Hơn 500 hình ảnh, hiện vật, tư liệu lịch sử được sắp đặt như những mảnh ghép thể hiện một thời đại hào hùng của dân tộc, từ khí thế Tổng tiến công mùa Xuân 1975, sức mạnh đại đoàn kết trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đến dấu ấn của Quân khu 7 và nhân dân miền Đông Nam Bộ. Triển lãm cũng giới thiệu những thành tựu nổi bật của TP Hồ Chí Minh sau ngày non sông thống nhất và khép lại bằng không gian trải nghiệm và tương tác trực tiếp. Mỗi phần đều làm nổi bật tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí chiến đấu kiên cường, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Một trong những hiện vật đặc biệt nhất đang trưng bày ở bảo tàng là “Sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Đây là bảo vật quốc gia ghi chép diễn biến chiến dịch từ ngày 25-4 đến 1-5-1975. Những dòng chữ nhuốm màu thời gian không chỉ là tư liệu mà còn là minh chứng sống động cho một thời khắc không thể quên. Vào thời điểm diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Vị là Trợ lý Tác chiến Bộ chỉ huy chiến dịch, cũng là người từng gìn giữ cuốn sổ tay tác chiến như một báu vật, kể rằng, vào dịp 30-4 hằng năm, ông đều thắp hương, đặt cuốn sổ lên bàn thờ để “mời đồng đội về chung vui chiến thắng với đất nước”. Khi cuốn sổ được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông cũng thường xuyên lui tới để theo dõi, ôn lại những kỷ niệm một thời chiến đấu ác liệt mà hào hùng.
 |
Các đại biểu tham quan Triển lãm “50 năm vang mãi bản hùng ca” tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh. |
Trong dòng người tham quan triển lãm, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Từ Đễ, nguyên là phi công tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, lặng lẽ dừng lại trước bức ảnh những người lính Mỹ cuốn cờ tại buổi lễ chính thức chấm dứt hoạt động của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam. Ông chậm rãi chia sẻ: “Trong Bảo tàng có nhiều ảnh đẹp về khí thế ra trận, nhưng với tôi, “cuốn cờ Mỹ” chính là bức ảnh ý nghĩa, không cần chú thích cũng đủ nói lên tất cả, đó là biểu tượng của chiến thắng không chỉ về quân sự mà còn là chiến thắng của đạo lý và chính nghĩa”.
Bên ngoài triển lãm, không khí trở nên rộn ràng với tiếng cười nói, ánh mắt thích thú của học sinh, sinh viên khi trải nghiệm những mô hình tái hiện chiến trường xưa. Một trong những khoảnh khắc xúc động nhất là khi các em được ngồi bên chiếc máy may từng dùng để may cờ giải phóng. Cái chạm tay giản dị ấy khiến lịch sử không còn là những trang giấy xa xôi mà trở nên sống động, gần gũi và đầy cảm xúc.
Thượng tá Phạm Đức Quang, Phó giám đốc Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ kiêm Phó giám đốc Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh cho biết, triển lãm đã thu hút đông đảo khách tham quan, nhất là các em học sinh, sinh viên và đoàn viên, thanh niên các cơ quan, đơn vị, địa phương. “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là thông qua những tư liệu, hình ảnh, hiện vật sống động, các em sẽ thêm tự hào về truyền thống dân tộc, tin yêu Đảng, Bác Hồ, Quân đội và từ đó nhận thức rõ hơn về trách nhiệm gìn giữ, phát huy thành quả cách mạng”, Thượng tá Phạm Đức Quang cho biết thêm.
Bài và ảnh: KIỀU OANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.