Việt Nam tự hào có nền văn hóa độc đáo, phong phú, giàu bản sắc. Bản sắc văn hóa dân tộc được biểu hiện đa dạng trong cuộc sống đời thường nhưng rõ nhất là qua những sinh hoạt, thực hành văn hóa của cá nhân, cộng đồng, trong đó có những thực hành sinh hoạt văn hóa của người dân trước Tết như quang cảnh của những phiên chợ Tết; không khí sửa soạn, trang hoàng nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm; và cả những nghi thức cúng lễ mà lễ tạ cuối năm được coi là một nghi thức không thể thiếu.

Phong tục lễ tạ cuối năm của người Việt Nam gồm nhiều nghi thức. 

Theo Tiến sĩ Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: “Lễ tạ được coi là một hệ thống nghi lễ vào dịp cuối năm, thực hiện trong tháng Chạp. Hoạt động văn hóa này đã có từ cổ xưa mà chúng ta có thể thấy được trong những ghi chép cổ, kinh thi, rằng có sự hân hoan của con người khi năm mới đến, đồng thời cũng là tạ ơn các vị thần linh đã ban sức khỏe, hạnh phúc trong năm cũ”. 

Nghệ nhân Ưu tú Lê Bá Linh chia sẻ quan điểm về lễ tạ cuối năm: “Phong tục này xuất phát từ lòng thành kính, tin tưởng đối với tổ tiên, với các vị thần linh cũng như các bậc tiên thánh. Bên cạnh đó, theo tôi, con người sống thường có lẽ trước - sau, đầu năm trình thì cuối năm tạ, cũng như đầu năm trình, xin cầu bình an, hạnh phúc, các việc được suôn sẻ thì cuối năm cảm tạ thiên địa trời đất, Phật, Thánh”.

Lễ tạ cuối năm thường bao gồm các nghi thức như: Lễ tạ đất, tạ Thổ công; lễ tạ mộ, cúng trả lễ,… Cứ vào dịp cuối năm, nhà nhà lại làm lễ cúng tạ đất hay tạ Thổ công như một hình thức tri ân vị thần đất đã phù hộ độ trì cho cả gia đình mình trong suốt một năm. TS Chu Xuân Giao cho biết: “Thời gian thực hiện nghi thức lễ tạ đất, tạ Thổ công thường diễn ra trong khoảng từ mồng 10 tháng 10 âm lịch (cúng cơm mới) cho đến trước lễ tạ Táo quân, tùy thuộc phong tục tập quán của từng địa phương mà họ lựa chọn một ngày thích hợp, nhưng không bao giờ trước ngày 10-10 vì nếu thực hiện trước lễ cúng cơm mới thì sẽ không mang ý nghĩa cảm tạ”.

Theo truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, lễ tạ mộ cũng được người Việt thực hiện vào mỗi dịp cuối năm để con cháu tưởng nhớ về những người đã khuất trong gia đình, họ tộc mà dân gian thường gọi chung là “các cụ”, đồng thời tạ ơn thần linh, thổ địa khu vực đặt mộ phần đã chiếu cố, bảo vệ cho người đã khuất trong suốt năm qua.

Bên cạnh tạ ơn, tri ân người đã khuất, tổ tiên, con cháu còn sửa sang, dọn dẹp, bài trí mộ phần sạch đẹp đón năm mới, đồng thời mời “các cụ” gia tiên về ăn Tết cùng con cháu. Tuy lễ tạ mộ thể hiện lòng hiếu thảo, mang ý nghĩa giáo dục đời sau “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bậc tiền nhân nhưng cần thực hiện đúng nghi thức, ý nghĩa, tránh rườm rà lãng phí, hoặc tình trạng khoa trương, khoe mẽ với trần thế.

Người Việt Nam thường đi lễ tạ cuối năm tại các đền, chùa. 

Một trong những nghi thức được thực hiện cuối năm đó là “lễ tạ trả lễ”, xuất phát từ quan niệm dân gian rằng đầu năm đi chùa cầu may, đi lễ tại các cơ sở tâm linh để xin lộc, vay mượn thì cuối năm phải cúng trả lễ, cho dù bận rộn hay sức khỏe đau ốm cũng phải cố gắng sắp xếp để thực hiện lễ tạ này.

Người ta cũng cho rằng “Có vay, có trả”, khi ăn lộc Thánh phải biết đền đáp, đáp trả lòng tốt. Theo đó, việc trả lễ cuối năm còn khiến tâm hồn thanh thản và chào đón năm mới với nhiều may mắn.

Nghệ nhân Ưu tú Lê Bá Linh chia sẻ: “Theo tôi, quan niệm trong dân gian này không có đúng hay sai vì suy cho cùng, tất cả đều bắt nguồn từ tấm lòng thành kính, biết ơn của con người đối với các vị Phật, vị Thánh, vị thần, thậm chí đối với tổ tiên, cha ông đã khuất. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn nhấn mạnh: nên tránh “nặng nề” trong quan niệm để có thể bày tỏ lòng thành trong điều kiện hợp lý của từng cá nhân, và đặc biệt đừng biến việc lễ thành câu chuyện mê tín. Lễ chính là hướng thiện và chúng ta nên kết hợp giữa duy vật và duy tâm để làm công việc đó cho thật tốt”. 

Có thể thấy, phong tục lễ tạ cuối năm của người Việt rất đa dạng, 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S đều có riêng những nét đặc trưng ở phong tục này. Việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đó là trách nhiệm chung của cộng đồng, của mỗi người dân Việt Nam.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.