QĐND - Trút bỏ lớp son phấn sau vai diễn trên sân khấu, nghệ sĩ Thảo Quyên cuốn hút người đối diện bởi đôi mắt như ẩn chứa những tâm tư, trong đôi mắt ấy ẩn chứa tâm trạng giằng xé của Vân-một cô giáo miền quê bao năm mòn mỏi chờ đợi người yêu; người lính ở chiến trận trở về trong vở chèo “Chuyện tình người mất tích”...
Thảo Quyên tâm sự, cứ mỗi lần diễn lại vai Vân thì phải mất khá nhiều thời gian Quyên mới thoát được những cảm xúc đau nhói của những bi kịch nối tiếp bi kịch trong câu chuyện tình trắc trở của người lính năm xưa trở về. Bởi thân phận người phụ nữ trong “Chuyện tình người mất tích” là thân phận của rất nhiều người phụ nữ Việt Nam sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, họ vui mừng biết bao khi đón những người chồng, người cha, người yêu trở về thì cũng tủi hờn biết nhường nào khi nhìn thấy, nhận lấy những mất mát, đau thương…Và chính mẹ của Thảo Quyên cũng là một trong rất nhiều người phụ nữ Việt Nam ấy.
 |
Thảo Quyên vai cô giáo Vân trong “Chuyện tình người mất tích”. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nhắc đến mẹ, Thảo Quyên rưng rưng xúc động khi đọc lại những vẫn thơ Quyên tự làm hồi còn là học sinh để tặng mẹ, tuy còn vụng về câu chữ, nhưng lại chứa chan tình cảm:
Ngày ba vào bộ đội
Mẹ tuổi vẫn còn thơ
Thường hay ngắt dây mơ
Giả vờ làm điện thoại
Thời gian dài trôi mãi
Mà chẳng gặp được ba...
Ba Thảo Quyên là bộ đội trở về từ chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị, ông bị thương, nhưng rất may, ba không như người chiến sĩ trong vở chèo “Chuyện tình người mất tích”, ba không bị nhiễm chất độc da cam, nên 5 chị em của Quyên được ba mẹ sinh ra đều là những đứa trẻ lành lặn, khỏe mạnh… Nhưng rồi chẳng vui sống được cùng với mẹ con bao lâu, ba Quyên mất sau cơn bạo bệnh do vết thương chiến trường tái phát. Ba mất, được Nhà nước công nhận là liệt sĩ, mẹ ngày ấy tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Còn Quyên, khi vào vai Vân trong “Chuyện tình người mất tích” lại trải qua những bi kịch này đến bi kịch khác. Bên bến sông, cô giáo Vân ngày đêm mòn mỏi chờ đợi người chiến sĩ trở về để thực hiện lời nguyện ước. Chàng trai trở về, nhưng không phải một mình mà cùng với một người phụ nữ khác. Mâu thuẫn được đẩy lùi khi Vân biết chàng trai của mình và cô gái kia chỉ là vợ chồng hờ, nhưng kịch tính đẩy lên khi Vân biết người chiến sĩ ấy bị nhiễm chất độc da cam. Trên sân khấu, Thảo Quyên đắm chìm trong tâm trạng của Vân như đắm chìm vào thân phận của bao người phụ nữ Việt Nam, đưa đến cho khán giả những xúc cảm, Quyên diễn như không, không như diễn, đó là tâm trạng của người phụ nữ phải chịu đựng sự hy sinh tột cùng, chờ đợi, mong mỏi, hy vọng rồi đổ vỡ…
“Chuyện tình người mất tích” là vở diễn của Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng tham dự Liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc đề tài hiện đại năm 2012, nay được công diễn chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Vào vai Vân xuất sắc trong vở diễn này, Thảo Quyên đã được trao Huy chương Vàng của liên hoan. Vở diễn do tác giả Nguyễn Đăng Chương viết kịch bản, NSƯT Thúy Mùi đạo diễn, ca ngợi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, lòng nhân ái, thủy chung của người phụ nữ Việt Nam.
Hơn 10 năm theo đuổi nghệ thuật chèo, “gia tài” nghệ thuật của Thảo Quyên cũng kha khá với hai huy chương Vàng, một huy chương Bạc, ít nhiều tạo dựng hình ảnh nghệ sĩ hát chèo trong các vai: Mỵ Châu trong “Mỵ Châu-Trọng Thủy”; Kiều trong “Truyện Kiều”; Vân trong “Chuyện tình người mất tích”; Trưng Nhị trong “Vương nữ Mê Linh”…Thảo Quyên chia sẻ, chị luôn mong muốn được vào vai trong những vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng, luôn chờ đợi thể hiện những vai diễn về bộ đội, bởi hình ảnh của những người lính luôn tạo cho nghệ sĩ như Quyên những xúc cảm chân thực, bởi Quyên được sinh ra trong gia đình ở Ninh Bình có bề dày truyền thống, ông là bộ đội thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ba là bộ đội kháng chiến chống Mỹ. Do đó, trên con đường nghệ thuật, dù ở sân khấu chèo, hay những vai diễn điện ảnh đề tài chiến tranh từng vào vai trong phim “Đường thư” hay “Người Hoa Lư”, Quyên vẫn luôn giữ nhiệt huyết với nghề diễn, cùng niềm vui cống hiến cho nghệ thuật của nước nhà.
MINH CHÂU