Để đánh giá lại toàn bộ những vấn đề về đàn Bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam, ngày 21-10, Viện Âm nhạc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Hội thảo “Đàn Bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam”.

Đàn Bầu - nhạc cụ bản địa của người Việt

PGS,TS, NGƯT Nguyễn Bình Định (Viện trưởng Viện Âm nhạc), cho đến nay, vẫn chưa có đủ cứ liệu để xác định một cách chính xác đàn Bầu có từ bao giờ. Người thì cho rằng, đàn Bầu ra đời ở khoảng thế kỷ IX- X, có người còn đưa ra con số cụ thể là đàn Bầu được chế tạo vào năm 1770...Tuy chưa có giả thuyết nào được khẳng định là chính xác, nhưng có thể nói, đàn Bầu là nhạc cụ bản địa của người Việt, đã có từ lâu đời, ít nhất cũng phải có trước thế kỷ XIX. 

Trải qua những bước thăng trầm, chuyển hóa trong suốt quá trình lịch sử, đàn Bầu từ thuở ban đầu chỉ đơn giản là làm từ một ống bương (hoặc vầu, hoặc mai), ngựa đàn là mảnh sành, mảnh sứ hoặc miếng gỗ cứng, vòi đàn là một que tre dài, dây đàn làm bằng dây móc, dây gai, dây tơ, bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nậm hoặc vỏ gáo dừa khô...cho đến khi thân đàn làm bằng gỗ, vòi đàn làm bằng sừng, bầu đàn làm bằng gỗ tiện theo hình quả bầu nậm, dây đàn làm bằng hợp kim ...và từ chỗ âm lượng nhỏ do thân đàn nhỏ, quả bầu nậm nhỏ, các nghệ nhân hát Xẩm đã nghĩ ra cách để lên mặt đàn ở phía dưới đuôi đàn một thùng sắt tây hoặc một cái chậu đồng tỳ vào dây đàn để tần số rung của dây đàn truyền trực tiếp vào vỏ thùng, do đó âm lượng được phóng to hơn...Cuối những năm 1950, các nghệ sĩ đàn Bầu: Mạnh Thắng (Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị); Nguyễn Tiếu (Đoàn Ca nhạc Dân tộc Việt Nam) đã tìm cách sử dụng bô-bin chạy bằng pin lắp vào đàn Bầu để âm thanh được phóng to hơn nữa và truyền trực tiếp ra loa, đồng thời tiếng đàn còn có thể ngân được độ dài gấp nhiều lần trước đây; từ đó đàn Bầu có thể tham gia hòa tấu với nhiều nhạc cụ khác cùng một lúc và có thể trình diễn trên sân khấu lớn cho nhiều người cùng nghe.

Đại tá, nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến khẳng định: Đàn Bầu là của Việt Nam, sinh ra từ Việt Nam, phát triển từ Việt Nam. Mặc dù chúng ta chưa tìm được nguồn gốc sự ra đời của đàn Bầu nhưng qua sự phát triển của cây đàn Bầu cho tới ngày nay thì chúng ta càng khẳng định rằng, từ trong lao động sản xuất, bằng những vật liệu vô cùng giản đơn của người Việt Nam (người dân tộc Kinh) đã sáng tạo ra cây đàn Bầu.

leftcenterrightdel
Hội thảo “Đàn Bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam”. 
Tiếng đàn Bầu trong trẻo, trữ tình

Cây đàn Bầu Việt Nam không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Việt cũng như trên sân khấu nghệ thuật truyền thống và đương đại. Nhiều người nước ngoài khi ca ngợi Việt Nam đã dùng đến những cụm từ “đất nước đàn Bầu”, hoặc “quê hương đàn Bầu”. Thật tự hào khi loại nhạc cụ truyền thống này đã chiếm được trái tim của người nghe trong và ngoài nước. Đàn Bầu tạo được chỗ đứng trong lòng người nghe bởi dự độc đáo không phải ở 1 dây mà ở cách diễn tấu của nó. Để hiểu được tính độc đáo của cây đàn bầu ta phải hiểu cách diễn tấu cả tay phải và tay trái của cây đàn bầu.

