Thời Nguyễn, Lệ Mật thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc, nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở khu vực này, tuy nhiên những dấu tích cổ, truyền thuyết dân gian cùng lễ hội truyền thống vẫn được nhân dân gìn giữ, trở thành nét đặc sắc văn hóa của mảnh đất phía đông kinh đô nghìn năm văn hiến.
Đi cùng ông Trương Bá Thích, thủ từ đình Lệ Mật vào thăm ngôi đình cổ tọa lạc uy nghi giữa khu dân cư đông đúc, chúng tôi được nghe giới thiệu về gốc tích đất cựu quán. Tương truyền vua Lý Thái Tông có người con gái thường giong thuyền du ngoạn trên sông Thiên Đức (sông Đuống). Một hôm thuyền của công chúa bị đắm, mất tích. Quan quân triều đình được phái xuống sông mò tìm nhưng không thấy. Khi ấy có một chàng trai họ Hoàng ở Lệ Mật xin lặn xuống chiến đấu với thủy quái và vớt được ngọc thể công chúa lên bờ. Vua ban thưởng vàng bạc nhưng chàng trai từ chối mà xin đưa dân sang khai khẩn đất hoang phía tây thành Thăng Long lập nên thập tam trại (vùng đất này gọi là kinh quán). Sau đó, ông họ Hoàng còn về giúp dân làng Lệ Mật chăm lo sản xuất, dạy nghề nuôi rắn. Dân Lệ Mật ngày càng trù phú, cường thịnh, đời sống ấm no (vì thế tên gốc của làng là Trù Mật).
 |
Di tích lịch sử đình Lệ Mật. |
Tưởng nhớ công lao của ông họ Hoàng, nhân dân Lệ Mật và các làng liên quan đã tôn thờ làm thành hoàng. Hằng năm vào dịp lễ hội, nhân dân của 13 trại bên kinh thành Thăng Long sang sông về quê cũ Lệ Mật để tri ân công lao của tổ khai canh, khai cơ. Nhân dân trong vùng vẫn truyền tụng câu ca: “Đến ngày hai ba tháng ba/ Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê/ Kinh quán, cựu quán đề huề/ Hồ Tây, cá nhảy đi về trong mây”.
Trải qua nghìn năm tạo dựng đất cựu quán đã hội tụ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được nhân dân lưu truyền gìn giữ cho đến hôm nay. Tiêu biểu là quần thể đình, chùa, miếu, giếng cổ vẫn được bảo tồn là những di tích lịch sử văn hóa có giá trị trên địa bàn. Theo ông Trương Văn Chè, Trưởng ban quản lý di tích đình, chùa Lệ Mật, trong lễ hội truyền thống, nhân dân biểu diễn nhiều luật tục cổ như: Lễ đả ngư (đánh bắt cá) trình miếu công chúa sau dâng đức thánh; múa giảo long tái hiện thần tích đức thánh họ Hoàng có công trị thủy và khai khẩn ruộng đồng cho cư dân nông nghiệp cấy trồng ấm no. Trong vùng hiện có hàng chục ngôi nhà thờ họ cổ là nơi tôn vinh các dòng tộc đã cùng nhau góp sức dựng xây mảnh đất này. Tiêu biểu phải kể đến nhà thờ họ Hoàng, họ Trương Bá, Nguyễn Quang, Nguyễn Văn, Trần Như...
Trên mảnh đất Lệ Mật ngày nay, nhân dân có ý thức trong việc giữ gìn nghề nuôi rắn có từ lâu đời và phát triển thành cơ sở sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực như: Chế biến ẩm thực, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ da rắn, lấy nọc rắn chế thuốc chữa bệnh, nấu cao rắn... Nhiều cửa hàng tập trung đầu tư để xây dựng thương hiệu rắn Lệ Mật trở thành đặc sản. Bà Giáp Thị Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND phường Việt Hưng cho biết: “Để phát huy các giá trị văn hóa của mảnh đất Lệ Mật, địa phương được quận Long Biên đầu tư phát triển du lịch làng nghề rắn kết nối tham quan các công trình văn hóa, tâm linh. Cùng với sự phát triển của Thủ đô, những giá trị truyền thống được lưu giữ, truyền lại qua nhiều đời đã góp phần làm nên danh thơm cho đất Lệ Mật".
Bài và ảnh: THƯ NGỌC