Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng từng là một người lính bước ra từ chiến trường. Như một cái duyên, ngay từ khi vào nghề, ông đã viết và chụp ảnh về các bà mẹ. Trong "gia tài" nghề nghiệp của ông có rất nhiều những bức ảnh về đề tài này. Dù là một bà mẹ bình thường, một vị giáo sư, một nữ anh hùng hay các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đều được ông trân trọng và chụp lại những khoảnh khắc trong cuộc sống với một tình yêu từ trái tim của người lính.
 |
Cắt băng khai mạc chuỗi hoạt động. |
Triển lãm “Mẹ” gồm 3 nội dung chính: Mẹ - hằn sâu nỗi nhớ, Mẹ - khoảnh khắc đời thường, và Tự hào những người Mẹ Việt Nam giới thiệu 90 bức ảnh gắn với nhiều miền ký ức, cảm xúc của tác giả về những người Mẹ Việt Nam với sự bình dị, chân thật và đầy rung cảm. Không chỉ là các mẹ Việt Nam anh hùng, tác giả còn tôn vinh hình ảnh của những người Mẹ với nỗ lực vươn lên để thành công, hay đơn giản là sự bình dị với thiên chức cao quý của một người vợ, người mẹ. Tiêu đề của Triển lãm “Mẹ” chính là mẫu số chung giúp tác giả lột tả những mảnh ghép đa sắc về các mẹ, tạo nên bức chân dung về người phụ nữ Việt Nam với đầy sự tự hào và tình yêu thương.
Chắc hẳn mỗi chúng ta khi ngắm nhìn những bức ảnh trong triển lãm đâu đó sẽ thấy bóng dáng của chính những người mẹ, người bà của mình. Thông qua triển lãm, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và tác giả Trần Hồng mong muốn dành sự tri ân đến các thế hệ phụ nữ Việt Nam - những con người với tình yêu thương vô bờ, tấm lòng vị tha, đức hy sinh cao cả và trái tim nhân hậu để chúng ta - những người con, người cháu thêm tự hào, yêu thương và trân trọng họ. Đó cũng là lý do tác giả trao tặng 90 bức ảnh trưng bày tại triển lãm cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để vẻ đẹp, cùng hình ảnh của các mẹ sẽ còn được lưu giữ mãi và giới thiệu tới nhiều thế hệ sau.
 |
Bức ảnh nữ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn vui mừng xúc động khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng trưng bày tại triển lãm. |
Trong khuôn khổ sự kiện, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn tổ chức Lễ tiếp nhận hàng trăm kỷ vật của các cá nhân là những người lính năm xưa nơi chiến trường bao gồm: Nhật ký, ảnh, bưu thiếp, đồ dùng cá nhân… cùng với rất nhiều những lá thư tay về tình yêu do chính họ hoặc người thân lưu giữ lại.
 |
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Câu lạc bộ Trái tim người lính tiếp nhận hiện vật. |
 |
Triển lãm thu hút nhiều người xem. |
Những kỷ vật ấy không chỉ mang dấu ấn cá nhân, mà còn giúp khắc họa và gợi nhớ về một thời kỳ thanh xuân của những con người với lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước, gắn với những câu chuyện về tình yêu gia đình, tình đồng đội và tình cảm đôi lứa trong thời kỳ tuy khó khăn, gian khổ nhưng vẫn chan chứa sự gắn kết và đầy ắp tình yêu thương. Hiện vật của những người lính còn sống, hay đã khuất sẽ được gửi tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, giúp làm dày dặn thêm kho tư liệu về thời kỳ kháng chiến mà Bảo tàng đã dày công sưu tầm từ nhiều năm qua. Đồng thời đây sẽ là nguyên liệu để Bảo tàng khai thác cho các triển lãm, trưng bày và hoạt động giáo dục hướng tới các hoạt động tuyên truyền và giới thiệu đến công chúng trong thời gian tới. Đây là một phần kết quả trong việc mở rộng hợp tác, chuyển hướng sưu tầm phù hợp với thời cuộc và đạt hiệu quả cao của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid-19.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với Câu lạc bộ Trái tim người lính thể hiện mục tiêu chung trong công tác gìn giữ những giá trị nhân văn, giá trị lịch sử liên quan đến mọi mặt đời sống tinh thần của người lính cùng hậu phương của họ.
Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN