Có một đội thiếu niên du kích anh dũng
Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn dù đã 81 tuổi, song vẫn nhanh nhẹn và mẫn tiệp. Cách đây 70 năm, ông Thìn là một trong những thành viên hoạt động năng nổ của đội thiếu niên du kích Đình Bảng, đã có những đóng góp tích cực trong cuộc đấu tranh chống giặc Pháp xâm lược. Ông Thìn nhớ lại: “Năm 1951, lúc đó tôi mới 11 tuổi. Tôi được các anh trong đội thiếu niên du kích Đình Bảng rủ ra nhập đội. Tôi được giao nhiệm vụ ngày ngày chơi ở khu đình theo dõi tình hình địch đi, địch về rồi báo lên trên. Các anh du kích bảo tôi hãy thổi kèn harmonica về nhạc Pháp để lấy lòng bọn địch. Thế là tôi chơi kèn, mấy thằng Tây thích lắm. Nó kéo tôi vào chỗ chúng nó ở. Nhân lúc chúng không để ý, tôi lấy chiếc máy ảnh từ trong quần soóc ra chụp lại bọn địch. Ngoài ra, mỗi ngày tôi loanh quanh ở mấy quán nước giải khát rồi cóp nhặt những câu chuyện của lính Tây. Ví dụ nó bảo tao phải đi giặt quần áo. Thế là tôi theo chúng đến tiệm giặt đồ. Nó bảo giặt nhanh mai tao còn đi ra trận. Tôi hỏi nó đánh trận ở đâu, nó kể vanh vách. Tôi tranh thủ ghi thông tin bằng ký hiệu vào mảnh giấy gửi cho các anh du kích”.
 |
Một cảnh trong phim “Đội thiếu niên Du kích Đình Bảng”.Ảnh: ĐỖ LAN
|
Không lâu sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thực dân Pháp đã tái xâm lược nước ta. Làng Đình Bảng (tỉnh Bắc Ninh) bị giặc chiếm, xây dựng thành đồn bốt để ngăn chặn Việt Minh. Người dân làng Đình Bảng phải sống trong sự kìm kẹp tàn bạo của lính Tây, lính ngụy. Với lòng căm thù quân giặc sục sôi, các em thiếu niên Đình Bảng đã thực hiện những hành động chống đối tự phát như: Đâm thủng lốp xe hơi của tên chỉ huy Pháp Lơ-Rát; lân la với đám lính Pháp tập bắn để lấy trộm đạn giấu đi, cung cấp cho du kích; phá hoại, tiêu hao cơ sở vật chất, vũ khí của giặc... Từ chỗ hoạt động mang tính tự phát, được sự giúp sức, định hướng của Bộ đội Cụ Hồ, đội thiếu niên du kích Đình Bảng về sau có tính tổ chức chặt chẽ hơn. Những đội viên tiêu biểu của đội thiếu niên du kích, như: Hoan, Lượt, Thạo, Húc, Phát, Thuộc, Tâm, Bách... đã có những hành động mạnh bạo hơn, trở thành một lực lượng cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Tái hiện chân thực lịch sử qua phim
Câu chuyện về một đội thiếu niên du kích Đình Bảng anh dũng không những đi vào từng trang sách qua cuốn truyện cùng tên của nhà văn Xuân Sách, mà mới đây còn được khắc họa sinh động, chân thực trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh, Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Bộ phim "Đội thiếu niên du kích Đình Bảng" được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh chủ trì thực hiện. Bộ phim gồm 5 tập, mỗi tập dài 45 phút do Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Vịnh đạo diễn.
Tác phẩm về đề tài lịch sử luôn có vị trí quan trọng trong điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều đạo diễn hiện nay khá ngại làm phim về đề tài này bởi khó chọn diễn viên và bối cảnh quay, không dễ cạnh tranh với các dòng phim khác trên thị trường phim. NSƯT Trần Vịnh cho biết: “Khó khăn lớn nhất của tôi trong bộ phim này là chọn diễn viên. Thiếu niên ngày nay khác thiếu niên thời chiến tranh nhiều lắm. Để tìm ra một khuôn mặt có chút ngây thơ, đậm chất nông dân như xưa quả thật rất khó. Lần đầu tiên làm phim mà tôi chỉ dàn cảnh rồi để diễn viên diễn tự nhiên, tôi muốn có thể gặt hái được hết những nét ngờ nghệch, chân thật của những bạn thiếu niên lần đầu vào vai diễn. Sau khi quay xong, đoàn mất 12 ngày để cho diễn viên lồng tiếng. Ngoài ra, để chọn bối cảnh quay làng quê nghèo xưa tại phường Đình Bảng giàu đẹp hôm nay quả là một thách thức. Nhưng tất cả ê kíp bộ phim đã đồng sức đồng lòng để về đích đúng tiến độ”.
Các đội viên của “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” được tái hiện chân thực qua từng thước phim. Đó là những gương mặt, như: Anh Bát-Phụ trách đội (do Phan Thắng thủ vai); chị Gái-Phụ trách đội (do Vân Thường thủ vai); Thư-Trưởng ban công tác đặc biệt (do Lỗ Thị Bích Phương thủ vai); Lượt-Đội trưởng (do Lê Hiếu Tài thủ vai); Hoan-Đội phó (do Trịnh Hoàng Hà thủ vai); Húc-Đội viên (do Nguyễn Mạnh Hà thủ vai)... Vào vai tên chỉ huy Pháp Lơ-Rát, diễn viên Charles Nathan Winston chia sẻ: “Qua bộ phim này tôi hiểu thêm về lịch sử, tội ác chiến tranh mà người Pháp gây ra trên mảnh đất Việt Nam. Bộ phim này có nhiều cảnh quay chân thật, cách diễn xuất tự nhiên giúp tôi tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề”.
Chăm chú theo dõi từng cảnh quay trong bộ phim, ông Nguyễn Đức Thìn xúc động nói: “Bộ phim đã thể hiện gần đúng với lịch sử xưa bởi cảnh quan bây giờ có nhiều thay đổi. Hoạt động của thiếu niên du kích Đình Bảng đa dạng, nhiều mặt khác nhau nhưng lên phim phải được chắt lọc. Đạo diễn đã chọn cảnh quay khá chân thực. Tôi được nhìn thấy hình ảnh của chính mình trên phim và như gặp lại được những người bạn của tôi năm xưa. Bộ phim có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng và giúp các em thiếu niên hiện nay hiểu biết thêm về những tấm gương thiếu niên anh dũng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp”.
HỮU TRƯỞNG