Ông Quyền bắt đầu biết làm diều sáo từ khi mới hơn chục tuổi do các cụ cao niên trong làng truyền dạy. Từ đó đến nay, ông vẫn đam mê diều sáo. Mỗi năm, ông đều làm vài con diều để chơi hoặc tặng bạn bè cùng đam mê. Với ông Quyền, diều sáo là thú chơi tao nhã và mang nhiều nét văn hóa dân gian. Ông chia sẻ, cánh diều bay lên bầu trời thể hiện khát vọng bao la của con người, tiếng sáo du dương khi trầm khi bổng báo hiệu sự thanh bình của đất nước. Thưởng thức tiếng sáo trên cánh đồng quê hương giúp tâm hồn con người thanh thản, tĩnh lặng và xoa dịu những lo toan của cuộc sống.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền cùng thanh thiếu niên làm diều. 

Yêu cánh diều đến tha thiết nhưng ông Quyền phải chứng kiến thú chơi diều ngày càng khó có chỗ đứng trong xã hội hiện đại. Trước sức lôi cuốn của trò chơi điện tử, điện thoại thông minh hay các trò chơi cảm giác, trẻ em thời nay ít mặn mà với trò chơi dân gian. Năm 2007, ông Quyền nhận được lời mời từ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tham gia chương trình bảo tồn di sản trò chơi dân gian. Tại chương trình, ông không chỉ hướng dẫn các em thiếu nhi tự tay làm ra chiếc diều sáo, đèn kéo quân mà còn truyền tải những câu chuyện văn hóa, sự tích dân gian cho các em. Từ đó, ông Quyền được nhiều tổ chức bảo tồn văn hóa biết đến và họ thường xuyên mời ông tham gia các chương trình bảo tồn trò chơi dân gian. Bằng tình yêu mãnh liệt với các trò chơi dân gian, ông Quyền nhận mọi “show diễn” để trổ hết kỹ nghệ. Tính đến nay, ông đã tham gia gần 100 sự kiện lớn, nhỏ trên cả nước.

Tuy tuổi đã cao nhưng cả thể chất và tinh thần của ông Quyền đều rất tốt. Ông khoe, mới tháng 5 vừa rồi, ông tham gia Chương trình “School Star 2023-Gắn kết để phát triển” chủ đề “Cội nguồn hạnh phúc trẻ thơ” được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Tại chương trình, ông Quyền cùng một số nghệ nhân giao lưu với gần 500 bạn nhỏ và phụ huynh để truyền cảm hứng, đam mê chế tạo và thưởng thức trò chơi dân gian. Sau đó, nhóm nghệ nhân hướng dẫn các em nhỏ làm 1.000 cánh diều, đèn kéo quân, tò he, phỗng đất, chuồn chuồn tre... 

Năm 2013, ông Quyền vận động một số người yêu diều sáo trong xã thành lập Câu lạc bộ Diều sáo Cao Viên, sau đó phát triển thành Câu lạc bộ Diều sáo Thanh Oai. Ông làm chủ nhiệm câu lạc bộ trong một thời gian dài trước khi chuyển sang làm cố vấn. Hiện tại, ông Quyền đang gây dựng một nhóm bạn trẻ trong làng làm diều sáo chuyên sâu để có thể tiếp tục thay ông dạy lại kỹ thuật làm diều tới các em nhỏ.

Anh Nguyễn Văn Thắng, 28 tuổi, thành viên trong nhóm và là người có kỹ năng làm diều tốt, chia sẻ: "Tôi và ông Quyền là những thế hệ khác nhau nhưng có chung niềm đam mê diều sáo. Buổi chiều hè nào, dẫu bận rộn đến đâu, tôi và ông đều dành thời gian ra đồng thả diều. Đến nay, ông đã dạy tôi hầu hết các kỹ năng làm diều sáo. Sau này tôi cũng sẽ cố gắng dạy lại các em nhỏ trong làng để duy trì thú chơi diều sáo tao nhã, đậm bản sắc dân tộc".

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.