Bảo đảm đúng, đủ tiêu chuẩn sách
Ngày 13-8-2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Thông tư số 104/2014/TT-BQP quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Về chế độ, tiêu chuẩn sách, bảo đảm bình quân 300 trang sách/người/năm, riêng quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 bảo đảm 350 trang sách/người/năm. Nếu có dịp đến tham quan phòng sinh hoạt chung từ cấp đại đội hay phòng Hồ Chí Minh ở các tiểu đoàn, ai cũng có thể bắt gặp những tủ sách, giá sách luôn được lấp đầy với những đầu sách phong phú, chứng tỏ hệ thống phát hành sách của quân đội đã bảo đảm khá đầy đủ, đúng số lượng sách cho các đơn vị. Đại tá Cao Văn Chính, Trưởng phòng Quản lý Xuất bản, in và phát hành (Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị) cho biết: “Việc bảo đảm sách theo đúng định mức, tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng quy định về đời sống văn hóa tinh thần bộ đội, trong đó ưu tiên sách cho các đơn vị đủ quân, đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, với chủng loại phong phú và phù hợp với tính chất, đặc điểm nhiệm vụ đặc thù của các loại hình đơn vị và từng vùng, miền”.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1 đọc sách.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông tra cứu sách tại đơn vị.
Hiện nay, kinh phí bảo đảm mua sách cho các đơn vị quân đội sẽ chia làm 2 phần: 50% kinh phí sẽ quy đổi ra hiện vật là những cuốn sách mang tính định hướng chính trị, tư tưởng sẽ do Thư viện Quân đội là đầu mối cấp phát; phần kinh phí còn lại căn cứ vào quân số, nhu cầu của các đơn vị sẽ cấp bằng tiền mặt để các đơn vị chủ động mua sách. Điều này sẽ hình thành tủ sách ở các đơn vị chia làm hai phần với sách liên quan đến công tác đảng, công tác chính trị, pháp luật, quân sự và phần còn lại là các tác phẩm văn học, sách văn hóa học, kỹ năng sống... Binh nhất Nguyễn Xuân Hai đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đảo Tốc Tan (quần đảo Trường Sa) cho biết: “Tủ sách trên đảo phong phú, đáp ứng nhu cầu đọc sách của cá nhân tôi và các đồng chí hạ sĩ quan, chiến sĩ khác. Chính nhờ những đầu sách mới được chở trên các tàu tiếp tế của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, giúp chúng tôi có được những giờ nghỉ, ngày nghỉ bổ ích”.
Để làm phong phú tủ sách đơn vị không chỉ trông chờ kinh phí cấp xuống, các sách được cấp phát hay biếu tặng, giữa các đơn vị thường xuyên luân chuyển sách báo. Ngoài ra, việc mượn, trao đổi sách với thư viện ở địa phương nơi đơn vị đóng quân cũng là một phương án thường xuyên được thực hiện để tăng thêm nguồn sách phục vụ nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ. Có thể hoàn toàn yên tâm khi nói bộ đội dù đóng quân ở đâu cũng luôn có những cuốn sách để đọc.
Tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực
Có một thực tế, ở không ít đơn vị, cấp ủy, chỉ huy các cấp chưa quan tâm chăm lo cho văn hóa đọc. Ngoài trông chờ các sách được cấp phát, hoàn toàn chưa chủ động luân chuyển sách, cập nhật sách mới cho đơn vị, chưa chú trọng quán triệt ý nghĩa của sách đối với chiến sĩ, chưa tổ chức các hoạt động liên quan đến việc đọc sách. Chính vì vậy, sau 3 năm tham gia hưởng ứng từ khi Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam; năm nay, Tổng cục Chính trị chính thức phát động phong trào đọc sách trong quân đội, được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc trong quân đội trong thời gian tới.
Mục đích của phong trào là nâng cao nhận thức sâu sắc và ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của việc đọc sách và giá trị của sách, khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong cán bộ, chiến sĩ toàn quân; phấn đấu mỗi cá nhân trong QĐND Việt Nam phải là một hạt nhân tích cực trong phong trào đọc sách, mỗi tập thể là một điển hình về văn hóa đọc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong quân đội. Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Chính trị đề nghị lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần chú trọng quan tâm hơn nữa đến công tác tổ chức phong trào đọc sách của đơn vị, phải gương mẫu đi đầu để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị học tập noi theo.
Do đặc thù quân đội, các chế độ trong ngày, trong tuần đã lấp kín thời gian của các quân nhân, thời gian đọc sách được bố trí vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Vì vậy, cần phải tổ chức lồng ghép các hoạt động sinh hoạt tại đơn vị gắn với việc đọc sách. Đại úy Phùng Đức Phú, Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1, nêu kinh nghiệm: “Để giáo dục truyền thống, tự hào nối tiếp truyền thống của Trung đoàn Thủ Đô anh hùng, đơn vị thường xuyên cho chiến sĩ đọc, tìm hiểu lịch sử đơn vị thông qua các cuốn sách. Những ngày kỷ niệm lớn của Nhà nước và quân đội thường xuyên tổ chức các hoạt động thi tìm hiểu, hái hoa dân chủ, đơn vị sẽ cử cán bộ hướng dẫn chiến sĩ đọc sách phù hợp với tham gia các hoạt động hiệu quả”.
Hiện nay, tại các tiểu đoàn đã có tổ, nhóm hoạt động phòng Hồ Chí Minh, trong đó có nhóm sách, báo nội bộ với 3 đến 5 thành viên. Thiết nghĩ, nhóm này không chỉ có nhiệm vụ theo dõi, bảo quản, kiểm kê sách mà cần phải trở thành hạt nhân tiếp tục đẩy mạnh văn hóa đọc, phát huy tốt các vai trò như: Hướng dẫn chiến sĩ nghiên cứu nội dung sách về pháp luật, kiến thức về quân đội; khuyến khích chiến sĩ đọc sách bổ ích, thiết thực (kỹ năng sống, người tốt việc tốt...); lồng ghép thêm nhiều hoạt động của đơn vị với nội dung các cuốn sách mà chiến sĩ cần đọc; ngăn chặn các sách, báo xấu độc thâm nhập vào đơn vị...
Một điều quan trọng khác để văn hóa đọc phát triển là cần đầu tư cơ sở vật chất, trang bị bảo đảm cho các thiết chế văn hóa đồng bộ, phục vụ cho phong trào văn hóa đọc hiệu quả. Theo quan sát của chúng tôi, ở nhiều tiểu đoàn đủ quân nhưng phòng Hồ Chí Minh chỉ có chỗ ngồi chưa đủ cho quân số một đại đội gây khó khăn trong sinh hoạt, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm trong thời gian tới.
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc, quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân, văn hóa đọc trong quân đội sẽ có bước chuyển trong thời gian tới, để bên cạnh cây súng và cây bút thì những cuốn sách hay sẽ trở thành hành trang trong ba lô của mỗi chiến sĩ.
Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀNG