Thế nhưng, mấy năm gần đây, bất chấp dư luận cảnh báo, các nhà văn hóa lên tiếng, cơ quan chức năng khuyến cáo, vẫn có một bộ phận người dân đi lễ hội không còn mang tâm thế của những người hướng thiện, mà có những cử chỉ, hành vi rất phản cảm trong lễ hội. Mới đây nhất, tại hội Phết ở xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ), hình ảnh hàng trăm thanh niên lao vào nhau, thậm chí “đè đầu cưỡi cổ” lên nhau chỉ để tranh cướp quả Phết, trông rất hỗn loạn. Hay như đêm 14 tháng Giêng vừa rồi, ngay sau khi khai ấn và mở cửa khu di tích đền Trần (Nam Định), hàng nghìn người đã tràn vào tranh giành “lộc thánh” trên ban thờ, sờ tay, xoa tiền vào bảo kiếm ở nơi trang nghiêm, linh thiêng nhất của đền Trần. Cũng trong đêm đó, theo báo cáo nhanh của nhà đền, đã có hơn 20 người bị “giật đồ, móc túi” khi dự lễ hội này, trong đó có người mất hàng chục triệu đồng.
Nguyên nhân sâu xa dẫn tới những hình ảnh phản cảm, hành vi biến tướng trong lễ hội là do một bộ phận người dân còn mang nặng tâm lý đám đông. Theo các nhà nghiên cứu tâm lý học, tâm lý đám đông hay còn gọi là tâm lý bầy đàn, là một phản ứng tâm lý gây ra bởi sự lo lắng, sợ hãi làm xuất phát ra hành động để tránh cảm giác “bị loại ra khỏi nhóm”. Những người có tâm lý đám đông thường hành động chủ yếu theo sự dẫn dắt của bản năng, thiếu bình tĩnh và lý trí sáng suốt nên không kiềm chế, kiểm soát được cảm xúc, hành vi của mình, nhất là trong tình thế đám đông xảy ra hỗn loạn. Một đặc điểm khác của những người theo tâm lý đám đông là không hiểu hết bản chất sự việc, không lường trước được tính chất, hệ quả do hiệu ứng đám đông tác động. Ví như trong số những thanh niên tranh cướp quả Phết ở hội Phết (Hiền Quan), hay những người tranh cướp “lộc thánh” ở lễ hội đền Trần (Nam Định), chắc chắn có nhiều người không hiểu nguồn gốc, ý nghĩa quả Phết là gì, cũng như không biết “lộc thánh” có xuất xứ từ đâu, ẩn chứa nội dung sâu xa nào… Họ chỉ biết rằng, thấy người ta đi lễ hội thì mình cũng đi theo, thấy người ta làm gì mình cũng làm thế. Họ suy nghĩ và hành động như vậy hoặc đơn thuần chỉ là hùa theo đám đông cho vui, hoặc là cũng thể hiện niềm khát vọng như người khác nhưng trong tâm lý của kẻ… mộng du, tức là họ hành động một cách vô thức.
Đã có những chấn thương xảy ra trong khi tranh giành “lộc thánh” tại lễ hội; đã có nhiều người “tiền mất tật mang” do tai bay vạ gió từ những cuộc “ẩu đả tập thể” trong lễ hội; đã xuất hiện những hình ảnh thiếu văn hóa, hành vi tiêu cực làm biến tướng bản chất tốt đẹp của lễ hội truyền thống… Đó là hệ quả tất yếu từ mặt trái của tâm lý đám đông trong lễ hội gây ra. Muốn khắc phục tình trạng này, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức khi tham gia lễ hội, đòi hỏi mỗi người dân-với tư cách là chủ thể của lễ hội-phải tự “thanh lọc” tâm hồn, tự biết “gột rửa” những suy nghĩ mông muội, non nớt, mờ ám của chính mình để không bị “sập bẫy” hay sa đà vào những ảo vọng viển vông của đám đông trong lễ hội.
LÃNG XUYÊN