Ông là một nhà biên kịch gạo cội của điện ảnh cách mạng Việt Nam, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật (năm 2012).

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ (giữa) được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng Cánh diều vàng năm 2015. Ảnh do gia đình cung cấp 

Tôi vẫn nhớ những ngày đầu tiên làm điện ảnh của mình, năm 1987, sau khi tốt nghiệp khoa biên kịch ở Trường Đại học điện ảnh Moscow (VGIK) nước Nga, về nhận việc tại Hãng phim truyện Việt Nam đã được nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ nhiệt tình đón tiếp và chỉ bảo khi còn bỡ ngỡ bước đầu làm quen với điện ảnh. Vốn dĩ tôi là dân sân khấu, học rồi về làm biên kịch ở hãng phim, được tiếp xúc với các nhà biên kịch tên tuổi của hãng, trong đó có ông thì lấy làm tự hào lắm. Ông là một trong những nghệ sĩ thế hệ điện ảnh đầu tiên, khi ấy đang rất sung sức trong sáng tạo nghệ thuật cũng như là trụ cột của ngành trên cương vị quản lý.

Thường thì dân biên kịch dễ thân thiết và cảm thông với nhau hơn vì cùng nghề. Với các bậc đàn anh như nhà biên kịch: Hoàng Tích Chỉ, Lê Phương, Trần Kim Thành... thì nhóm biên kịch trẻ chúng tôi ngày đó là đám đàn em luôn “kính nhi viễn chi”, chẳng bao giờ dám phạm thượng. Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ nho nhã, nhỏ nhẹ, kiệm lời, mỗi khi cất tiếng đều nói những điều sâu sắc. Nhưng ông là một người tình cảm, luôn quý mến, trân trọng những người làm được việc. Thỉnh thoảng tôi được đi công tác với ông vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thì lấy làm vinh hạnh lắm. Vì ông là người tài năng và có uy tín nên lực lượng nghệ sĩ, người làm điện ảnh phía Nam rất kính trọng. Mỗi lần ông vào là những tên tuổi điện ảnh lớn như chị Trà Giang, anh Thế Anh, anh Đoàn Dũng, anh Hai Nhất, anh Đạt Hải, chị Thụy Vân, chị Nguyệt Ánh... tìm đến thăm hỏi và trò chuyện. Mỗi lần dân điện ảnh phía Bắc vào đều tá túc ở khu số 6 Đồn Đất (nay là Thái Văn Lung, quận 1, TP Hồ Chí Minh-thật tiếc, số 6 Đồn Đất nay đã không còn của Hãng phim truyện Việt Nam nữa), không gian lại rộng rãi, thoáng mát, tiện lợi cho việc đi lại. Khu này có một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi dành cho các “sếp” của điện ảnh. Còn “lính tráng” chúng tôi thì ở dãy nhà ngang có các phòng nho nhỏ và phía sau mỗi phòng có một vòi nước bé xíu dùng để đánh răng, rửa mặt, tắm gội. Dù điều kiện ăn ở là vậy nhưng dân điện ảnh phía Bắc cũng rất vui.

Nhớ lần đó, tôi và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ được hãng cho đi thực tế ở phía Nam. Đúng lúc đó, đoàn phim “Một thời đã sống” làm theo kịch bản đầu tay của tôi do Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Sơn làm đạo diễn cũng đang tá túc ở đó. Có buổi tối, đoàn quay cảnh bộ đội lái xe Trường Sơn ở sân (đủ thấy Đồn Đất hoang vu như thế nào), tôi được đọc lại kịch bản phân cảnh của đạo diễn. Đọc xong, tôi không còn nhận ra kịch bản văn học của mình, nhưng tôi không nói gì với đạo diễn vì e ngại mình là “lính” mới, được đưa kịch bản vào làm phim là may mắn lắm rồi. Tôi chạy xuống phòng nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ để “than” với ông. Nhìn vẻ mặt đau khổ của tôi, ông cười, bảo: “Anh rất thông cảm vì tên biên kịch nào có kịch bản đầu tay bị sửa, tâm trạng cũng giống nhau. Nhưng mãi rồi cũng sẽ quen thôi, sau này mà có kịch bản được vào sản xuất là phải quên đi luôn, phó thác cho đạo diễn. May gặp được đạo diễn giỏi thì mình được nhờ, dở thì phải chịu”. Tôi nhớ mãi lời khuyên của ông, nên sau này luôn cố gắng bình tĩnh để “thần kinh” không bị ảnh hưởng! 

Ông là người đầu tiên mời tôi đi xuống với đoàn phim “Săn bắt cướp” quay ở Long An, để biết thực tế giai đoạn ghi hình trên trường quay như thế nào. Đoàn phim thấy tôi hồi đó rất gầy, muốn mời vào một vai phụ nhưng ông không cho. Ông luôn bảo, phải giữ giá cho các nhà biên kịch mà ông yêu quý.

Phim “Săn bắt cướp” (sản xuất năm 1988), ông vừa là tác giả kịch bản lại vừa là nhà quản lý (khi đó là Giám đốc của Hãng phim truyện 1, Cục Điện ảnh). Ông bảo, làm biên kịch phải nắm được quá trình sản xuất, theo dõi sát sao từ kịch bản văn học của mình qua tay đạo diễn họ “nhào nặn” như thế nào để còn bảo vệ “đứa con” của mình...

Từ những ngày đó cho đến mãi sau này tôi hay được trò chuyện với ông, chuyện nghề, chuyện đời; nhiều chuyện vui từ mối quan hệ biên kịch và đạo diễn; những kinh nghiệm viết kịch bản, sản xuất phim trong nhiều năm... được ông chỉ dạy không thể kể hết. Giọng ông cứ thủ thỉ, nhẹ nhàng thế mà biết bao nhiêu là chuyện vui có, buồn có và hài hước cũng có. Ông vốn là người sâu sắc, chân thành, ẩn giấu trong bản tính lặng lẽ, kiệm lời.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ sinh năm 1932, tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 1961, Hoàng Tích Chỉ học lớp biên kịch Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội). Ông là một trong những đại diện cho thế hệ nghệ sĩ tài năng, nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề. Với tâm niệm người cầm bút phải bám sát hiện thực cuộc sống nóng bỏng đang diễn ra, ông và nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ đã có mặt ở chiến trường ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhiều nhân vật trong tác phẩm của ông được xây dựng từ những nguyên mẫu ở những nơi ông đã đến, quan sát và trải nghiệm. Điển hình là kịch bản “Bão tuyến” dựng thành phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” được viết sau khi ông và đạo diễn Hải Ninh đến “chảo lửa” Vĩnh Linh và nghe kể về những hy sinh thầm lặng của một phụ nữ ở Quảng Trị. Bộ phim sau này nhận được nhiều giải thưởng và mang lại giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho diễn viên Trà Giang tại Liên hoan phim quốc tế Moscow (Nga), năm 1973.

Nhà biên kịch NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT