Đây cũng là yếu tố tạo nên diện mạo đặc sắc của đô thị Đà Lạt, tài nguyên quan trọng để địa phương phát triển du lịch, văn hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy hệ thống di sản quý giá này lại bộc lộ hàng loạt bất cập.

“Bứng” di sản để bảo tồn?

Những ngày gần đây, dư luận địa phương xôn xao về dự án xây dựng tổ hợp khách sạn trên đồi Dinh tỉnh trưởng, TP Đà Lạt. Đây là khu vực rộng khoảng 4,3ha, được phủ xanh bởi nhiều cây cổ thụ, ở vị trí trung tâm và cao nhất có một dinh thự bề thế, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, là nơi sinh hoạt, làm việc của thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức cũ (nay là Lâm Đồng). Do nằm ở vị trí đắc địa, gắn liền với lịch sử phát triển của TP Đà Lạt nên Dinh tỉnh trưởng cùng với không gian xung quanh từ lâu đã trở thành mối quan tâm lớn của người dân và du khách.

Ngày 15-3-2019, tỉnh Lâm Đồng công bố “Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 trung tâm khu Hòa Bình-Đà Lạt” trong đó có khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng. Ngày 14-8-2020, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và UBND TP Đà Lạt tổ chức trưng bày 3 phương án, ý tưởng thiết kế kiến trúc các công trình thuộc khu vực đồi dinh nhằm lấy ý kiến người dân, các cơ quan, đoàn thể và giới chuyên môn. Cuối tháng 10-2021, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, phương án “Hotel du Printemps” của kiến trúc sư (KTS) Thierry Van de Winagaert, đơn vị tư vấn Escape Architecture International (EAI), đã được lựa chọn. Theo đó, khu vực đồi dinh sẽ trở thành tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại. Riêng công trình Dinh tỉnh trưởng sẽ được giữ nguyên và “nâng” lên 28m so với vị trí hiện nay, nằm ngay trên đỉnh của tổ hợp công trình mới.

Việc biến mảng xanh duy nhất còn sót lại giữa trung tâm TP Đà Lạt vốn đã bị bê tông hóa mạnh mẽ trong những năm gần đây và “bứng” đi một di sản kiến trúc để xây tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại của tỉnh Lâm Đồng ngay lập tức đã gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều, trong đó có nhiều ý kiến phản đối. Một KTS tại địa phương đề nghị được giấu tên cho biết: “Dinh tỉnh trưởng là công trình quy mô lớn, được xây dựng từ những vật liệu có tính gắn kết không cao. Việc “nâng” dinh từ vị trí hiện nay lên cao 28m là điều không tưởng. Mặt khác, cách bảo tồn bằng cách “bứng” công trình ra khỏi không gian hiện hữu là điều không thể chấp nhận, sẽ biến “di sản sống” thành “di sản chết”. Giống như chúng ta cố tình giết đi một cá thể động vật quý hiếm rồi đưa vào lồng kính để trưng bày”.

Dinh tỉnh trưởng chỉ là một ví dụ điển hình về sự bất cập trong công tác bảo tồn, khai thác di sản kiến trúc Đà Lạt tại Lâm Đồng. Thời gian qua, ngoài Dinh tỉnh trưởng, còn có hàng chục công trình kiến trúc có giá trị, gồm các dinh thự, biệt thự cổ thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Lạt đang cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sử dụng hoặc cho thuê để khai thác, kinh doanh nhưng thiếu đầu tư, tôn tạo, thậm chí bị xâm hại, sử dụng sai mục đích nên ngày càng xuống cấp, tiêu biểu như: Các biệt thự số 1, 3, 5, 7 trên đường Cô Giang, biệt thự số 7 trên đường Ba Tháng Tư, biệt thự số 2 trên đường Hàn Thuyên, biệt thự số 16 trên đường Pasteur.

Dinh tỉnh trưởng tại TP Đà Lạt hiện nay. 

