QĐND - Thú chơi tao nhã của người xưa thường có bốn thứ gồm cầm, kỳ, thi, tửu, nghĩa là chơi đàn, chơi cờ, làm thơ, uống rượu. Thú vui rượu được xếp vào loại cuối. Nhiều sách về văn hóa phong tục ghi lại rượu chỉ là phương tiện để cuộc vui thêm nồng nàn hơn. Cũng không thấy sách nào khuyến khích người ta uống “tới bến” hay “một trăm phần trăm” như bây giờ. Cuộc rượu trong thơ cụ Nguyễn Du thật trang nhã, nhẹ nhàng: Khi chén rượu khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên. Rượu trong thơ cụ là rượu vui rượu mừng, rượu của tâm lý buồn thương mong nhớ chứ tuyệt không mang màu sắc sinh lý thông tục: Chén vui nhớ buổi hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau. Còn cụ Tam Nguyên Yên Đổ thì lấy rượu, mượn rượu để tăng thêm tình bạn bè thêm keo sơn đằm thắm: Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua, không phải không tiền không mua… Trong phong tục người Việt thì dân gian cũng mượn rượu để đãi khách, thể hiện lòng hiếu khách, có chén rượu buổi đón khách thân tình ấm áp lên rất nhiều. Thành ngữ “Chén tạc, chén thù” ra đời trong hoàn cảnh ấy. Chủ chúc khách gọi là “tạc”, khách chúc đáp lễ gọi là “thù”. Rất chừng mực và lịch sự. Tuyệt nhiên không thấy say…
Người xưa rất không ưa người nát rượu, vì thế mà có câu ca: Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa/ Sang đâu đến kẻ say sưa rượu chè. Người ta sợ người say rượu: Ở đời chẳng biết sợ ai/ Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày. Do vậy mà dân gian rất hay mặc cảm người làm nghề rượu, thường đồng nhất những người đó là người xấu. Trong truyện cổ thì các nhân vật phản diện thường làm nghề buôn rượu, như nhân vật Lý Thông hay mô típ người anh tham lam. Cụ Hải Thượng Lãn Ông, bậc đại danh y thì khuyên người dân dùng rượu, cũng: Nên dùng làm thuốc mà thôi/ Già thì uống ít, trẻ thì cấm ngăn…
Hình như người Tàu cũng không khoái người say rượu nên trong Tam quốc diễn nghĩa nổi tiếng có chi tiết nhân vật Trương Phi có sức mạnh, thế mà vì say rượu nên để thành Từ Châu lọt vào tay Lã Bố; rồi cũng vì say mà để cho một kẻ hạ đẳng cắt mất đầu. Cũng là một cách nhắc nhở người đọc: Trương Phi như thế nhưng vì say nên như vậy, huống hồ người thường…
Còn trong chính sử thì thấy ghi lại nhiều chuyện hậu họa tày trời có nguyên nhân vì rượu. Vua Đinh Tiên Hoàng (924-979) là người sáng lập triều đại nhà Đinh, lấy tên nước là Đại Cồ Việt. Ông là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn. Một vị vua uy dũng, oai phong nghiêng trời thế mà lại bị chết bởi rượu. Có sách chép, trong một cơn say ông bị một tên hoạn quan tên là Đỗ Thích giết chết. Cái chết của ông cũng là sự chấm dứt một triều đại chưa đầy 12 năm (968-979). Chuyện nhà vua này bị giết chết là có thật nhưng chết vì rượu thì có thể là chuyện người đời sau thêu dệt nên để nhắc nhở người đời, nhất là các vị vua chớ quá ham tửu sắc để đến nỗi bị chết oan uổng.
Hình như cả văn học dân gian rồi chính sử và dã sử đã biết trước được việc người Việt ta thời hiện đại ở thế kỷ XXI sẽ là nước uống rượu giỏi bậc nhất thế giới nên đã có những chi tiết mà chúng tôi đã mạo muội xin chép ra ở trên. Giỏi nhất thế giới thì chưa biết (và cũng có thể là nhất nếu văn hóa bia rượu của nước ta cứ ngày một phát triển) nhưng uống rượu giỏi hơn các cụ ta ngày xưa thì hơn là cái chắc. Vì hôm nay nước ta tiêu thụ hết 3 tỷ lít bia một năm, bình quân, mỗi người Việt tiêu thụ 32 lít/năm. Biết được điều này thì chắc các cụ ta sẽ buồn nhiều cho con cháu mình, vì “hậu sinh” mà không “khả úy”...
Giả sử các cụ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến có thể sống lại, chắc các cụ cũng không muốn, vì sẽ bị đám con cháu chúc sức khỏe “một trăm phần trăm”, bắt “dô, dô”… “một trăm phần trăm”. Và thế là các cụ say, say thì không thể làm thơ được. Mà đối với các cụ, nếu không được làm thơ thì cuộc sống vô nghĩa!
NGUYÊN THANH