QĐND -  Dầu ướt hay ráo, nóng hay lạnh, chẳng điều gì cực hơn là một người đàn ông què đang lê bước, tì trên cái gậy gỗ sồi, trên vai đeo một cái giỏ đan bằng liễu gai. Bên trong giỏ, phủ kín bằng tấm vải thô, là những bông cúc bạc và hiếm hoi thay, vào mùa này, một vài cây nấm được gói cẩn thận trong một tờ báo.

Với bộ râu rậm màu nâu, khuôn mặt dạn dày sương gió, hiền lành đến ngờ nghệch của gã giờ tái nhợt, nhăn nheo và rầu rĩ bởi cái chân chưa bao giờ hết làm gã đau. Cái chân đó bị teo đi sau một vụ tai nạn, rồi giờ nó ngắn hơn 2 inh-xơ so với vốn dĩ, nỗi đau một phần nào từng nhắc gã nghĩ đến cái chết. Mặc dầu vẻ ngoài chẳng giàu sang, bóng bẩy, nhưng gã cũng có cái đáng để nâng niu, đó là cái áo choàng cũ màu xanh dương, cái quần âu, cái áo gi-lê và cả cái mũ sờn rách bởi dùng quá lâu và bạc màu vì mưa nắng. Trước đây, gã là một dân chài, nhưng kể từ sau tai nạn cho đến giờ, gã kiếm sống bằng cái nghề ngồi ở một chỗ cố định trên rìa phố ở Bayswater, từ 10 giờ sáng cho đến 9 giờ tối. Nếu quý cô nào muốn mua cho chim cưng của mình thì sẽ dừng lại trước giỏ đan của gã để mua những bông cúc bạc giá một xu.

Thường thường, như gã nói, công việc của gã là đi lượm nhặt những cây cúc bạc, dậy từ 5 giờ sáng, rời Luân Đôn và bắt chuyến tàu sớm để đến với vùng đất hứa cho những kẻ chuyên sống dựa trên sự ngon miệng của đám chim hoàng yến cảnh. Gã kéo lê cái chân của mình một cách khó khăn để vượt qua những bãi đất mà Thượng Đế cũng chẳng buồn giữ khô giùm gã. Gã khom mình, khó nhọc lượm những đám cây nhỏ màu xanh với những chỏm vàng vàng, dù cho nhiều lần gã vẫn than: “Còn có mấy cây còn sống đâu, chúng chết vì sương giá cả rồi”. Sau khi nhặt nhạnh thu gom hết-cái công việc mà dường như số phận đã an bài, gã lên tàu trở về nhà và bắt đầu một ngày phiêu lưu của mình.

Vẫn là như vậy, hiện giờ, khi cuộc sống trở nên khó khăn hơn, cái bóng chậm chạp lê bước của gã trên đường về xuyên qua màn đêm tưởng như đã muộn đến độ 9-10 giờ. Có đôi lúc nào đó, đôi mắt màu xanh xám của gã-đôi mắt chưa bao giờ ngừng chăm chăm dõi ra biển sương mù mịt-lại hiện hữu cả một đáy lòng, nơi con chim nằm kiệt sức sau mọi cố gắng nỗ lực bay lên cao nhưng bất lực vì đôi cánh tật nguyền.

Quả thực thì gã chẳng cần phải kể lể với bạn-việc gã luôn cố gắng từ năm này đến năm khác, nhưng rồi gã cũng không có một viễn tưởng nào sốt sắng cho công việc của mình-“cũng chả có gì đáng nói”, mặc dù nhìn chung thì nó còn tốt hơn việc đứng bán hoa, cái việc còn tệ hơn là chẳng có gì. Và khi đã quen với sự đấu tranh của đôi cánh tật nguyền kiệt sức trong tâm hồn mình, gã thậm chí sẽ từ bỏ, cả khi nếu cuối cùng, đôi cánh ấy có thể nâng lên khỏi mặt đất và bay cao.

 “Một cuộc đời trớ trêu!”-Gã từng nghe được câu nói này đâu đó và thốt lên khi đám cúc bạc ngày một hiếm hoi và khách vắng vẻ dần, rồi cả những bãi đất ẩm cũng lại là gánh nặng đè lên cái chân tật nguyền của gã. Thực tế này khiến gã càng thêm than phiền, cho dù gã chưa bao giờ ngại phô bày khuyết điểm của những bông cúc, của người khách và cái chân gã cho những ai biết trân trọng chúng. Nhưng như một quy luật, gã đứng hoặc ngồi lặng ngắt, ngắm nhìn mọi thứ đang diễn ra giống như ngày trước hắn xem những con sóng đánh trôi chiếc tàu cá đang neo bờ của gã, bằng con mắt xanh dương trong suốt, xa xăm và kiên nhẫn đến lạ thường. Nó hồ như một lời khẳng định chắc nịch từ một tín ngưỡng giản đơn và vô thức của một người đàn ông: “Tôi sẽ tiếp tục cho đến khi tôi không thể”.

Thật khó có thể diễn tả những gì gã suy nghĩ trong khi đang đứng đó-về những ngày trước ở Goodwins, những đốm vàng của đám cúc bạc không muốn nở vì chưa đúng thì, về cái chân gã hay những con chó khụt khịt vào chiếc giỏ và ra vẻ khinh thường, về người vợ bị bệnh thấp khớp của gã, món cá trích trong bữa ăn, khoản tiền nhà còn khất lại, làm thế nào số khách ít ỏi muốn mua hoa của gã và lại nữa, về cái chân.

Thực tế thì không ai dừng lại chú ý gã, trừ khi người đó muốn mua một xu cúc bạc cho lũ chim lồng của họ. Và khi mọi người để ý gã, họ không thấy điều gì đặc biệt ở một gã đàn ông với bộ râu màu nâu, những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt và cái chân tật nguyền, cùng với những bông cúc chẳng dám dâng cho lũ chim hoàng yến cảnh. Họ sẽ nói với gã như vậy, thêm vào đó, thời tiết còn khá lạnh. Và gã, với một chút thấu hiểu hơn họ, sẽ đáp rằng: “Vâng, ông bà sẽ không thể tin nổi đôi chân tôi cảm thấy thế nào đâu”. Về điều này thì gã hoàn toàn đúng, nhưng họ sẽ vội vàng đi khỏi mà vẫn hồ nghi liệu rằng người đàn ông này có nên nhắc đến cái chân què của gã không-bởi việc chú tâm quá nhiều đến nó như thể gã muốn làm gì đó để thoát khỏi nó. Quả thật, gã cũng đã từng có những nét “tao nhã” của một người đàn ông làng chài, nhưng do cái chân của gã như vậy đã lâu đến nỗi nó ăn sâu vào tiềm thức, gắn bó máu mủ như một phần của cuộc đời, phải nhắc đến nó và đôi khi, vào một ngày nhìn chung là bình yên và ấm áp, khi những bông cúc bạc đã sẵn sàng hé nở và gã cảm thấy tự tin hơn, khách hàng của gã cũng sẽ có tâm trạng tốt hơn và đưa gã những mấy xu liền trong khi chỉ nửa xu là đủ. Điều này vô hình trung càng khiến gã hay ám chỉ bóng gió đến cái chân của mình.

Gã tất nhiên là không có ngày nghỉ nào, nhưng đôi khi gã vắng mặt. Đó là khi cái chân của gã cảm thấy nó đã làm việc quá sức, đến mức gã gọi đó là “đau cực độ”. Những lúc như thế lại ném gã vào suy nghĩ về số tiền nhà còn khất, nhưng như gã nói: “Nếu bạn khó có thể trốn tránh, thì bạn sẽ không thể”. Sau những “kỳ nghỉ” đó, gã càng cố gắng nỗ lực đi xa tận rìa cánh đồng để lượm những bông cúc bạc, gắng gượng trên đôi chân cho đến khi gã cảm thấy, nếu gã không dừng lại, gã sẽ không bao giờ tiếp tục được nữa.

Giáng sinh, đối với gã, đó là ngày hội. Vào ngày Giáng sinh, mọi người thường chiều chuộng lũ chim cưng của họ hơn và những tay khách hay lui tới sẽ đưa cho gã 6 xu. Đó cũng chỉ vì họ giàu có, hoặc vì trời lạnh, mà gã thì hầu như luôn tận dụng thời điểm đó. Sau mỗi trận viêm phổi hành hạ, khuôn mặt gã lại tái nhợt lạ thường, đôi mắt xanh ẩn chứa một màn sương đầy dè chừng-trông như thể bóng ma chết đuối của một gã chài; bàn tay thô ráp, xanh xao của gã thì run rẩy, dò dẫm giữa đám hoa cúc bạc ít ỏi những bông nở, cố gắng lượm được thứ gì đó mà lũ chim cảnh không xem thường.

 “Bạn không thể mường tượng được công việc mà tôi thậm chí phải tìm dù nhiều dù ít”-gã nói-“đôi khi chợt nghĩ rằng tôi nên bỏ mặc cái chân đó. Tôi yếu đến nỗi không thể nào kéo nó qua được hết chỗ bùn lầy. Vợ tôi, cô ấy bị thấp khớp. Tôi chỉ toàn khó khăn thôi”. Gợi đến một niềm hân hoan bất chợt, gã mỉm cười. Rồi gã nói hợm: “Bạn thấy đấy, nó chả có chút sức lực nào cả-cũng không có tí cơ bắp nào… Rất ít người,”-đôi mắt gã ánh lên tự hào-“có được cái chân như thế này”.

Nếu những ai vô tâm không để ý đến sự tồn tại của gã thì có khó có thể hiểu điều gì khiến cuộc sống có thể níu giữ gã, có thể thấu hiểu những góc khuất của cuộc đời đầy những vết thương và cực nhọc tiếp diễn, có thể vẫn dõi theo con chim kiệt sức trong tâm hồn gã, luôn nỗ lực bay lên nhưng chỉ được một chút, bởi vết thương trên đôi cánh tật nguyền. Vô hình trung, dường như chẳng có lý do nào để người đàn ông này bám víu lấy cuộc đời, kể từ khi gã không còn bất kỳ viễn cảnh nào ngoại trừ những khốn khổ trong cuộc đời này. Và khi nói về cuộc sống sẽ tiếp diễn của mình, gã mơ hồ: “Vợ tôi luôn nói rằng chúng tôi sẽ không thể sống nghèo khổ hơn ở những nơi mà chúng tôi sẽ đặt chân đến. Và cô ấy đúng, hoàn toàn, nếu chúng tôi có thể như vậy ở bất ky nơi nào chúng tôi đến”.

Tuy nhiên cho đến giờ, cái ý niệm “tại sao chúng ta phải tiếp tục sống” chưa bao giờ được gã màng đến. Nó gần như thể việc đưa cho gã một bí mật hạnh phúc để đo sức chịu đựng khó khăn của gã, và điều này thật may mắn, vào một ngày nào đó, không ai có thể đoán trước được tương lai của nhân loại.

Trên đường phố đông đúc, bên cạnh cái giỏ đan, gã đứng đó, tì người vào cái gậy gỗ sồi, với khuôn mặt mệt mỏi nhưng kiên định, bức tượng tuy tàn tạ nhưng mang nhân cách lớn từ trong tiềm thức, hội tụ nguồn cảm hứng và niềm tin cho vạn vật trên Trái Đất ngay cả những khi mất đi niềm tin nhất.

Truyện ngắn của JOHN GALSWORTHY

(Vương quốc Anh, Nobel Văn học 1932)

VÂN ANH (dịch)