Có vậy chàng mới có thể lên ngôi vua một cách xứng đáng nhất. Những tên khổng lồ thọt chân hung dữ, những tên cướp xảo quyệt, rồi tên khổng lồ Cercyon bạo chúa... đều muốn “ăn tươi nuốt sống” chàng, nhưng với bản lĩnh phi thường, võ thuật vô song, dũng sĩ Thésée đều đánh bại để đội lên đầu vòng nguyệt quế chiến thắng.

leftcenterrightdel
Minh họa: QUANG CƯỜNG 

Lần ấy, chàng gặp một tướng cướp có biệt danh Procuste (tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “kẻ kéo căng người ra”). Đúng với tên gọi, hắn có cách tra tấn người cực kỳ độc ác là trói nạn nhân nằm trên một chiếc giường. Nếu thân người nạn nhân dài quá, hắn sẽ dùng gươm cắt đi phần thừa; nếu người nạn nhân ngắn, hắn dùng dây tời kéo dài thân hình họ ra sao cho vừa khít với chiếc giường. Khỏi phải nói sự sợ hãi khủng khiếp của bao con người lương thiện mà chịu chết trong sự hoảng loạn, đau đớn tột cùng.

Tàn bạo thế thì dứt khoát phải đền tội. Thay mặt công lý xử tội hắn chính là chàng dũng sĩ Thésée. Chàng đã quật ngã Procuste rồi trói hắn trên chính chiếc giường này, bắt hắn phải đền tội y theo cách hắn từng bắt người khác phải chịu. Câu chuyện lan ra khắp thế giới, kết thành một thành ngữ “Chiếc giường của Procuste” ám chỉ kẻ nào đề ra một nguyên tắc cứng nhắc phi thực tế, thậm chí là phi nhân tính nhưng lại bắt người khác phải tuân theo, tất yếu sẽ chịu hậu quả. Dưới góc độ luật pháp thì nó minh họa cho một nguyên lý của pháp luật cổ xưa: Kẻ có tội phải đền tội. Gây tội ác thế nào phải chịu hình phạt giống như thế!

Nhưng mô típ truyện này không chỉ có trong thần thoại Hy Lạp. Chỉ có điều thần thoại Hy Lạp là nơi thượng nguồn, dòng ý tưởng chảy về miền hạ lưu, neo lại cả ở hai bờ cổ tích phương Đông và phương Tây, tất nhiên có nhiều biến đổi. Nhìn từ thể loại, cái kết của cổ tích luôn lôi cuốn mọi chú ý vì dồn vào đó sự bùng nổ của khát khao thay đổi. Ai chả muốn hạnh phúc, may mắn. Cái kết sẽ thỏa mãn. Cổ tích trước hết dành cho trẻ em nên người lớn phải đọc bằng tâm hồn trẻ thơ để được trở về với trẻ thơ.

Cổ tích Tấm Cám (và hầu hết truyện Nôm khuyết danh của ta) đều có cái kết thật đích đáng thể hiện khát vọng công lý: Thiện thắng ác. Cổ tích của nhiều quốc gia khác cũng có chung cái kết kiểu Tấm Cám, tương tự cái kết trong thần thoại Hy Lạp: Kẻ thù ác với (ta) thế nào, (ta) sẽ “trả lại” y chang như thế. Nhưng ở cổ tích, vì xa miền thượng nguồn nguyên thủy, đang trong thời đại phân chia giai cấp nên được nhấn thêm một ý: Trả lại cái ác cho cả dòng giống, con cái kẻ ác để “tiệt nọc” cái ác. Phải như thế mới là “cổ tích”, người tốt phải gặp thật nhiều tốt lành, kẻ xấu phải bị trừng trị tận gốc thật đích đáng.

