QĐND Online - Phim Việt thời kỳ đổi mới qua lăng kính của những người làm điện ảnh trong và ngoài nước trong hội thảo quốc tế chủ đề “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” diễn ra vào chiều 26-11, tại Hà Nội đã phản ánh đúng thực trạng tình hình điện ảnh nước nhà hiện nay. Nhận xét của các đại biểu đã khẳng định xu thế tất yếu của điện ảnh là tác phẩm để lại dấu ấn với khán giả phải là những bộ phim có tính nghệ thuật chứ không phải dòng phim thị trường, chạy theo thị hiếu của công chúng.
“Phim về đề tài chiến tranh ở Việt Nam luôn để lại ấn tượng tốt đẹp với tôi”, đó là tâm sự của Tiến sĩ Aruna Vasudev, Chủ tịch mạng lưới điện ảnh châu Á nhận xét về phim Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đến giờ, người phụ nữ này vẫn luôn cảm thấy hứng thú khi xem những bộ phim đề cập đến chiến tranh của Việt Nam bởi đã gây cho bà cảm giác xúc động. Hình ảnh của người phụ nữ trong phim “Cánh đồng hoang” gây ấn tượng mạnh mẽ với Tiến sĩ Aruna Vasudev và nhiều khán giả thế giới.
Bà Aruna Vasudev cho rằng, Liên hoan phim quốc tế không khó khăn để kéo khán giả đến rạp. Muốn làm được điều đó thì trước hết phải có những bộ phim có chất lượng. “Tôi nghĩ rằng, nếu muốn biết về một đất nước mà chưa có điều kiện đến thăm thì hãy xem phim của đất nước đó. Việt Nam đã tạo cho tôi một sức hút mãnh liệt với những tác phẩm điiện ảnh như: Điện Biên Phủ, Đông Dương, Người tình. Đây là những phim đã thu hút sự quan tâm của khán giả trong và ngoài nước. Vào kỳ liên hoan tới có thể trình chiếu bộ phim về cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ để giới thiệu với thế giới về hình ảnh Việt Nam”, bà Aruna Vasudev nhấn mạnh.
Ngoài bộ phim “Cánh đồng hoang”, Tiến sĩ Aruna Vasudev còn rất ấn tượng với bộ phim “ Thương nhớ đồng quê”, “Cô gái trên sông”... Có thể nói, đây là thời kỳ phim Việt Nam có nhiều tác phẩm điện ảnh để lại dấu ấn với bạn bè nước ngoài. “Chúng tôi đã hiểu hơn về Việt Nam thông qua những bộ phim này. Tôi hy vọng những đạo diễn trẻ ngày nay sẽ tiếp tục làm những bộ phim như xưa chứ không nên chạy theo thị hiếu của một bộ phận công chúng. Tôi hy vọng công nghệ điện ảnh Việt Nam những năm tới sẽ cất cánh”, Tiến sĩ Aruna Vasudev chia sẻ.
 |
Hội thảo quốc tế chủ đề “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới”
|
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Aruna Vasudev, bà Heneriko Jeannette Paulson, Chủ tịch diễn đàn điện ảnh châu Á-Thái Bình Dương, nguyên giám đốc LHPQT Hawaii cũng dành nhiều tình cảm cho các tác phẩm điện ảnh của Việt Nam được sản xuất vào những năm cuối thập niên 80.
“Bộ phim “Bao giờ cho đến tháng 10” của đạo diễn Đặng Nhật Minh đến giờ vẫn để lại ấn tượng khó phai đối với tôi. Đây là một tác phẩm điện ảnh mang đậm tính nhân văn, có chất lượng cao”, bà Heneriko Jeannette Paulson cho biết.
Những nhận xét của các chuyên gia điện ảnh nước ngoài về phim Việt Nam chủ yếu là khen những tác phẩm sản xuất từ những năm 1985 - 1990. Để có được những bộ phim được những người làm nghề và công chúng nước ngoài đánh giá cao quả là không đơn giản nhưng loại hình nghệ thuật thứ 7 cần sự phát triển để có các tác phẩm phản ánh tình hình thực tại chứ không thể mãi “gặm nhấm” thành quả quá khứ mà quên mất hiện tại và tương lai.
Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhiều phim Việt Nam sau thời kỳ đổi mới phong phú, đặc biệt là những phim đề tài lịch sử, thanh thiếu niên đã xuất hiện những bộ phim được nhiều giải thưởng cao trên thế giới. Bao giờ cho đến tháng 10, Cô gái trên sông... thể hiện giai đoạn hưng thịnh của điện ảnh nước nhà.
“Tôi hy vọng sắp tới sẽ có nhiều phim hay. Phim thương mại cũng cần nhưng những tác phẩm này phải hướng đến tính nghệ thuật. Dân tộc nào cũng yêu quý sự nhân văn, những bộ phim nên hướng đến những điều cao cả sẽ thuyết phục được khán giả. Phim thương mại tốt trong thời cơ chế thị trường nhưng để tạo dấu ấn với người xem thì phải là những bộ phim có tính nghệ thuật. Đạo diễn làm phim bằng trái tim của mình thì tác phẩm đó mới sống mãi với thời gian còn những phim thị trường sẽ nhanh chóng bị quên lãng”, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nhấn mạnh .
Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng, điện ảnh Việt Nam hiện đang tồn tại 2 phe, một phe theo dòng phim thị trường do tư nhân sản xuất và một phe làm những phim do Nhà nước đầu tư kinh phí. Dù là phim tư nhân hay Nhà nước sản xuất mà không thể hiện được cái nhìn hôm nay và không được giới trẻ chấp nhận thì coi như phim đó không thành công.
Dĩ nhiên, phim do đơn vị nào sản xuất thì vẫn phải đặt tiêu chí nghệ thuật lên hàng đầu. Nếu phim được Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng nhưng làm xong lại “đắp chiếu” thì chẳng để làm gì còn nếu phim do tư nhân sản xuất đáp ứng được những tiêu chí về nghệ thuật, được công chúng đón nhận thì tác phẩm điện ảnh đó vẫn là bộ phim có giá trị.
“Điện ảnh Việt Nam là 1 nền điện ảnh hiếm hoi là có nhà nước đầu tư, trong khi đó có rất nhiều nền điện ảnh trên thế giới không được nhà nước đầu tư. Điều này vô cùng may mắn, Việt Nam tuy rằng khó khăn, ít phim nhưng may mắn đuợc nhà nước đầu tư nên phải coi đây là điều quý trọng”, đạo diễn Lê Hoàng chia sẻ.
Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, từ năm 1986 đến 1990, số lượng phim chiếu rạp ở Việt Nam đã tăng đáng kể, đáp ứng nhu cầu xem phim của công chúng. Đặc biệt, ở giai đoạn đầu, việc sản xuất phim theo quy trình chuyên nghiệp, một số phim do các hãng phim của Nhà nước sản xuất cho đến nay vẫn được thừa nhận như những thành tựu đáng kể của điện ảnh nước nhà và khẳng định dòng chảy chính thống của phim nghệ thuật vẫn tồn tại mạnh mẽ. Bộ phim “Vị đắng tình yêu” sản xuất năm 1991 có thể coi là tác phẩm điện ảnh đầu tiên đáp ứng cả hai mặt nhu cầu của người xem thành thị, đó là vừa có tính nhẹ nhàng vừa có sức thu hút của loại hình giải trí. Hiện tượng “lên ngôi” rồi nhanh chóng lụi tàn của dòng phim thương mại những năm 1986-1990 còn để lại hệ lụy nặng nề, đó là sự “nghiệp dư hoá” trong sản xuất phim của Việt Nam. Hệ quả đó còn để lại di chứng đến nay, phá tan đội ngũ, huỷ hoại tính chuyên nghiệp và cả lòng tự trọng nghề nghiệp của nhiều cá nhân nghệ sĩ. Đây là bài học chưa bao giờ cũ cho điện ảnh Việt.
Phim Việt Nam có vươn cao, bay xa và hội nhập được với thế giới thì cần phải có các tác phẩm điện ảnh mang tính nghệ thuật. Dù là phim do đơn vị Nhà nước hay tư nhân sản xuất thì điều cốt lõi vẫn là tác phẩm phải hướng đến công chúng thì mới bộ phim đó mới để lại ấn tượng lâu dài với người xem.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN