QĐND Online - Kể từ năm 1951, khi Đảng ta trở lại hoạt động công khai với bài “Đảng ca” của nhạc sĩ Đỗ Minh, mãi tới khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, mới có nhiều những bài hát ca ngợi Đảng hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, đều rất hay. Hay cho tới tận bây giờ. Đến thời chống Mỹ, đề tài này vẫn là niềm cảm hứng của nhiều nhạc sĩ trong đó có Văn An. Ở ca khúc “Thái Văn A đứng đó”, Văn An đã từng viết: “Thái Văn A- đứng đó kiên cường- Đảng ở bên anh- người chiến sĩ kiên trung”.
Nhưng để có một ca khúc riêng về đề tài này, phải chờ tới sau ngày thống nhất ít năm, vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng (1930 – 1980), Văn An mới có “Lá cờ Đảng”. Ca khúc đã nhanh chóng đến với đông đảo quần chúng. Dường như ở hội diễn quần chúng nào, “Lá cờ Đảng” cũng đều vang lên xúc động. Sức cuốn hút của ca khúc này không chỉ riêng ở giai điệu đẹp (người sáng tạo ra nó đã biến thành cá tính của mình từ ca khúc đầu tay “Đường lên Tây Bắc”), mà còn vì âm hưởng trong sáng của nó phát xuất từ cảm xúc chân thành về Đảng của tác giả. Ca khúc như một tấm gương bằng âm thành.
Chọn cho ca khúc này một điệu thức trưởng (sol trưởng) nhưng Văn An lại mở đầu tác phẩm của mình bằng điệu thức thứ trùng tên (sol thứ), tạo nên sự tha thiết tin yêu đất nước từ lịch sử hào hùng:
Đất nước bốn ngàn năm, ôi! Tự hào biết mấy
Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái
 |
Nhạc sĩ Văn An. Ảnh: internet |
Sau đó, điệu thức trưởng (sol trưởng) mới xuất hiện như một lời khẳng định về hình ảnh lá cờ Đảng thiêng liêng:
Còn gì đẹp hơn- còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm
Đảng ta đó hân hoan một niềm tin
Sự già dặn của tay nghề, cộng với cảm xúc đã chín khiến cho Văn An biến nốt kết tạm (nốt rê) thành nốt kết trọn của đoạn mở đầu. Từ cái đà chuẩn bị này, việc kết trọn đã khiến cho cao trào mở ra đoạn thứ hai với nốt sol ở bậc cao (ngoài dòng kẻ phía trên) lại không còn là âm chủ của điệu thức chính nữa mà lại như một chuyển điệu mới mẻ, cách chuyển điệu rất Văn An. Điều đó, khiến cho tự con tim người thưởng thức không còn cảm giác căng cứng khi nghe âm vực cao mà tự nhiên như đang thở vậy; sự tự nhiên đó phát xuất từ âm nhạc, lại cộng hưởng với ca từ được tư duy sâu sắc:
Trong đêm đen lá cờ của Đảng rạng soi đường đấu tranh
Thấm máu đào, cờ Đảng hồng tươi sắc thắm máu hy sinh
Và tấm gương bằng âm thanh đã được hình thành bởi hình tượng lá cờ Đảng. Ai đã từng một lần giơ tay tuyên thệ trước cờ Đảng, hoàn toàn có thể tự soi mình vào tấm gương âm thanh này để xem mình đã xứng đáng như thế nào với lời thề sắt son:
Với dân giữ vẹn tròn chữ hiếu
Với Đảng vẹn tròn lòng tin yêu
Cờ Đảng gọi ta đi tới
Đắp xây nước non đẹp tươi
Ngày hôm nay, trong biến động của cơ chế thị trường, biết bao tâm sự ngổn ngang giữa thế hệ Đảng viên năm xưa với thế hệ Đảng viên hôm nay, “Lá cờ Đảng” của Văn An lại càng lấp lánh tấm gương bằng âm thanh dành cho tất cả cùng soi vào mà tự ngẫm nghĩ về mình, về danh hiệu cao quý mà biết bao người phấn đấu, dâng hiến, hy sinh.
Văn An đã đi xa về cõi vĩnh hằng, nhưng tấm gương bằng âm thanh mà ông gửi lại cho đời vẫn mãi để các thế hệ Đảng viên soi mình vào mà ngẫm nghĩ.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha