Gia đình chúng tôi đông anh em, ngoài chị gái đã lấy chồng, chị thứ hai đi học xa thì còn 5 anh chị em ở nhà với bố mẹ. Đang tuổi lớn nên chúng tôi ăn rất khỏe. Mẹ phải chia thịt thành 4 phần trên đĩa để anh em chúng tôi khỏi cãi nhau vì “lính tráng có suất”, chỉ có cậu em út được cưng chiều nhất nhà là được ăn phần nhiều hơn. Nồi cơm bao giờ cũng phải vét đến cháy. Cháy cũng phải chia đều. Sau này, mỗi lúc nhớ về bữa cơm gia đình hồi đó, tôi thường rưng rưng nước mắt. Điều tôi không hiểu nổi là tại sao trong thời kỳ khó khăn như thế, bố mẹ tôi lại có thể nuôi nổi một đàn con đông đúc, vui vẻ và hạnh phúc. Tôi nhớ về các cụ với lòng biết ơn, sự cảm phục và sự tôn kính không sao diễn tả nổi. Bữa cơm gia đình mặc dù không quá đầy đủ nhưng ngon vô cùng, ấm áp, thiêng liêng vô cùng. Trong bữa cơm, cha mẹ tôi nói chuyện công việc, hỏi con cái chuyện học hành còn anh em chúng tôi thì kể chuyện cho nhau nghe những sự việc diễn ra trong ngày, thỉnh thoảng lại chí chóe, cãi nhau.

leftcenterrightdel
Chia sẻ công việc gia đình. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ cung cấp 
Bữa cơm không chỉ cung cấp ca-lo cho con người mà còn tạo không khí để gia đình đoàn tụ, gần gũi, thương yêu nhau hơn. Tôi rất thích câu ca dao “Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon” đã mô tả cảnh vợ chồng nghèo ăn những thứ vứt đi không có giá trị gì. Cái mà họ “ăn” ở đây không phải là thức ăn mà là tình yêu, sự cảm thông và nghĩa vợ chồng. Tình cảm đó sẽ đi với họ suốt cả cuộc đời và là nền tảng để tạo ra cái đẹp, cái cao quý trong đời sống con người. Tôi không thể hiểu được nếu không có bữa cơm gia đình thì căn nhà sẽ là một mái lạnh che đậy những tâm hồn cô đơn, ích kỷ, lạnh giá như trên hoang đảo và những điều này sẽ phá đi chất keo kết dính con người thành gia đình, thành xã hội.

Ngày nay, do quá bận rộn nhiều người đã không thấy tầm quan trọng của bữa cơm gia đình. Bữa cơm thường diễn ra với những chiếc máy điện thoại di động. Người ta đọc tin, gọi điện, chơi điện tử… Công nghệ vào tận bàn ăn, chả còn hơi sức đâu mà hưởng thụ những món ăn ngon, mà nhìn âu yếm những gương mặt thân yêu, mà nghe và nói chuyện với họ. Thậm chí, nhiều người đã rất ít khi ăn cơm với gia đình mặc dù họ vẫn ở cạnh gia đình. Thay vào đó, họ đi nhậu nhẹt liên miên với bạn bè, đối tác, thủ trưởng bỏ vợ con (hoặc chồng con) ở nhà bơ vơ bên mâm cơm nguội lạnh. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến sự khủng hoảng hoặc tan vỡ gia đình và điều quan trọng hơn còn làm tổn thương sâu sắc đến trẻ con, người già và các thành viên khác.

Trong một cuộc điều tra Xã hội học năm 2015 của Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển về đề tài gia đình, chúng tôi đã phỏng vấn bằng bảng hỏi 1.500 người tại 9 tỉnh ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Khi trả lời câu hỏi: “Ông/bà đánh giá thế nào về bữa cơm gia đình?” thì có tới 73% trả lời là quan trọng, cần thiết; 18% cho là bình thường và 8% cho rằng không nên “ép” nhau phải thường xuyên ăn cơm ở nhà mà để cho nhau tự do. Trong số 8% này có tới 91% là đàn ông. Điều đáng ngạc nhiên là 53% họ là cán bộ nhà nước, 40% là cán bộ các công ty. Họ cho rằng, ăn ở ngoài để làm việc, ký hợp đồng, để xây dựng mạng xã hội cho họ và gia đình và điều đó rất cần cho sự tồn tại của gia đình, còn ăn ở nhà chỉ là trách nhiệm. Điều mà họ không ngờ là vợ (hoặc chồng), đặc biệt là con cái họ không thể hiểu và thông cảm cho quan điểm này. Chắc chắn là sự rạn nứt sẽ xảy ra và phát triển theo năm tháng nếu như hiện tượng này diễn ra thường xuyên.

Theo chúng tôi, cái giá mà chúng ta phải trả cho bữa cơm gia đình không phải là tiền bạc mà quý giá hơn nhiều, đó là tình cảm, là sự tồn tại của gia đình. Không ai có thể làm việc tốt, sức khỏe tốt, sống hạnh phúc khi gia đình khủng hoảng mà đôi khi lý do chỉ bắt đầu từ chuyện tưởng như nhỏ nhặt là bữa cơm gia đình.

GS, TS LÊ THỊ QUÝ