QĐND - Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến, kỷ nhân hồi.
VƯƠNG HÀN
Dịch nghĩa: Bài hát Lương Châu
Rượu bồ đào đã được rót trong chén dạ quang - Muốn nâng chén, nhưng tiếng đàn tỳ bà đã giục (tôi) phải lên ngựa rồi - Nếu (tôi rồi có) say ngủ tại sa trường, cũng xin anh đừng cười - Xưa nay ra trận, còn có mấy người được trở về!
Dịch thơ: Khúc hát Lương Châu
(Thể thất ngôn tuyệt cú)
Rượu ngon chén ngọc đã bày kia
Chưa nhấp, tỳ bà giục ngựa đi!
Chớ cười chiến địa người say ngủ
Chinh chiến xưa nay, mấy kẻ về!
Khúc hát Lương Châu
(Thể lục bát)
Rượu ngon chén ngọc còn nguyên
Tiếng tỳ đã giục lên yên ngựa rồi
Say nằm chiến địa ai cười
Xưa nay ra trận, mấy người hồi hương!
Khúc hát Lương Châu
(Thể ngũ ngôn bát cú)
Rượu nho miền Tây Vực
Chén dạ quang ngời ngời
Muốn cạn mà không kịp
Đàn giục lên ngựa rồi
Mai sa trường say ngủ
Xin anh đừng cười tôi!
Xưa nay người ra trận
Quay về, được mấy ai?
Lời bình:
Lương Châu là vùng đất thuộc huyện Vũ Uy, tỉnh Cam Túc, nơi nhiều năm là chiến địa giữa người Hán và người Khương (rợ Khương) ở Tây Vực (vùng Tân Cương ngày nay). Rượu bồ đào, thực ra là một thứ rượu nho rất ngon, chỉ ở Tây Vực mới có.
Trong bài thơ, không khí chiến trận khẩn cấp nằm ngay đằng sau việc mời rượu. Đó là tiếng tỳ giục tráng sĩ lên yên. Nó không cho người ta một mẩu thời gian nào để nâng chén cùng nhau, dù đó là "mỹ tửu", lại được rót trong "chén dạ quang", là thứ chén ngọc, ban đêm có thể phát sáng được. Mà có lẽ người lính ra đi trong đêm thật, vì chỉ có như thế, thì mới cần nói đến "chén dạ quang"? Ban ngày thì "chén dạ quang" chẳng hơn gì chén thường.
Hai câu thơ đầu, rất "phong lưu mã thượng", rất thi vị, dẫu tiếng giáo, tiếng gươm hình như đã cận kề. Mà càng thế, lại càng thi vị!
Nhưng đến hai câu thơ sau thì việc khác rồi, khác lắm rồi! "Chinh chiến xưa nay mấy kẻ về" (Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi) là câu thơ kinh điển bậc nhất, ngay cả trong thơ Đường, về thân phận chiến binh thời liên miên tao loạn. Vì cái thân phận ấy, vì cái lẽ "cổ lai" (từ xưa đến nay) ấy, mà phải xin, chỉ xin: "Chớ cười chiến địa người say ngủ"!
Hai câu thơ lay động lòng người. Nó khẳng định thân phận tất yếu bi thương, đa số bi thương, của chiến binh thời ấy, qua một câu hỏi rất nghiêm trọng, nghiêm trang, rất đau buồn (… mấy kẻ về?), nhưng nó vẫn giữ được chất "phong lưu mã thượng", và lại được "nhẹ hóa" đi, qua việc xin "vặt": "Chớ cười chiến địa người say ngủ"!
Đã biết kết cục chẳng hay gì, nhưng hào hoa tiếp nhận nó, mỉm cười tiếp nhận nó, dẫu là cười buồn. Thế thì cái tinh thần "Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao" (Coi cái chết nhẹ như lông hồng) chẳng đã được đậm đà thêm, bởi Lương Châu từ, đó sao?
ĐỖ TRUNG LAI (dịch lại thơ và bình)