Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đại diện các ban, ngành TP Hà Nội; Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam Michael Croft...
 |
Tiết mục ca múa nhạc mở đầu buổi lễ. |
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương, thưởng thức màn trống hội và sử thi tái hiện sự kiện lịch sử năm 1010, khi Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về kinh đô Thăng Long, mở ra Vương triều Lý. Hoàng thành Thăng Long được khởi dựng từ giai đoạn này, đến năm 1011 thì hoàn thành. Khu di sản là quần thể di tích gắn với lịch sử hình thành và phát triển của kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều đại xây dựng trong nhiều giai đoạn và là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích của Việt Nam.
Vào ngày 1-8-2010, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam được Ủy ban di sản thế giới của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí nổi bật: Là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài; nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia; là minh chứng về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở vùng châu thổ sông Hồng qua các thời kỳ lịch sử, có mối quan hệ giao lưu với khu vực và thế giới.
 |
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. |
Để xây dựng Hoàng thành Thăng Long trở thành điểm sáng về bảo tồn phát huy giá trị di sản, Trung tâm đã hoàn thành phê duyệt hai đồ án: Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Thành cổ (tỷ lệ 1/500) và Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) làm cơ sở để triển khai thực hiện các dự án thành phần theo quy định; đồng thời triển khai các bước nghiên cứu lập Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và bảo tồn di sản được Trung tâm chú trọng triển khai, trong đó, tập trung xây dựng Đề án nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên... Đặc biệt là việc nghiên cứu khai quật khảo cổ tại Khu Di sản theo lộ trình và kế hoạch hàng năm. Trung tâm đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát, khai quật khu vực trung tâm Thành cổ, thu được nhiều kết quả mới, góp phần nhận diện rõ hơn diện mạo các kiến trúc, công trình trong khu vực Cấm thành Thăng Long để từng bước nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên.
Trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền quảng bá Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như trưng bày, triển lãm, trên website, mạng xã hội, quảng bá trực tuyến đã góp phần đưa di sản tiếp cận công chúng và khách tham quan. Các hoạt động hướng tới khách tham quan, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách tham quan được Trung tâm chú trọng triển khai như: Xây dựng hệ thống thông tin, đón tiếp; hoàn thiện bảng biểu giới thiệu, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên; đầu tư nâng cấp hạ tầng... Đặc biệt là phát triển chương trình giáo dục di sản, đưa di sản đến các trường học tiếp cận thế hệ trẻ.
 |
Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao bằng khen của UBND TP Hà Nội tặng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long. |
Với mong muốn mang đến những trải nghiệm hoàn hảo nhất cho du khách, Hoàng thành Thăng Long là một trong những di tích tiên phong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích như wifi, ứng dụng thuyết minh tự động trên điện thoại thông minh; đưa di sản tiếp cận công chúng rộng rãi hơn bằng các hình thức trưng bày trực tuyến, tour tham quan ảo 360 độ; đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng bằng công nghệ 3D…
 |
Triển lãm “Khu đô thị cổ Provins – Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, di sản văn hóa trong lòng đô thị". |
Trong khuôn khổ chương còn bao gồm một chuỗi hoạt động như: Triển lãm chuyên đề “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long”; Triển lãm “Khu đô thị cổ Provins – Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, di sản văn hóa trong lòng đô thị"; Hội thảo khoa học quốc tế “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long”.
Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN