QĐND - Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm thuộc thế hệ các sinh viên xếp bút nghiên lên đường đi đánh Mỹ. Những năm tháng sống, chiến đấu và viết ở chiến trường không thể nào quên đã được ông tái hiện một phần trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. 

- Là con trai đầu lòng của nhạc sĩ Hoàng Giác nổi tiếng, làm thơ từ rất sớm, giả sử không có chiến tranh, ông có nghĩ rằng mình sẽ trở thành một nhà thơ hay không?

- Tôi nghĩ tôi vẫn sẽ trở thành nhà thơ nhưng chắc chắn không để lại dấu ấn nào. Chính khói lửa chiến trường đã sinh ra tôi lần thứ hai, sinh ra nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, với những bài thơ viết giữa hai trận đánh như: “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, “Thư mùa thu”, “Buổi sáng trên chốt”...

Bài thơ đăng báo đầu tiên của tôi là bài viết năm 12 tuổi, ca ngợi pháo cao xạ trừng trị máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Chẳng biết, có phải đó là điềm báo, năm 1971, tôi nhập ngũ lại được điều vào đơn vị pháo cao xạ! Những bài thơ tôi làm ngay ở trận địa pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng, được nhét vào cát-tút còn ám mùi thuốc súng. Tình cờ bố tôi đến thăm tôi ở trận địa, tìm thấy “cát-tút thơ” của tôi để lại trước khi hành quân và gửi về Báo Văn nghệ. Các anh, chị ở Báo Văn nghệ ưu ái, đưa vào cuộc thi thơ của báo năm 1972-1973 và chùm thơ của tôi được trao giải nhất. Lúc trao giải, tôi không có mặt, mẹ và em gái tôi đi nhận, nhà thơ Xuân Diệu có nói với mẹ tôi rằng: “Cảm ơn chị đã sinh ra cháu Hoàng Nhuận Cầm, cảm ơn Tổ quốc đã sinh ra một người lính, và khói lửa chiến trường đã sinh ra một nhà thơ. Đọc thơ Hoàng Nhuận Cầm cảm thấy mến thương các anh lính vô hạn. Vào mặt trận mà trong ba lô còn giữ những viên bi và tiếng ve của tuổi học trò”.

Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm. Ảnh do nhân vật cung cấp

- Ông có thể kể một vài kỷ niệm thời vừa cầm súng vừa cầm bút được không?

- Có ngày tôi và đồng đội chiến đấu tới 20 trận, hễ được nghỉ ngơi giữa hai trận đánh là tôi rút cuốn sổ thơ đút trong túi quần, kê lên mũ sắt và làm thơ. Cuộc sống chiến trường thế nào cứ thế ùa vào trang thơ, bởi chiến tranh làm gì có thời gian suy nghĩ nhiều để đẽo gọt câu chữ. Làm thơ xong là tôi đọc cho đồng đội nghe ngay tại trận địa pháo cao xạ, anh em chép vào sổ tay phòng khi chẳng may có mệnh hệ gì, bản thảo cháy hết thì những bài thơ vẫn còn trong sổ tay các đồng đội. Tôi may mắn còn sống để đem những bài thơ viết ở chiến trường đến với bạn đọc, không như bao đồng đội hy sinh khi những trang nhật ký, những bản thảo còn dang dở. Tôi biết mình chưa có quyền được chết như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Vũ Đình Văn, Hoàng Thượng Lân... Các anh, các chị đã hy sinh khi đôi mắt khép lại, trái tim khép lại với lòng ái quốc cao cả. Tôi còn sống, còn sức lực, tôi vẫn phải tiếp tục làm việc, tiếp tục đi giao lưu nói chuyện với các bạn trẻ hôm nay về những nhà văn chiến sĩ cầm súng và cầm bút, để không ai bị lãng quên.

- Có nhiều người nhận xét thơ ca thời chống Mỹ là một “dàn đồng ca”, vậy thơ của những chàng lính sinh viên lên đường ra trận mà tiêu biểu là thơ của Hoàng Nhuận Cầm ở vị trí nào trong “dàn đồng ca” đó?

