Sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, việc dạy Nho học và chữ Hán chưa được quy định chính thức, nhưng triều đình đã nhìn thấy lợi ích của việc tiếp xúc với nền văn hóa Trung Hoa. Ngôn ngữ và văn tự của người Hán tuy đã được truyền bá ở Giao Châu từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên nhưng những người trong hoàng tộc, hoặc con cháu các đại thần chỉ được học chữ Hán tại nhà, hoặc xen kẽ trong khi học kinh điển Phật giáo.

Khi đi vào thời kỳ độc lập, vấn đề lớn là cần phải tổ chức thiết chế nhà nước theo phương cách nào. Để giải quyết câu hỏi đó, những người lãnh đạo đất nước lúc bấy giờ không thể không nhìn vào một mô hình lớn là thể chế chính trị, xã hội của Trung Quốc. Việc học tập chữ Hán không chỉ như một công cụ giao tiếp mà còn là sự học tập để tiếp thu Nho giáo là chỗ dựa tinh thần căn bản của mọi thiết chế chính trị của xã hội Trung Quốc. Năm 1042, đời Lý Thái Tông, đã cho ban hành bộ sách Hình thư, một sách luật có sớm nhất nước ta. Và mùa thu, tháng 8 năm Thần vũ thứ II (1070), vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu ở phía nam Hoàng thành, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế, cho hoàng tử đến học ở đây. Đây là một sự kiện quan trọng trong nền giáo dục nước ta. Tuy vậy, việc chọn người tài giỏi bằng con đường khoa cử vẫn chưa đặt ra, trong khi cách kén chọn nhân tài ở Trung Quốc thời đó đã đi vào cách chọn khoa cử từ lâu.

Đến đời Lý Nhân Tông, việc tuyển chọn nhân tài theo cách cũ không còn phù hợp. Việc tuyển chọn người hiền tài cần được mở rộng để phục vụ lợi ích của đất nước. Năm 1075, ông là vị vua đầu tiên mở khoa thi Nho học, gọi là khoa “Minh kinh bác học và Nho học tam trường”. Người đỗ đầu khoa này là Trạng nguyên Lê Văn Thịnh quê ở Đông Cứu, huyện An Định, lộ Bắc Giang, nay thuộc làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi thi đỗ, Lê Văn Thịnh tỏ rõ là người có tài năng xuất chúng, được trọng dụng dạy vua học. Năm 1084, ông được cử tham gia tranh luận đòi đất biên giới với nhà Tống tại Vĩnh Bình thắng lợi.

Năm Bính Thìn (1076), Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên ở nước ta, chọn những nhà nho tài giỏi vào dạy học. Năm 1086 (Bính Dần), lại mở khoa thi tuyển “người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn Lâm viện. Mạc Hiển Tích trúng tuyển bổ làm Hàn Lâm học sĩ 1.

Triều Lý còn tổ chức thêm 4 khoa nữa vào các năm 1152 và 1165 đời Lý Anh Tông; 1185, 1193 đời Lý Cao Tông. Đặc biệt khoa thi năm 1185 cho tất cả “học trò từ trạc 15 tuổi, người nào thông hiểu thi, thư sung vào Kinh Diên hầu vua học tập. Bọn Bùi Quốc Khải và Đặng Nghiêm 30 người trúng tuyển”2. Riêng 3 khoa 1152, 1165, 1193 chỉ có tên khoa thi, không ghi được tên người đỗ.

Tính ra, nhà Lý đã tổ chức được 6 khoa thi Nho học, lấy đỗ được 4 trạng nguyên. Như vậy, có thể thấy từ khi Lý Nhân Tông đặt nền móng cho khoa cử Việt Nam, các khoa thi triều Lý còn rất thưa (15-20 năm), có những khoảng cách xa quá như từ năm 1086 đến năm 1152 không thấy ghi khoa nào.

Cùng với việc tổ chức thi cử để chọn nhân tài, Lý Nhân Tông cũng quan tâm xây dựng thiết chế bộ máy chính quyền từ trung ương đến tận xã. Năm 1084, ông định quan chế, chia văn võ thành chín phẩm. Dưới những bậc đại thần như thái sư, thái phó... về văn ban có thượng thư, tả hữu tham tri, trung thư thị lang... Về võ ban có đô thống, nguyên súy, tổng quản, khu mật sứ, khu mật tả hữu sứ... Tới các châu, quận, văn thì có tri phủ, tri châu, võ có chư lộ trấn, lộ quan. Có thể nói bộ máy hành chính dưới thời Lý Nhân Tông đã đạt đến sự thống nhất hữu cơ, nên mỗi một chính sách đều được thực hiện với sự liên quan chặt chẽ từ trung ương đến địa phương.

Dưới sự cai quản của một vị vua sáng như Lý Nhân Tông, nước Đại Việt đã bước nhanh trên con đường cường thịnh, văn hóa phát triển, làm nền móng cho việc phát triển đất nước về sau.

TS Lê Ban