Lúc ngồi trò chuyện, tôi cố gắng tạo ra không khí vui vẻ, thoải mái để Tú bớt suy nghĩ về bệnh tình của mình. Sau hai tuần “ăn cơm viện, tiêm thuốc công”, nhìn da dẻ bạn hồng hào và gương mặt đã tươi tắn hơn so với lúc mới nhập viện. Nhưng chỉ có đôi mắt hơi thâm quầng vì nhiều đêm ngủ không sâu. Tú bộc bạch: “Ai đã từng phải nằm viện mới hiểu được tình cảm và tấm lòng thủy chung, trước sau như một của con người”. Tôi bảo: “Nhưng sự thật thì không ai lại muốn vào viện, đúng không?”. “Chắc chắn là vậy rồi, vì sức khỏe là vốn quý nhất của con người mà-Tú giãi bày-nhưng “sông có khúc, người có lúc” cậu ạ! Có phải cuộc sống lúc nào cũng được xuôi chèo mát mái và thân thể được sung sức, yên ổn đâu?”.

Là một người có nhiều mối quan hệ thâm giao với bạn bè đồng niên, đồng khóa, đồng nghiệp, đồng hương, Tú vẫn thường được nhiều người khen ngợi là “Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”. Sống tình nghĩa, nhường nhịn, giản dị, biết “vui cái vui của người khác”, chân thành giúp đỡ người gặp khó khăn, chia sẻ với người khi hoạn nạn, nên những ngày nằm viện, phần lớn những người thân thiết đã đến thăm Tú. Tuy nhiên, một số người từng một thời “hạt thóc chia đều, dẫu no dẫu đói, ta bạn vẹn tình, đắng ngọt cùng chia”, dù biết bạn bị bệnh, nhưng vẫn không có một lời hỏi thăm, động viên đúng lúc. Tú buồn không phải vì bản thân bị bệnh, mà buồn vì có người vẫn sống thực dụng ngay với cả bạn bè. Những lúc cần đến mình thì họ niềm nở, hòa nhã, “đón trước rào sau”, khi vui thì họ “tớ cậu, cậu tớ” một cách thân mật, vui vẻ. Còn lúc chẳng may “sa cơ lỡ bệnh”, họ cố tình thờ ơ, lảng tránh coi như không biết chuyện gì xảy ra đối với bạn mình.

Trước khi ra về, vốn là người có đức tính thận trọng, kín kẽ, Tú vừa như nhắc tôi, vừa như tự sự với chính mình: “Chỗ cậu rất thân thiết, tri kỷ tớ mới tâm sự như vậy. Cậu đừng nói chuyện này với ai. Bạn bè, đồng đội chúng ta phần đông vẫn sống với nhau rất tình nghĩa, có trước có sau, đó là điểm tựa tình cảm và tinh thần để chúng ta cùng nhau vượt qua mọi chông gai, sóng gió trong cuộc đời. Tớ nghĩ rằng, những người sống cơ hội, thực dụng, tiền hậu bất nhất, không lúc này thì lúc khác, sẽ bị người đời xa lánh, cậu có nghĩ thế không?”.

Gật đầu mỉm cười, tôi nắm chặt tay Tú rồi ra về mà lòng không khỏi nguôi ngoai về nỗi niềm của bạn. “Khi vui thì vỗ tay vào/ Đến khi sóng cả thì nào thấy ai?”. Một câu hỏi của người xưa thâm ý chê bai về thói đời ở đâu đó còn bạc bẽo và cũng là lời trách móc nhẹ nhàng những ai đó vẫn còn có thái độ sống dửng dưng, vô thủy vô chung với cả bằng hữu, đồng chí, đồng đội của mình.

PHẠM NGỌC BÌNH