý nghĩa tượng trưng cho ông trời, cá thửng kho mật mía còn là món ăn ngon, thịt chắc, xương ít, thơm, bùi, không gây ngán, chế biến đơn giản, nên được người dân quê tôi lựa chọn trong thực đơn mâm cỗ ngày Tết đã tự rất lâu đời. Với lại, con cá thửng hình tròn, bày lên đĩa nhìn rất bắt mắt, trông mâm cỗ đẹp hơn, cân đối hơn.
Sơ chế cá thửng công phu, cầu kỳ, song để nấu món cá thửng kho mật mía lại khá đơn giản.
Trước đây, mẹ thường kho vào nồi đất, để được ngon vị hơn. Cá thửng sau khi mua về, lót phía dưới một lớp mía chẻ khúc, ít lát gừng, sắp cá lên theo lớp, rồi đổ nước lạnh vào nấu, chưa bỏ gia vị. Sau khi kho 4, 5 lần nước như thế để cá chắc thịt, mẹ thêm hành tăm, ớt quả, nước mắm ngon và vài thìa mật. Bắc lên bếp, đun lửa liu riu chừng vài giờ đồng hồ, thấy niêu cá nổi bong bóng, sôi lăn tăn là cá chín. Nếu nấu bếp củi thì đun cá sôi độ một tiếng đồng hồ, sau đó bỏ trấu vào đun cá với hơi nóng từ than, từ trấu, cho đến khi nồi cá cạn nước, xương cá cũng được ninh nhừ, còn miếng cá thì săn chắc. Với kiểu kho này, cá thửng có thể để cả tháng mà không hỏng.
Cá mua về sớm, trở thành nỗi thèm thuồng của lũ con.
Mẹ thỉnh thoảng lấy cớ san nồi để bớt vài con không được đẹp mắt cho mấy đứa ăn. Xưa, cha thường nói vui với đàn con “Có cá ăn vạ giờ cơm”. Còn bà thì ao ước “Sống thì cá thửng, cá thèn / Đến khi chết xuống trống kèn mang đi”. Nhìn lũ con đang tuổi tấn ăn, tấn lớn như Thánh Gióng, mẹ nào nỡ can ngăn. Mắt mẹ ánh lên niềm vui, mà cũng hiển hiện nỗi lo âu.
Tết ngày nay, khi thịt, giò ê chề, gây ngán, thì món cá thửng trở thành “món ngon khó cưỡng” với bất cứ ai. Còn Tết ngày xưa, được ăn miếng cá thửng thơm bùi, đậm đà với lát bánh tét, miếng bánh chưng hay bát cơm nóng, thì tưởng trên đời này không còn có cao lương mỹ vị nào sánh bằng.
Mới đó thôi mà đã ngày xưa, đã nghe lăng lắc miên viễn bóng thời gian...
Có nỗi nhớ chỉ còn là nỗi nhớ. Kỷ niệm thật gần mà cũng thật xa, mờ ảo, như thực, như mơ, khiến lòng ta bùi ngùi thương nhớ. Dù trong tâm thức, ta và bao người dân quê mình đều hiểu, sẽ thật khó khăn để giữ lại được đúng hương vị Tết xưa.
Ở quê đã thế, huống gì ở phố. Vậy mà lòng vẫn khôn nguôi thương nhớ, nâng niu, trân trọng những cảm xúc đẹp đẽ với hương vị quen thuộc, bình dị mà thiêng liêng của Tết cổ truyền. Cái hương vị Tết bao năm vẫn không đổi, vẫn mặn nồng, ấm áp và đong đầy yêu thương. Nào đâu phải Tết nhạt đi, nào đâu phải thời gian tàn nhẫn? Chỉ có mình thôi không còn là đứa trẻ mà mong ngóng, háo hức Tết đến Xuân về.
Làm thế nào để nỗi nhớ và ký ức Tết xưa là "sợi dây vô hình", neo giữ nét văn hóa xưa qua từng thế hệ, để dòng chảy văn hóa đừng bao giờ đứt đoạn.
Vẫn cứ Tết sau 365 ngày vòng quay mưu sinh. Trẻ con không còn háo hức ngóng đợi Tết về, không còn nôn nao đợi bữa cỗ tinh tươm chiều tất niên. Người lớn không phải tất bật, gom góp cho ngày Tết trước cả tháng trời. Vậy mà lòng tôi vẫn rưng rưng, khi một chiều cuối năm mưa lạnh, chị gái lấy chồng xa điện về hỏi mẹ: “Mẹ ơi, cá thửng kho chưa?”
Hương vị Tết nhà mình, quê mình, đôi khi chỉ đơn giản thế thôi...
Tản văn của ĐINH HẠ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.