Mỗi ngày, dù mưa hay nắng, lớp học của võ sư Phạm Đức Thái luôn diễn ra sôi nổi, vang lên tiếng cười nói vui đùa của các em nhỏ. Các em được thầy dạy taekwondo, từ đơn giản đến phức tạp, nhưng điều quan trọng là các em được rèn tâm, dưỡng tính, cách đối nhân xử thế từ võ đạo.

Võ sư Phạm Đức Thái chia sẻ: "Cơ duyên để thành lập lớp dạy võ miễn phí này có từ cách đây khoảng 8 năm. Có lần, con gái thứ hai của tôi đi học về và nói rằng: “Ba ơi, các em mồ côi lang thang thương quá! Ba mở lớp dạy võ giúp các em nhỏ có nơi rèn luyện, giải trí đi”. Câu nói của con khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và cảm thấy điều đó mình có thể làm được, vô cùng ý nghĩa".

leftcenterrightdel

Võ sư Phạm Đức Thái bên các học trò khiếm thính.

Nghĩ là làm, võ sư Phạm Đức Thái đề xuất về ý định muốn mở một lớp dạy võ cho trẻ em nghèo và nhận được sự hỗ trợ của UBND phường 4, quận 3 cùng Ban quản trị đình Phú Thạnh. Từ đó, lớp dạy võ được thành lập, thu hút nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở phường 4, quận 3 và các địa bàn lân cận đến theo học. Vì thế, có thời điểm lớp học của võ sư Phạm Đức Thái có sĩ số lên đến hơn 80 em. Các em tham gia lớp võ thuật phần lớn có hoàn cảnh mồ côi, cơ nhỡ, gia đình khó khăn, có em chậm phát triển, khuyết tật, tăng động... nhưng khi đến lớp đều được võ sư Phạm Đức Thái tận tình yêu thương, chỉ bảo như con cháu trong nhà. 

Em Huỳnh Nguyễn Thành An (sinh năm 2009, ở quận 3) tham gia lớp học võ từ năm 2018. An có cảnh khó khăn. Mẹ An một mình gồng gánh nuôi 3 con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Gia cảnh nghèo khiến anh em An không có điều kiện tham gia các lớp học thể thao, năng khiếu hay hoạt động vui chơi như chúng bạn cùng lứa. An chia sẻ: "Thầy Thái không chỉ nhận dạy miễn phí cho cả 3 anh em mà luôn truyền cho chúng em cảm hứng võ đạo. Đây là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, tự vệ, bảo vệ người yếu thế và mài giũa tâm tính, sức chịu đựng, sự kiên nhẫn”.

Bên cạnh sắp xếp thời gian dạy võ, võ sư Phạm Đức Thái còn mua võ phục tặng học sinh, chi trả tiền điện, nước sinh hoạt, tổ chức sinh nhật, lễ mừng lên đẳng... Để có đủ chi phí trang trải cho hoạt động của lớp võ thuật, võ sư Phạm Đức Thái nhận làm thêm các việc như: Lái xe dịch vụ, giao hàng, dạy thêm giờ ở các trung tâm, có khi vay mượn tiền bạn bè... Dù khó khăn nhưng võ sư Thái chưa một lần từ chối bất kỳ em nào có hoàn cảnh khó khăn đến xin học võ.

Nhiều người tỏ ý muốn quyên góp, hỗ trợ kinh phí cho lớp võ thuật, nhưng võ sư Phạm Đức Thái từ chối, chỉ nhận hiện vật phục vụ cho lớp học. Trong suốt 8 năm, hàng trăm trẻ em khó khăn đã được dạy võ miễn phí nơi sân đình Phú Thạnh. Cùng với việc học tập, rèn luyện võ đạo, các em còn phải thực hiện nội quy tôn sư trọng đạo, biết lễ nghĩa, sống nhân hậu...; có những học sinh cá tính, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường chung, thầy đã kiên trì dạy bảo.

Nhiều em nay đã trưởng thành nhưng hình ảnh vị võ sư lớn tuổi, người thầy của trẻ em nghèo dạy võ nơi sân đình vẫn neo mãi trong ký ức. Lớp võ thuật như ngày càng đông thêm. Vị võ sư nhân hậu luôn rộng mở tấm lòng nhân ái đón nhận những trẻ em nghèo khó để truyền dạy võ thuật, tình yêu thương.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.