Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm tri ân bậc tiền nhân đã có công khai sáng và phát triển nghề thêu, đồng thời khẳng định giá trị trường tồn của nghề truyền thống trong dòng chảy văn hóa dân tộc.

Quang cảnh đình Tú Thị.

Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, chính quyền phường Hàng Gai, các nghệ nhân, thợ thêu cùng đông đảo nhân dân và du khách.

Lễ dâng hương diễn ra trong không khí trang nghiêm với các nghi thức truyền thống, thể hiện lòng thành kính đối với công lao to lớn của ông Tổ của nghề thêu Lê Công Hành.

Các đại biểu và nhân dân tới dâng hương.

Ông Lê Công Hành, tên khai sinh là Trần Quốc Khái. Ông sinh năm 1606, tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Dưới triều vua Lê Thần Tông, ông đỗ Tiến sĩ và được bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ Công. Năm 1646, trong chuyến đi sứ Trung Hoa, ông đã học hỏi và mang về những kỹ thuật thêu tinh xảo, góp phần nâng tầm nghề thêu truyền thống Việt Nam.

Từ đó, nghề thêu phát triển rộng rãi khắp cả nước và trở thành một trong những ngành thủ công mỹ nghệ đặc sắc, gắn liền với đời sống văn hóa của người Việt. Nhằm ghi nhớ công lao to lớn ấy, hậu thế đã suy tôn ông là ông Tổ nghề thêu, lập đền thờ và tổ chức lễ tưởng niệm hằng năm.

Trong khuôn khổ chương trình, bên cạnh lễ dâng hương, các đại biểu và du khách tham quan triển lãm chuyên đề “Tơ óng - Màu cây” trưng bày những tác phẩm thêu truyền thống và hiện đại của nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm, qua đó tôn vinh vẻ đẹp của nghề thêu Việt Nam.

Nghệ sĩ thêu Phạm Ngọc Trâm giới thiệu các tác phẩm trong triển lãm "Tơ óng - Màu cây".

Buổi lễ cũng là dịp để các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, thợ thêu trao đổi về cơ hội, thách thức trong việc bảo tồn và phát huy nghề thêu trong bối cảnh hội nhập.

Phát biểu tại lễ dâng hương, đồng chí Nguyễn Mạnh Linh, Chủ tịch UBND phường Hàng Gai bày tỏ kỳ vọng trong thời gian tới, đình Tú Thị sẽ trở thành một điểm đến nghệ thuật, nơi các nghệ sĩ có thể sáng tạo các tác phẩm thêu tay, góp phần gìn giữ và quảng bá nghề truyền thống của dân tộc. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển thương mại và văn hóa của khu vực.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Linh, Chủ tịch UBND phường Hàng Gai phát biểu khai mạc.

Việc tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm ngày sinh ông Tổ nghề thêu thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, khẳng định quyết tâm gìn giữ và phát triển các giá trị di sản.

Đây cũng là động lực quan trọng để nghề thêu tiếp tục phát triển bền vững, góp phần làm rạng danh bản sắc văn hóa Việt Nam trong dòng chảy của thời đại.

Tin, ảnh: NAM HỒNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.