Cổ tích luôn là sự phân cực tuyệt đối: Xấu xa, ác độc, tham lam... với tốt đẹp, hiền lành, thật thà. Nếu nhân vật chính diện “hóa thân” theo chiều lý tưởng (càng tốt đẹp hơn) thì nhân vật phản diện phải ngược lại: Ví dụ, Cám phải chịu “hóa thân” thành “mắm”. Vì sao lại là mắm? Vì đó là “môi trường” không gian tăm tối (luôn đóng kín); có tính chất khủng khiếp, đáng sợ (nồng nặc, khó chịu); chịu đựng thời gian dài (hàng năm, chôn hũ mắm xuống đất) để biến sinh vật sống thành “xác không thối”.

Hình thức cơ thể “nó” (cá, tôm, cua, cáy...) vẫn có thể còn nguyên (để sám hối những điều xấu!) nhưng nội dung, tính chất phải “biến” thành cái khác (mắm). Với quan niệm cái ác phải trở về thế giới của cái ác, không để chúng lẫn vào cái tốt nên mẹ Cám phải ăn “mắm/thịt con” cho chết hết đi, là hợp lẽ công bằng một cách triệt để!

Nhìn từ thời văn minh hôm nay thì rõ ràng luật pháp cổ xưa trọng sự công bằng nhưng thiếu nhân tính. Điều này càng rõ và dễ lý giải đặc điểm ấy có ở thời tối cổ-chịu ảnh hưởng hoặc dấu vết tập quán nguyên thủy có từ thời dã man. Không chỉ ở ta, do chưa hiểu cội nguồn vấn đề mà nhiều nước châu Âu từng tranh luận về cái kết thiếu tính nhân văn này. Ở ta, gay gắt hơn, nhiều người đòi cắt bỏ cái kết “làm mắm”. Mãi gần đây, nhờ triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) mà vấn đề càng trở nên sáng tỏ.

Có nhiều ý nghĩa hạt nhân của mã văn hóa này, nhìn từ luật pháp thì đó là một khát vọng cháy bỏng của nhân loại về sự công bằng, bình đẳng, dân chủ, mà câu chuyện thần thoại Hy Lạp ở trên là rất tiêu biểu. Ở Tấm Cám của ta, khát vọng ấy biểu hiện rõ nhất ở nhân vật Tấm. Người tốt, hiền lành, thơm thảo như vậy thì không bao giờ chết. Cũng ở biểu tượng này còn có một lớp ý nghĩa khao khát đổi mới, đổi mới để hạnh phúc hơn. Thế nên sau mỗi lần “chết”, Tấm lại ở vào một tư cách khác, mới hơn, tốt đẹp, sang trọng, vương giả hơn.

Thời cổ xưa chưa có tòa án nhưng phải có người đủ quyền năng để “thi hành án” cho công bằng. Thần thoại phương Tây đã điêu khắc nên hình tượng ấy là Thần Zeus-vua của các vị thần ngự trên đỉnh Olympus, đồng thời là thần của luật lệ, công lý, định mệnh. Cổ tích phương Đông thì thêu dệt nên hình tượng Bụt (được phiên âm từ Buddha), tức một vị Phật.

Cần một sự lưu ý thú vị là Phật ở Việt Nam hầu hết là Phật bà nhưng Bụt thì hầu hết là ông Bụt, ông Tiên. Phải chăng là “ông” (đàn ông) thì mạnh mẽ, lý trí, bản lĩnh hơn để giúp đỡ người nghèo chống lại kẻ ác? Trong khi đó, biểu tượng công lý phương Tây là người đàn bà bịt mắt, tay cầm thanh kiếm, tay cầm cái cân. Phải chăng đó là quan niệm phụ nữ thì “xử án” công minh, nhân văn, mềm mỏng, “uyển chuyển, mềm mại” hơn?

Dù hiểu theo cách nào thì cái nền móng của các biểu tượng vẫn là khát vọng công bằng. Công bằng và cân bằng chính là khát vọng ngàn đời trong công lý và trong đời sống của nhân loại!

THANH NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.