Thậm chí ngôi biệt thự số 22 trên đường Hùng Vương vốn là công trình có kiến trúc và cảnh quan khá đẹp đã bị Công ty Cổ phần địa ốc Đà Lạt (doanh nghiệp thuê) giả mạo hồ sơ “qua mặt” Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng nhằm được cấp phép xây dựng. Sau khi có giấy phép, công ty này đã cho một doanh nghiệp khác thuê lại và xây dựng hàng loạt công trình trong khuôn viên biệt thự. Vụ việc vỡ lở, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng rút giấy phép và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả nhưng từ đó đến nay, chủ đầu tư vẫn cố tình không thực hiện. Ngôi biệt thự và khuôn viên xinh đẹp thủa nào giờ trở nên vô cùng nhếch nhác với hàng loạt công trình tạm bợ được cơi nới bằng tôn, sắt, bê tông để mở cửa hàng rửa xe, quán cà phê, cửa hàng bán cây cảnh, quán nhậu.

Cần hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản

Sự xuống cấp, mai một của di sản kiến trúc Đà Lạt xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có trách nhiệm lớn của chính quyền địa phương; các tổ chức, cá nhân đang sử dụng công trình và những đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý như: Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm quản lý nhà TP Đà Lạt; Công ty Cổ phần địa ốc Đà Lạt. Sự chồng chéo, buông lỏng trong công tác quản lý và kẽ hở hành lang pháp lý là nguyên nhân chính.

Bên cạnh đó, việc chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, tối đa hóa lợi nhuận, quy hoạch theo “tư duy địa ốc” đã khiến nhiều di sản kiến trúc không được bảo tồn, phát huy hiệu quả. KTS Ngô Viết Nam Sơn (Hội KTS Tp Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Quy hoạch khu Đồi dinh tỉnh trưởng bằng cách đưa công trình lên cao 28m và biến nơi đây thành tổ hợp khách sạn, thương mại chỉ là cách đối phó với dư luận. Rõ ràng đây là cách quy hoạch chỉ nhắm vào mục đích kinh tế mà bỏ qua yếu tố bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Điều này cũng trái với định hướng quy hoạch chung cho TP Đà Lạt của Thủ tướng Chính phủ”.

Tại các cuộc hội thảo khoa học bàn giải pháp xây dựng, phát triển TP Đà Lạt những năm gần đây, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, KTS luôn nhấn mạnh, bảo tồn di sản kiến trúc, cảnh quan là vấn đề tiên quyết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TP Đà Lạt.

Để thực hiện được điều này, địa phương cần bám sát và thực hiện nghiêm Quyết định số 704/QĐ-TTg, ngày 12-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Tp Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Thay đổi tư duy trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị; nghiên cứu, đề nghị TP Đà Lạt trở thành đô thị di sản nhằm tạo hành lang pháp lý và có thêm nguồn lực bảo tồn, phát huy hệ thống di sản hiện hữu; hạn chế can thiệp, xây dựng, bê tông hóa, làm mới vùng lõi, vùng “đô thị lịch sử” của Đà Lạt, nên mở rộng không gian đô thị Đà Lạt về phía các đô thị vệ tinh; cần nghiêm túc xem xét, đánh giá lại những quy hoạch thiếu khoa học, coi nhẹ yếu tố bảo tồn di sản; tăng cường sự giám sát của các cơ quan chuyên môn và các bộ, ngành Trung ương đối với di sản kiến trúc, cảnh quan của Đà Lạt. Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hồ Chí Minh góp ý: “Trước mắt, địa phương nên khẩn trương đánh giá khoa học và đầy đủ các di sản để xếp hạng; nhanh chóng xác định tiêu chí, khoanh vùng khu di sản, điểm di sản, thống kê quỹ di sản của Đà Lạt để có giải pháp bảo tồn, phát huy hợp lý”.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG