QĐND - Nhân tưởng niệm 25 năm ngày mất nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1988-2013), nhiều sân khấu kịch lại đỏ đèn biểu diễn những vở kịch nổi tiếng của ông. Trong đó, đáng chú ý là việc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam phục dựng lại vở kịch kinh điển “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” bằng phiên bản kịch hình thể.
“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” nổi tiếng đến mức giới trẻ ngày nay cũng không xa lạ với vở kịch khi một trích đoạn đã được đưa vào dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Ngay từ khi mới ra mắt khán giả cho đến tận bây giờ, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã trở thành một vở kịch đặc biệt của Nhà hát Kịch Việt Nam. Thành công của vở diễn không thể quên vai trò của cố đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi và dàn diễn viên tên tuổi như: NSND Trọng Khôi, NSND Trần Tiến, NSƯT Mỹ Dung, Bích Thu, Phạm Bằng, Anh Dũng…
Thường thì những vở kịch kinh điển như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, các nghệ sĩ hậu bối chỉ cố gắng dựng lại vở diễn làm sao cho hay, cho giống các tiền nhân đã làm; chứ chẳng mấy ai dại dột phục dựng. Tuy nhiên, bằng suy nghĩ táo bạo, đạo diễn, NSND Lan Hương đã trình làng tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” bằng nghệ thuật kịch hình thể sau nhiều năm ấp ủ.
 |
Một cảnh trong phiên bản kịch hình thể “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.
|
Kịch hình thể là một loại hình kịch mới xuất hiện ở nước ta mấy năm gần đây. Công chúng và kể cả những người trong ngành kịch không phải ai cũng biết và cảm thụ được một vở kịch hình thể. Để hiểu được kịch hình thể, bản thân khán giả cũng cần tập trung tối đa để vừa xem vừa đồng sáng tác với các nghệ sĩ biểu diễn. Đây là điều khán giả xem sân khấu ở nước ta chưa quen khi ưa tiếp thu thụ động vở diễn nhờ nội dung được thể hiện qua các lời thoại chứa đựng một thông điệp nào đó. Cho nên, sẽ là không công bằng nếu chúng ta khen/chê vở kịch hình thể “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” dựa theo tiêu chí của vở diễn kịch nói thuần túy trước đây.
Vở diễn hình thể “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được phục dựng vẫn có lời; có lúc đó là lời thoại của nhân vật và có lúc là lời hát ở bên ngoài vẳng vào sân khấu để khán giả có thể hiểu được nội dung. Tuy mất đi chiều sâu triết lý về vũ trụ và nhân sinh khi lược đi nhiều câu thoại đắt giá, nhưng phiên bản kịch hình thể “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” có ưu thế thể hiện sự giằng xé nội tâm rất đạt. Đó là sự giằng xé giữa phần hồn Trương Ba thanh cao với phần xác anh hàng thịt phàm tục được thể hiện đầy tính nghệ thuật bằng những động tác cơ thể không quá khó hiểu. Đạo diễn, NSND Lan Hương cũng đã mạnh dạn sử dụng vũ đạo của tuồng vào trong phiên bản kịch hình thể “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Chẳng hạn, cảnh bà vợ ông Trương Ba sau khi đốt ba nén nhang, “bay” lên trời để hỏi cho rõ về ông chồng hồn một đằng, xác một nẻo đã sử dụng trích đoạn tuồng “Đào Tam Xuân loạn trào” để đặc tả cảnh nhân vật này làm loạn trên thiên đình.
Những người phục dựng vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” không có tham vọng chinh phục đông đảo người xem. Mục đích duy nhất chỉ muốn thử nghiệm làm mới, góp thêm một cách dựng, làm phong phú hơn cách thưởng thức một vở kịch nổi tiếng của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ.
Bài và ảnh: HÀM ĐAN