- Tôi không tán thành với nhận xét thơ ca thời chống Mỹ là một “dàn đồng ca”, đó là nhận xét phiến diện. Nếu đọc kỹ, các bạn sẽ thấy mỗi một nhà thơ có một giọng điệu riêng: Phạm Tiến Duật dữ dội, Nguyễn Khoa Điềm triết luận, Nguyễn Đức Mậu khắc khoải, Hoàng Nhuận Cầm tươi trẻ, Lê Anh Xuân hào sảng, Nguyễn Mỹ day dứt... Chính sự đa dạng giọng điệu đó đã đưa thơ chống Mỹ đến vị trí vững chắc trong văn học Việt Nam hiện đại, sánh ngang với “mùa vàng” thơ ca thời kỳ thơ mới. Thời chống Pháp, cũng xuất hiện nhiều bài thơ xuất sắc nhưng thơ ca chống Pháp chưa tạo được phong trào.

Tôi cho rằng, các nhà thơ thời chống Mỹ đã trả xong “món nợ” với Tổ quốc, với nghệ thuật bằng các tác phẩm sống mãi với thời gian và chính xương máu của mình như: Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Vũ Đình Văn... Nếu “mắc nợ” thì chính chúng ta mắc nợ những nhà thơ, liệt sĩ đã hy sinh. Và tôi mong có những công trình nghiên cứu đầy đủ, nghiêm túc, sâu sắc và đầy cảm hứng tự hào về thơ ca thời kỳ chống Mỹ.

- Bước vào trận chiến, bước vào ranh giới giữa cái sống và cái chết, làm sao mà thơ ông vẫn giữ được sự tươi trẻ, lạc quan đáng ngạc nhiên?

- Tôi xin mượn lời liệt sĩ Hoàng Thượng Lân viết trong cuốn nhật ký “Tài hoa ra trận” để lý giải: “Nếu không lạc quan các anh đã chết”. Đó là niềm lạc quan trong sáng của tuổi trẻ đi đánh Mỹ. Chính sự lạc quan đó đã dẫn dắt những người lính từ chiến hào này qua chiến hào khác, từ trận đánh này đến trận đánh khác, cho đến ngày toàn thắng 30-4-1975. Nhà thơ, liệt sĩ Vũ Đình Văn đã viết hộ niềm lạc quan đó thật chính xác: Lại đi gió dọc hàng dương/ Đường ra mặt trận là đường trong quê. Thật sung sướng khi chiến đấu trên quê hương của mình, để bảo vệ quê hương của mình.

Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7-2-1952, quê quán: Phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1969, ông học khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp. Năm 1971, ông tình nguyện nhập ngũ và tham gia chiến đấu trên các mặt trận: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế cho đến ngày toàn thắng. Năm 1976, ông giải ngũ trở về trường cũ học tập và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật.

Các tác phẩm chính đã xuất bản: "Thơ tuổi 20" (thơ in chung với Vũ Đình Văn, 1974), “Những câu thơ viết đợi mặt trời” (thơ, 1983), “Xúc xắc mùa thu” (thơ, 1992), “Thơ với tuổi thơ” (thơ, 2004)... Một số kịch bản phim như: “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội-Mùa đông năm 1946”, “Mùi cỏ cháy”... Ông được trao nhiều giải thưởng, tiêu biểu là Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

- Có một thực tế là các nhà văn trẻ hiện nay ít viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Ông có thể lý giải về hiện tượng này?

