Là một huyện miền núi phía tây tỉnh Quảng Trị, Hướng Hóa có địa hình rất đa dạng và hiểm trở, có nhiều ngọn núi cao như Động Voi Mẹp (1.701m), Động Chấn (1.257m), Động Tri (1.009m), sông Sê Pôn chảy qua Hướng Hóa chung dòng với nước bạn Lào. Ngoài ra, Hướng Hóa còn có sông Rào Quán và hàng trăm khe suối nhỏ. Núi và sông xen kẽ tạo thành địa hình bát úp. Khí hậu nơi đây mang những nét điển hình của khí hậu nhiệt đới, gió mùa.
Hướng Hóa là vùng đất có vị trí chiến lược được quan tâm từ thuở xa xưa. Trong tác phẩm Ô châu cận lục của Dương Văn An (thế kỷ 16), gọi vùng đất này là rừng Viên kiều, rừng Cao Tuyền; sản vật phong phú cũng như mối lợi về thuế khóa trong giao thương, buôn bán với các vương quốc láng giềng phía tây. Triều đình nhà Nguyễn trong quá trình cai trị đất nước rất chú ý đến vùng đất Khe Sanh, Hướng Hóa. Năm 1831, nhà Nguyễn đổi trấn Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị, gồm có 2 phủ: Triệu Phong, Cam Lộ và 4 huyện Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh và Hướng Hóa. Năm 1850, huyện Hướng Hóa đổi thành huyện Thanh Hóa với 9 châu và 9 tổng. Năm 1886, thực dân Pháp chiếm đóng Quảng Trị và thành lập lại huyện Hướng Hóa với 9 tổng: Hàng Thuận, Làng Hạ, Vân Kiều, Tân Thanh, Làng Liên, La Liết, Tám Linh, Ô Giang và An Hy. Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930, thực dân Pháp đã xây dựng con đường số 9, khai thông hai tỉnh Quảng Trị và Sa-va-na-khẹt (Lào); xây dựng nhà tù Lao Bảo và hệ thống đông bốt, lập đồn điền cà phê... Đồng bào các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Tà Ôi (còn gọi Pa Cô), Ba Hy - những chủ nhân lâu đời của Hướng Hóa bị bọn thực dân, phong kiến bóc lột thậm tệ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc lại kèm theo các hủ tục, tập quán lạc hậu đè nặng lên đầu. Không chịu nổi áp bức, bất công, đồng bào các dân tộc Hướng Hóa cùng với tù nhân chính trị tại nhà tù Lao Bảo nổi lên khởi nghĩa, lập căn cứ chống Pháp ở Bun-đi-cha.
 |
Từ khi Đảng ta ra đời, phong trào cách mạng ở Hướng Hóa càng phát triển mạnh. Năm 1941, người cộng sản kiên trung Lê Hành đã tổ chức, thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở đây. Sau đó, Chi bộ phát triển thành Đảng bộ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám (25-8-1945). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2 (1945-1954), nhân dân các dân tộc ở Hướng Hóa đoàn kết cùng nhau, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Book Hồ lập nên những chiến công oanh liệt ở Ba Lọ, Rào Quán, Khe Sanh, Lao Bảo.Năm 1954, cuộc kháng chiến của quân và dân ta giành thắng lợi. Hiệp định Giơ-ne-vơ về hòa bình ở Việt Nam tạm thời chia nước ta ra làm hai miền Nam-Bắc; lấy Vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm đường ranh giới quân sự tạm thời. Thế chân thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam dựng lên chế độ ngụy quân, ngụy quyền tay sai âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Từ đó, tỉnh Quảng Trị nói chung, huyện Hướng Hóa nói riêng trở thành vùng địa đầu miền Nam (dưới sự áp bức của chủ nghĩa thực dân mới) tiếp giáp với miền Bắc XHCN và vùng giải phóng Hạ Lào. Đất thiêng Hướng Hóa trở thành hành lang chiến lược của cả nước, có đường 9 là huyết mạch giao thông. Nhằm ngăn chặn cách mạng miền Bắc chi viện cho cách mạng miền Nam đấu tranh chống Mỹ-ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, địch tập trung một lực lượng quân sự lớn hòng biến tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Hướng Hóa nói riêng thành vành đai trắng. Chúng tập trung tiền của và bom đạn dựng lên hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra từ Cửa Tùng lên đến tận biên giới Việt –Lào. Thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, năm 1964, địch đổ quân chiến đấu Mỹ vào chiến trường miền Nam thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ. Chúng âm mưu biến Khe Sanh - một vùng đất với một diện tích gần 10 km vuông của huyện Hướng Hóa thành khu vực phòng thủ mạnh, “tấm bình phong” che chở cho phía tây đường 9, bảo vệ vùng ven biển Quảng Trị. Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam, Việt Nam coi Khe Sanh như “cái neo” làm bàn đạp cho các cuộc hành quân “tìm diệt” và “ngăn chặn hữu hiệu sự vận chuyển từ Bắc vào Nam của Việt Cộng” trên đường Hồ Chí Minh. Do đó, ngày 21-1-1968, khi quân ta nổ súng đánh Khe Sanh, chiếm quận lỵ Hướng Hóa, vây hãm làng Vây, Tà Cơn... thì Bộ chỉ huy quân sự Mỹ cho rằng, “đây có thể là một Điện Biên Phủ thứ hai”. Ngay lập tức, tổng thống Mỹ Giôn-xơn chỉ thị cho tướng Tay Lo lập “Phòng tình hình đặc biệt” tại Nhà Trắng để theo dõi tình hình chiến sự Khe Sanh; đồng thời ra lệnh cho tướng Uy-lơ (Chủ tịch hội đồng Tham mưu trưởng liên quân) nộp báo cáo về cách thức bảo vệ Khe Sanh và lệnh cho Hội đồng Tham mưu trưởng và tướng Oét-mô-len phải cam kết bảo vệ Khe Sanh với bất cứ giá nào.
 |
Với ta, đường 9-Khe Sanh được xác định là chiến trường chính của đòn tiến công Tết Mậu Thân 1968 do bộ đội chủ lực tiến hành nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến dịch của địch. Bộ đội chủ lực của ta được sự giúp đỡ tận tình của đồng bào bào các dân tộc Hướng Hóa đã đập vỡ một mảng trọng yếu tuyến phòng thủ đường 9-Khe Sanh của địch, giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa.
Mùa xuân 1975, Miền
Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đồng bào các dân tộc Hướng Hóa cùng nhân dân cả nước đi lên xây dựng CNXH. Do hậu quả của chiến tranh tàn phá nặng nề, Hướng Hóa khi ấy chỉ là một vùng đất trắng loang lổ hố bom, mìn và thép gai. Vượt lên những khó khăn, với bản lĩnh và kinh nghiệm của những người đã trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, giải phóng đất nước, nhân dân Hướng Hóa đoàn kết một lòng không ngừng lao động xây dựng khiến bộ mặt quê hương có nhiều đổi thay. Hướng Hóa hôm nay tuy chưa thật mạnh giàu nhưng đã có nhiều khởi sắc vững bước cùng cả nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam XHCN./.
Thu Trang