QĐND - Khu di tích A Sào là nơi thờ Quốc Công Tiết Chế-Hưng Đạo Đại Vương cùng hai tướng Yết Kiêu và Dã Tượng, nằm cạnh sông Hóa thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Tiếp chúng tôi tại Khu di tích A Sào, ông Đỗ Trọng Túy, Ban Quản lý di tích nói về lịch sử nơi đây vẻ tự hào:
A Sào không chỉ gắn liền với cội nguồn, với nhiều chiến tích về hậu cần quân sự trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên- Mông mà còn lưu giữ cuộc chia tay lịch sử. Năm 1288, một lần xuất quân đánh quân của Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng, voi chiến của Trần Quốc Tuấn bị sa lầy bên bờ sông Hóa. Mọi người tìm đủ cách kéo voi lên nhưng không được. Trần Quốc Tuấn đành nuốt nước mắt bỏ voi lại. Voi ứa nước mắt nhìn chủ tướng, kêu rống lên thảm thiết rồi từ từ chìm vào lòng đất. Tiếc thương voi chiến, Hưng Đạo Đại Vương phẫn khích tuốt gươm chỉ xuống dòng sông, hét lên thề rằng: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này nữa!”. Câu nói bất hủ ấy vẫn còn lưu truyền đến tận ngày nay thể hiện ý chí, tinh thần đánh giặc và hào khí Đông A.
 |
Khu di tích A Sào. |
Sau chiến thắng trở về, Trần Quốc Tuấn đã cho đắp mộ voi nơi bến sông và nhân dân đã lập miếu thờ. Từ đó, bến sông có tên là Bến Tượng. Đây là cuộc chia tay có một không hai trong lịch sử bao cuộc kháng chiến chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta, đầy tính nhân văn giữa một chủ tướng và một “chiến sĩ đặc biệt”-voi chiến trung thành. Cuộc chia tay đã trở thành huyền thoại tâm linh thiêng liêng gắn liền với di tích Bến Tượng.
Giới thiệu về khu di tích mới được trùng tu xây dựng, ông Đỗ Trọng Túy dẫn chúng tôi đến thăm ngôi nhà Tiền tế, nhà Giải Vũ, tòa Đại Bái và Hậu cung chồng diêm 2 mái, Lầu chiêng, Lầu trống, Nghi Môn… Chúng tôi đi dạo quanh hồ Tắm Tượng (hồ để voi tắm), thăm gò Ðống Yên (nơi để yên ngựa của lính), Trại binh (nơi ở của lính)... Vừa đi vừa nghe ông kể: Khu chính điện này, cách đây rất lâu đã có tên gọi là Đệ nhị sinh từ, tức là nơi thờ sống thứ hai, sau nơi thờ tự thứ nhất ở Kiếp Bạc của Trần Hưng Đạo. Sau hơn 700 năm, nơi này vẫn còn khắc ghi các dấu tích lịch sử gắn liền với các địa danh, tên làng xã; lưu giữ được nhiều hiện vật quý như bức tượng cổ, dấu ấn cổ, bức đại tự vua ban…
Với những giá trị lịch sử-văn hóa độc đáo đó, năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp bằng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia cho di tích Đình, Đền, Bến Tượng A Sào. Không chỉ là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, Khu di tích lịch sử A Sào còn là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn ở tỉnh Thái Bình nói riêng, vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung.
Bài và ảnh: HUYÊN NGUYỄN