QĐND - Với mục đích tạo cơ hội để nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, những ngày cuối năm 2014, một hội chợ nghệ thuật (HCNT) lần đầu tiên tại Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội, do hơn 50 nghệ sĩ, phần lớn là những người trẻ cùng đứng ra đảm nhiệm.

Đi chợ… “mua” nghệ thuật

Hội chợ có hơn 40 gian hàng với tranh, tượng, sắp đặt, đủ các chủ đề từ ma chay tới cưới hỏi, từ đồng bằng tới miền núi, từ trừu tượng tới tả thực, từ gỗ, vải tới sơn mài, sơn dầu… Thế nhưng, điều mà các nghệ sĩ có tác phẩm tham gia hội chợ cam kết là những tác phẩm này toàn độc bản. Chắc chắn không thể tìm thấy cái thứ hai giống hệt như thế ở bất cứ nơi đâu. Đây có thể coi là tuyên ngôn của những họa sĩ trẻ đầy tâm huyết và điều đó càng trở nên ý nghĩa vì thị trường mỹ thuật trong nước thời gian gần đây trở nên trầm lắng sau một thời gian phát triển khá sôi động.

Nghệ sĩ chụp ảnh giao lưu cùng khách đến hội chợ.

Từ đầu thập niên 90 đến giữa những năm 2000, nghệ thuật Việt Nam đã vươn ra nước ngoài, tranh của họa sĩ Việt Nam được tìm mua và một bộ phận nghệ sĩ đã có thể sống bằng nghề. Tuy nhiên, sau đó, các nghệ sĩ Việt Nam gặp nhiều khó khăn bởi tư tưởng “ăn xổi” của một số gallery và nghệ sĩ. Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, không dừng ở việc làm giả các bậc thầy, các họa sĩ khác dù trẻ mấy mà có tranh bán chạy là lập tức có hàng nhái, hàng giả. Thậm chí, các tác giả cũng tự chép lại tranh đã bán của mình bán lần hai, lần ba… với giá ngày càng rẻ hơn. Đến đầu những năm 2000, số lượng các gallery "teo tóp" lại trông thấy. Hầu hết các gallery làm nghệ thuật đích thực đều đóng cửa hoặc chuyển sang tranh chợ, làm lưu niệm du lịch giá rẻ. Sự không chuyên nghiệp của các gallery và các nghệ sĩ không những làm méo mó thị trường, làm lụi tàn thị trường nghệ thuật mới manh nha, mà còn làm xói mòn thị hiếu thẩm mỹ của những người tiêu dùng trong nước. Vì vậy, tồn tại một quan niệm là những đồ có tính nghệ thuật của Việt Nam rất đắt, nếu không nó chẳng có giá trị gì. Muốn trang trí, tặng, cho, người ít tiền phải chấp nhận sử dụng tượng nhái, tranh chép, những đồ rẻ tiền, lôm nhôm nhưng phù hợp với thu nhập. Chưa kể, thị hiếu thẩm mỹ kém khiến một số người Việt dù có tiền nhưng lại đi tìm mua những sản phẩm không đặc sắc, lai căng, thiếu bản sắc Việt.

Được tổ chức theo phong cách chợ xưa và học hỏi từ nước ngoài, HCNT là nơi mà thoạt bước vào nhiều người vẫn nghĩ mình đang đi chợ như một thói quen thường ngày. Nhưng thay vì "dưa cà mắm muối", khi bước chân đến đây là vào một không gian nghệ thuật. Không phải lo xách về những hàng mỹ nghệ chỉ có tính du lịch hay trang trí đơn thuần đầy rẫy ở chợ Đồng Xuân, hay những tranh, tượng sao chép, bắt chước, vẽ lại, đúc lại chẳng thiếu gì ở phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội), phố Nguyễn Du (TP Hồ Chí Minh). Công chúng đến HCNT Hà Nội có thể tìm thấy những món đồ mang tính sáng tạo nghệ thuật, mang bản sắc riêng của từng nghệ sĩ tham gia. Hơn nữa, giá cả ở đây bình dân và phù hợp với người tiêu dùng đại chúng của Việt Nam hơn nhiều những tác phẩm “ngồi chễm chệ” trong gallery, các phòng tranh hay được mang sang nước ngoài bán như thường thấy. Những tác phẩm đó cũng rất dễ tiếp cận chứ không “ồn ào” đấy nhưng rồi lại bị đem về cất kho như tranh, tượng vẫn được trưng bày trong các triển lãm phong trào. Người đến hội chợ được chiêm ngưỡng tác phẩm, hỏi han, bàn luận nghệ thuật… với người bán và bạn bè của họ một cách cởi mở. Yếu tố chợ và nghệ thuật có sự đan xen tạo ra một không gian đa chiều với người xem.

Khẳng định "cái tôi" của nghệ sĩ trẻ

Thị trường nghệ thuật bị thương mại hóa, du lịch hóa khiến các nghệ sĩ trẻ cảm thấy bức bối và bất bình trước tiên. Họ cho rằng, tính trung thực, niềm đam mê và nhiệt huyết của người sáng tạo nghệ thuật cũng bị ảnh hưởng bởi điều này. Trước thực trạng đó, các nghệ sĩ trẻ như: Nguyễn Hồng Phương, Trần Dân, Nguyễn Đức Cường… đưa ra ý tưởng và cùng thực hiện HCNT. Đó là nơi để họ thỏa mãn nhu cầu được trực tiếp giới thiệu mình và tác phẩm của mình đến công chúng. Trong HCNT Hà Nội, mỗi nghệ sĩ mang tới những tác phẩm nghệ thuật như tranh, tượng, sắp đặt, sản phẩm thủ công mỹ nghệ..., trưng bày chúng trong các gian hàng theo cá tính, phong cách đặc trưng của từng người.

Tuy chất lượng các gian hàng không đồng đều, nhưng nói như nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo, một khách tham quan và đã mua về cho mình sản phẩm từ HCNT: "Quan trọng nhất là họ đã dám bứt phá, thể hiện cái tôi của mình và khẳng định "tôi là tôi" chứ không phải là ai khác, không copy, không bắt chước và đầy lòng tự trọng. Thế hệ trẻ đã dám làm những điều mà thế hệ chúng tôi chưa dám làm"!

Sau hội chợ, các nghệ sĩ bán các tác phẩm được khoảng 300 triệu đồng. Con số đó chưa phải là nhiều nhưng ai cũng thấy vui. Số lượng khách Việt chiếm đến 80% khách mua tranh, tượng. Họ mua tác phẩm ở nhiều phân khúc, từ vài chục nghìn đồng tới vài triệu đồng hay vài chục triệu đồng. Các nghệ sĩ học hỏi được nhiều điều, quan trọng nữa là họ có thêm tiền để tái đầu tư cho sáng tạo. Thị trường phong phú, họ không phải nhìn “những đứa con tinh thần” của mình nằm nhà, cũng không phải chịu bị các phòng tranh ép giá, dìm giá. Nhiều nghệ sĩ, gian hàng đã nhận được hợp đồng sáng tác… Những người tổ chức HCNT Hà Nội lần thứ nhất đã tính đến việc tổ chức những HCNT lần hai, lần ba… với quy mô lớn hơn, đối tác, địa điểm được lựa chọn cẩn thận và những khâu chuẩn bị kỹ càng hơn. Đó là một tín hiệu vui cho nghệ thuật nước nhà.

Bài và ảnh: MINH NHÃ