Cần thừa nhận sở hữu tư nhân về di sản văn hóa

 Văn bản của Luật DSVH sửa đổi lần này đã có những đổi mới đáng ghi nhận. Đó là đưa việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu thành chương IV (từ điều 50 đến điều 60), việc bổ sung chương V (từ điều 61 đến điều 74) về hoạt động bảo tàng vào Luật DSVH sửa đổi mà Quốc hội khóa XV sẽ thông qua. Đồng thời, các điều, khoản, mục của các chương cũng được tu chỉnh, biên tập rất cẩn thận. Tuy nhiên, điều cần lưu tâm ở văn bản Luật DSVH sửa đổi lần này trước hết là vấn đề sở hữu DSVH. Điều 4 với 5 khoản đã quy định rõ ràng vấn đề sở hữu di sản, các di sản thuộc sở hữu toàn dân, nhưng thực tiễn có vấn đề sở hữu tư nhân về DSVH.

leftcenterrightdel
Nghi thức rước rồng tại Lễ hội Tràng An 2024. Ảnh: MINH ĐƯỜNG 

Thống kê đến nay cả nước đã có 70 bảo tàng mà văn bản dùng thuật ngữ là bảo tàng ngoài công lập. Ở văn bản Luật DSVH năm 2001 chúng ta gọi là bảo tàng tư nhân, đến văn bản Luật DSVH năm 2009 sửa đổi, chúng ta thay bằng thuật ngữ bảo tàng ngoài công lập. Dù là bảo tàng tư nhân hay bảo tàng ngoài công lập, hiện vật ở các bảo tàng này không thuộc sở hữu toàn dân, mà sở hữu các hiện vật này thuộc về từng cá nhân cụ thể, tức là sở hữu tư nhân. Chúng ta ghi nhận và mong muốn phát triển bảo tàng ngoài công lập (bảo tàng tư nhân) mà không thừa nhận sở hữu tư nhân về DSVH là mâu thuẫn, nếu không muốn nói cản trở sự phát triển của bảo tàng nói chung, trong đó có bảo tàng ngoài công lập. Chưa kể, các nhà sưu tập cổ vật, có rất nhiều cổ vật trong tay, trong kho của gia đình, của cá nhân thì không thể coi đây là sở hữu di sản toàn dân được.

 Cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thừa nhận nhiều thành phần kinh tế, thì thừa nhận sở hữu tư nhân về DSVH không ảnh hưởng gì sở hữu toàn dân về DSVH. Kinh nghiệm của các nước phát triển rất chú trọng phát triển bảo tàng tư nhân, khiến cho bảo tàng là một thiết chế văn hóa vừa đóng góp vào phát triển văn hóa, vừa đóng góp phát triển kinh tế của các quốc gia này. Vì thế, trong Luật DSVH sửa đổi lần này nên ghi rõ trong Điều 4 vấn đề sở hữu DSVH tư nhân. Đồng thời ở chương V, cũng nên ghi rõ hoạt động của bảo tàng ngoài công lập (bảo tàng tư nhân) từ nội dung hoạt động đến nguồn lực (nhân lực, vật lực).

Xây dựng ngân hàng dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa

 Luật DSVH sửa đổi lần này cần lưu tâm bối cảnh của thời đại. Cả nhân loại, trong đó có dân tộc Việt Nam đã bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vậy Luật DSVH sửa đổi lần này có chú ý gì tới đặc điểm này của thời đại? Phải ghi nhận, văn bản lần này đã chú ý đặt sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị DSVH trong cách mạng 4.0, nhất là nhiệm vụ của nhà nước. Tuy nhiên, cần thấy, cách mạng 4.0 đã lan tỏa tới mọi không gian, tới từng gia đình. Sử dụng mọi thành tựu của công nghệ thông tin trong cách mạng 4.0 trong công cuộc bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phải được đặt ra trong Luật DSVH sửa đổi lần này. Không thể lấy các nội dung và hình thức của việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm nhiệm vụ của nhà nước trong Luật DSVH sửa đổi. Bởi nội dung của Nghị quyết 52 bao gồm nhiều vấn đề của sự nghiệp thực hiện Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan Nhà trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: HOA LƯ 

Chúng ta phải căn cứ vào đặc thù của DSVH, cả vật thể lẫn phi vật thể và di sản tư liệu, cũng như thực tiễn của công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH những năm qua. Từ năm 1996, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xây dựng và phát triển data bank (ngân hàng dữ liệu) DSVH tại Viện âm nhạc (Học viện âm nhạc quốc gia) và Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Các di sản âm nhạc, DSVH của 54 tộc người đã được lưu trữ ở đây. Kế thừa những việc đã làm của hai data bank DSVH phi vật thể này là công việc nên làm. Chưa kể data bank về di tích được xây dựng và vận hành tại Viện bảo tồn di tích cũng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hướng tới một data bank quốc gia về DSVH là một điều phải ghi trong Luật DSVH sửa đổi, đồng thời nghĩ tới các sáng tạo văn hóa từ các lưu trữ này.

 Luật DSVH sửa đổi lần này chú trọng vai trò nghệ nhân, nhưng tiếc là vai trò danh nhân chưa được quan tâm đúng mức. Các cụ nhà nho khẳng định, nước ta là một nước văn hiến. Văn bản lần này chỉ đề cập nơi sinh của danh nhân, tác phẩm khoa học của danh nhân. Giá như văn bản đề cập danh nhân, trong tương quan với nghệ nhân thì tốt biết bao. Hiện tại, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc đã vinh danh 7 danh nhân Việt Nam là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương và Lê Hữu Trác. Ở trong nước, chúng ta cũng vinh danh nhiều danh nhân có sự đóng góp cho đất nước và dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Vậy tại sao, trong Luật DSVH sửa đổi lần này không đề cập đến danh nhân? Tựu trung, Luật DSVH bổ sung lần này có nhiều điểm mới, song vẫn có nhiều vấn đề cần bàn bạc và suy ngẫm thêm. 

 GS, TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.