Theo NSND Nguyễn Tiến, tính độc đáo của cây đàn Bầu Việt Nam còn thể hiện ở tiếng đàn Bầu rất trong trẻo, trữ tình, mộc mạc mà kiêu xa, duyên dáng mà không cầu kỳ, giản đơn mà cuốn hút người nghe như một ma lực tự nhiên. Tiếng đàn Bầu Việt Nam phù hợp với tâm hồn, tình cảm và ngôn ngữ của người Việt. Âm thanh đàn Bầu vang lên là âm bồi, tay trái bẻ cần đàn có thể tạo ra muôn vàn kiểu luyến láy mềm mại khác nhau kết hợp với các kỹ thuật cơ bản của đàn Bầu như: Rung, vỗ, lắc, hất, giật, luyến...thì hiệu quả của tiếng đàn Bầu vô cùng phong phú.

NSƯT Bùi Lệ Chi khẳng định, đàn Bầu là một trong những nhạc cụ vô cùng độc đáo của dân tộc Việt Nam. Với cấu tạo đơn giản nhưng hình dáng đẹp, cùng kỹ thuật gảy bồi âm cũng như âm sắc quyến rũ, đàn Bầu đã trở thành một trong những cây đàn đặc sắc đại diện cho tâm hồn, bản sắc văn hoá Việt Nam.

Là một giảng viên, nghệ sĩ đang trực tiếp giảng dạy đàn Bầu, NSƯT Bùi Lệ Chi có những trăn trở lo lắng trước xu thế giao lưu, hội nhập về âm nhạc hiện nay. Nhiều dòng nhạc du nhập vào Việt Nam được giới trẻ yêu thích và lãng quên dần dòng nhạc truyền thống khiến chúng ta phải nhìn lại những vấn đề liên quan đến ngành nghề của mình như vấn đề đào tạo, biểu diễn…sao cho phù hợp với thời đại mới.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hải Dương biểu diễn tiết mục độc tấu đàn Bầu. Ảnh: TTXVN 
NSƯT Bùi Lệ Chi cho rằng, phải coi công tác đào tạo là nền tảng. Đào tạo chính là cơ sở để phát triển nghệ thuật biểu diễn. Đồng hành cùng với sự thành công trong đào tạo và biểu diễn giai đoạn mới chắc chắn phải có sự đóng góp của các sáng tác mới. Đào tạo tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật nhất thiết phải được bắt đầu khi tuổi còn nhỏ. Ngoài ra, thời lượng dành cho việc học chuyên ngành phải được tăng cường. Hơn nữa, phải khuyến khích các nhạc sĩ, nghệ sĩ, giảng viên tham gia sáng tác cho đàn Bầu. Có như vậy, sự nghiệp đào tạo và biểu diễn loại nhạc cụ này mới phát triển lâu bền.

Đàn Bầu đã trở thành “máu thịt” của người Việt Nam. Vì giá trị to lớn của cây đàn mà nhiều nhạc sĩ đã có những sáng tác hay dành riêng cho loại nhạc cụ này. Trong số đó, không thể không nói tới các tác phẩm “Vì miền Nam” của Huy Thục; “Cung đàn đất nước”, “Buổi sáng sông Hương” của NGND Xuân Khải; “Dòng kênh trong” của nhạc sĩ Hoàng Đạm; “Vũ khúc Tây Nguyên” của NSƯT Đức Nhuận; “Niềm tin tất thắng” của  Khắc Chí; “Xúy Vân” của  Ngô Quốc Tính…   

Cây đàn Bầu bình dị nhưng chứa đựng những thanh âm đắm say lòng người, chinh phục biết bao trái tim người nghe. Một nhà thơ người Pháp sau khi được nghe tiếng đàn Bầu đã xúc động viết: “Cây đàn Bầu thật giống/Như con người Việt Nam/Giản dị mà thanh cao/Đơn sơ mà phong phú”.

Để bảo tồn, phát huy giá trị của đàn Bầu, các cơ quan chức năng cần phải có cách thức, phương án để phát triển loại nhạc cụ này để tiếng đàn Bầu hòa nhập với dòng chảy đời sống âm nhạc đương đại.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN