QĐND - Lịch sử văn học cho thấy một chân lý trong sáng tạo: Chỉ có lao động miệt mài cộng với tài năng và vốn sống dày dặn, từng trải thì nhà văn mới tạo ra được tác phẩm có giá trị. Cụ Phan Huy Chú ngày xưa đã viết: “Văn tức là lẽ phải của sự vật xưa nay… Cụ còn nhấn mạnh tới vốn học vấn và sự trải nghiệm trường đời, những điều căn cốt của một đời người viết văn…
Hầu như các nhà văn lớn trên thế giới đều có một cuộc sống từng trải, phong phú. Huy-gô đã từng du lịch khắp Tây Ban Nha; Xéc-van-téc có một khoảng thời gian bảy năm sống ở I-ta-li-a; Bai-rơn từng nay đây mai đó ở đất Hy Lạp; Sê-khốp thực hiện chuyến đi vạn lý vượt qua Xi-bê-ri đến tận đảo Xa-kha-lin; Goóc- ki cũng có mặt ở hầu khắp mọi nơi trên nước Nga… Đấy là nói đến sự đi nhiều, các nhà văn còn làm nhiều nghề. Nhờ làm nghề ghi tốc ký ở Nghị viện Anh mà Đíc-ken mới có cơ hội hiểu sâu đời sống các chính khách. Sê-khốp vốn là một bác sĩ. Nhiều nhà văn Nga thế kỷ XIX như Pu-xkin, Léc-môn-tốp, Xan-tư-cốp… đều tham gia vào cuộc đấu tranh chống chế độ nông nô, có người phải trả giá bằng khổ sai, tù đày, phát vãng… Để có những trang viết tuyệt vời về nước Nga L.Tôn-xtôi phải có “hiểu biết một cách tuyệt diệu nước Nga nông thôn, đời sống của địa chủ và nông dân” (Lê-nin). Ta càng hiểu thêm vì sao Ban-dắc suốt đời thích nghiên cứu hóa học và cổ sinh học, L.Tôn-xtôi say mê tìm hiểu cây trồng, Gớt hiểu sâu triết học và nhiều ngành khoa học tự nhiên… Nghiên cứu tại sao nhiều nghệ sĩ thời Phục Hưng có những tác phẩm kiệt xuất, Ăng-ghen đã có lời giải thích đích đáng: “Là nhờ họ đều hòa mình vào phong trào của thời họ, vào cuộc đấu tranh thực tế, họ tham gia chính đảng, tham gia chiến đấu, người thì dùng lời nói và cây bút, người thì dùng kiếm và thường là dùng cả hai”. Câu nói của Nam Cao trở thành phương châm sáng tạo cho bất cứ nhà văn nào: “Sống đã rồi hãy viết”.
Một tác phẩm văn học có giá trị luôn tồn tại không giới hạn, cả không gian và thời gian. Ăng-ghen tìm thấy toàn bộ lịch sử nước Pháp trong bộ "Tấn trò đời" của Ban-dắc. Thậm chí, ông còn đánh giá Ban-dắc cao hơn rất nhiều các nhà sử học, kinh tế, thống kê học thời đó cộng lại. Lê-nin đọc L.Tôn-xtôi mà thấy trong đó là cả một “tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”. Lý luận văn học khái quát điều này là chức năng nhận thức. Văn học là tri thức, là kiến thức của toàn nhân loại. Đọc văn học là nâng cao tầm nhận thức. Nhìn từ góc độ này thì nhà văn phải là những người chịu khó chịu khổ học hành tích lũy tri thức từ đời sống để làm vốn mà viết ra tác phẩm. Thiên “Truyện Kiều” được đánh giá là được viết ra “như có máu rỏ ở đầu ngòi bút” là nhờ tác giả Nguyễn Du có cả một đời "lao tâm khổ tứ" với chữ nghĩa, cả một đời phiêu bạt, thăng trầm…
Như vậy muốn có một tác phẩm lớn, trước hết nhà văn phải có một cuộc sống phong phú, sâu sắc, trí tuệ. Văn học là cuộc đời. Cuộc đời kết tinh trong trang viết. Văn nồng nàn đậm đà vì đời mặn mòi từng trải và ngược lại.
Nhà văn viết ra tác phẩm, đến lượt mình, tác phẩm làm nên danh hiệu nhà văn. Nhưng trong đời sống văn học nước ta hiện nay lại có hiện tượng chạy theo hình thức. Có nhà văn cứ mải mê viết, viết để được nhiều đầu sách, để được thêm “tên tuổi” trong những bài điểm sách, mà quên rằng chất lượng trang văn mới là quyết định. Lại có một vài người chưa được vào Hội Nhà văn, tức chưa được gọi là “nhà văn”, thì tìm mọi cách để vào (mà lại không bằng con đường giá trị của tác phẩm), không được thì cay cú, ăn thua, kiện cáo, công kích... Để mà làm gì nhỉ? Anh cứ sống cho đã đầy, lao động cho chăm chỉ, viết cho hay, thì “hữu xạ tự nhiên hương”, hội đoàn chưa công nhận thì xã hội, bạn đọc công nhận. Cái tâm lý háo danh đáng ghét của cái anh tiểu nông ở từ hàng trăm năm trước, ngàn năm trước, nay vẫn còn dai dẳng ở số ít người cầm bút. Thế là đi ngược với tiến bộ xã hội. Trong khi đó, nhà văn chân chính luôn là những người đi tiên phong mở ra những tư tưởng mới làm giàu, làm sang cho đời sống tinh thần của xã hội.
NGUYÊN THANH