- Lớp nhà văn trẻ hiện nay ít viết về đề tài chiến tranh, theo tôi có hai nguyên nhân: Họ thiếu tự tin và họ thiếu thực tế để viết hay về một mảng đề tài mà họ không trực tiếp được tham gia. Nhưng các nhà văn trẻ quên mất rằng, Lép Tôn-xtôi viết “Chiến tranh và hòa bình” khi mà nhà văn không tham gia cuộc chiến đã diễn ra 50 năm trước đó. Lép Tôn-xtôi vẫn đạt được thành công to lớn đến mức các nhà sử học phải đọc “Chiến tranh và hòa bình” để nghiên cứu. Ví dụ mà tôi vừa dẫn là niềm khích lệ, kêu gọi các bạn trẻ mạnh dạn cầm lấy bút để viết về đề tài chiến tranh, người lính-một đề tài chưa bao giờ cũ. Và không thể quên, vai trò của các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội cần tạo điều kiện cho các cây bút trẻ có thêm hào hứng, động lực với đề tài hấp dẫn nhưng cũng đầy thử thách này.

- Ông có thể chia sẻ về những dự định sáng tác của mình trong tương lai?

- Tôi có hai đam mê là làm thơ và điện ảnh. Hiện nay, tôi và các đồng nghiệp Hãng phim truyện Việt Nam đang gấp rút hoàn thành bộ phim “Nhà tiên tri” nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sắp tới, tôi cũng sẽ tập hợp nhiều bài thơ gần đây để ra mắt một tập thơ mới có nhan đề “Nỗi buồn để sống”. Tôi còn mong ước được thực hiện một bộ phim về pháo binh quân ta đã “bịt mồm”, bức hàng pháo binh địch và tất nhiên, đằng sau những hình ảnh khốc liệt của chiến trường là những câu chuyện rất đỗi nhân văn.

- Xin cảm ơn nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm.

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện) 

Thư mùa thu

Gửi Thịnh

Dấu chân chúng mình chắc đã gặp nhau

Mùa thu trong thành phố với rừng sâu

Đất nước rộng ta đi nghe súng nổ

Những chiến trường nào ai đến trước, đến sau.

 

Như gặp nhau rồi, mà đã gặp nhau đâu

Nhìn dòng sông đoán Thịnh đã qua cầu

Nhìn đá dựng đoán Thịnh đèo đã vượt

Mùa thu này ta hát khắp Trường Sơn.

 

Thịnh bây giờ chắc đã lớn hơn

Có nghe chăng trong điệp khúc dập dồn

Tiếng súng Thịnh đang cùng tôi đuổi giặc

Mùa thu này ta hát khắp Trường Sơn.

 

Buổi mẹ và em gái tiễn lên đường

Thịnh cùng tôi đã hứa gì với mẹ

Nghe súng nổ biết Thịnh thương mẹ thế

Mùa thu này ta hát khắp Trường Sơn.

 

Ta hát lên là chúng nó chẳng còn

Lửa bùng cháy khắp chi khu Cam Lộ

Trăm tên giặc vừa đền tội đó

Mùa thu này ta hát khắp Trường Sơn.

 

Tiếng hát, làm ta nhớ tiếng trống tuổi măng non

Thịnh cùng tôi cầm đèn rọi ve quanh gốc sấu

Ve thăm thẳm, tiếng ve ngày thơ ấu

Thành sợi dây nối chúng mình cái ngày bé cỏn con.

 

Đêm Trường Sơn, ngôi sao như trong hơn

Cầm lại đi, lại đi... thôi chào nhé

Ta chẳng còn bắt ve, ta chẳng còn thơ bé

Thay việc bắt ve, ta lùng bắt quân thù quanh mỗi gốc xà nu.

1971

Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu

Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu

Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ

Trong những ba lô kia ai dám bảo là không có

Một hai ba giọng hát chú ve kim?

 

Vào mặt trận lúc giọng ve đang lên

Hay tiếng gọi - lên đỉnh cao đánh giặc

Đây mùa hạ lòng tôi sung sướng nhất

Bao điểm chốt anh hùng, tôi nổ súng cùng ai.

 

Vào mặt trận lúc giọng ve rất dài

Như sông suối, như đoàn quân vô tận

Da diết tiếng ve ngân chẳng tắt

Tiếng ve bay theo chân bước trùng trùng.

 

Vào mặt trận lúc giọng ve đang rung

Chúng tôi sống tháng năm xao động lắm

Truy kích giặc có rất nhiều đêm trắng

Nhiều đêm trong tâm hồn cùng thức bên nhau

 

Ra mặt trận lúc giọng ve kêu mau

Là khẩu lệnh khẩn trương vào trận cuối

Những báng súng trong tay đều nóng hổi

Những tim người đập theo tiếng ve kêu...

 

Mùa khô ơi, mùa khô thân yêu

Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ

Nhưng trong những ba lô kia, ai bảo là không có

Một hai ba giọng hát chú ve kim?

 

Những câu thơ viết đợi mặt trời

Nửa đêm thức không làm sao ngủ lại

Đốt lửa lên, chỉ nhớ mặt trời thôi

Cơn gió thoảng như bàn tay của bạn,

Hơ vội vàng trên ngọn lửa cùng tôi.

 

Nhà tôi nằm bên bờ cát loi thoi

Kỷ niệm thổi u u trong vỏ ốc

Bạn nhặt vỏ sò bỗng quây quần trong phút chốc

Đêm trong rừng dự cảm lắm bạn ơi.

 

Thức lại quanh tôi những chuyện cổ xa xôi

Tà áo xanh đung đưa trong quả thị

Nghe lập cập ngựa Mỵ Châu - Trọng Thủy

Đầu voi chín ngà... và ngựa chín hồng mao.

 

Cuối cánh rừng, rơi xuống mấy ngôi sao

Ngày mai ở đấy sẽ bay lên tiếng hát

Chung quanh đây nhiều hố bom rách nát

Chung quanh đây nhiều chồi non dịu mát

Sẽ là nơi tôi thức đợi mặt trời.

Sẽ là nơi tôi hát và đánh giặc

Đồng đội ơi! Thương mến đến không cùng

Con suối hát những điều tôi chửa hát

Mưa rơi đều, tiếng rất nhỏ và rung.

 

Đêm tôi thức bên lửa và bên súng

Sáng cửa rừng, bạn dậy sưởi cùng tôi

Đêm không ngủ là đêm nhiều mơ ước,

Là đêm nhiều dự cảm tới ngày mai...

Trường Sơn, 1972

 

Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt

Ngụy trang công sự xong rồi

Mới hay đồi chốt là đồi lắm chim

Cứ ôm khẩu súng ngồi yên

Lắp thêm băng đạn, còn đêm đấy mà.

Thản nhiên cơn gió chạy qua

Tiếng chim lách chách, gần xa chuyện gì?

 

Ngây thơ là chuyện chim ri

Khoác lác nhất nhì, chuyện sáo sậu thôi!

Chuyện như nghe ở đâu rồi

Là lời chú vẹt đang ngồi góc kia.

Mạ ơi... đất nước cách chia

Tiếng kêu con cuốc chạy về quả tim...

Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng

Nghe lăn tăn những tiếng chim xuống hầm

Yêu chim mà chẳng lên thăm

Bởi vì điểm chốt nên nằm lặng im

Mai rồi cái phút làm quen

Lại là cái phút cùng chim xa rồi:

Là khi xác trực thăng rơi

Là khi xác giặc quanh đồi ngổn ngang...

 

Chiếc lá đầu tiên

Em thấy không, tất cả đã xa rồi

Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ

Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế

Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say.

 

Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay

Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước

Con ve tiên tri vô tâm báo trước

Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu.

 

Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu

Bài hát đầu xin hát về trường cũ

Một lớp học buâng khuâng màu xanh rủ

Sân trường đêm - Rụng xuống trái bàng đêm.

 

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em

Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ

Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế

Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi.

 

"Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi,

Với lại bảy chú lùn rất quấy!"

"Mười chú chứ! Nhìn xem, trong lớp ấy"

(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao)

 

Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào

Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy

Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy

Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm

 

Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên

Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ

Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ

Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi

 

Em đã yêu anh, anh đã xa rồi

Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi

Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại

Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên.

HOÀNG NHUẬN CẦM