Biệt thự số 32 Quang Trung gồm 2 tầng, được xây vào khoảng đầu thế kỷ 20, trên diện tích đất 400m2, trong đó diện tích sàn là 200m2. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, ngôi nhà là nơi sinh sống của nhiều hộ dân. Một gia đình yêu Hà Nội đã đàm phán mua lại ngôi biệt thự để làm nơi cư trú. Họ đã thuê văn phòng kiến trúc AHL cải tạo với mong muốn giữ lại không gian biệt thự cổ giàu hoài niệm nhưng mở rộng không gian mới để đáp ứng công năng hiện đại.

leftcenterrightdel
 Biệt thự số 32 Quang Trung sau khi cải tạo. Ảnh: HOÀNG LÊ

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Huy Hoàng-KTS trong nhóm thiết kế-cho biết: “Khác với thiết kế một công trình xây mới, việc cải tạo một công trình cũ, đặc biệt là công trình di sản có giá trị văn hóa, đòi hỏi người KTS phải quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh ứng xử hài hòa giữa cũ-mới, giữa bản thân công trình và bối cảnh xung quanh nó. Cả về khía cạnh thẩm mỹ đô thị lẫn về khía cạnh tinh thần, hay còn gọi là tính “nơi chốn”.

Các yếu tố thiết kế mới, từ vật liệu sử dụng, cấu trúc mái gỗ, hàng hiên cho đến những chi tiết kiến trúc nội thất nhỏ nhất như chiếc tay nắm cửa cũng được cân nhắc khi đưa vào nhằm bảo đảm sự hài hòa xuyên suốt, tránh bị nệ cổ hay cường điệu thái quá. Trong quá trình thi công và cải tạo, nhóm thiết kế cũng thường xuyên bám sát hiện trường, bảo đảm phối hợp và kiểm soát kỹ cùng nhà thầu về biện pháp sửa chữa, bảo tồn, nhằm hạn chế những rủi ro và sơ suất vốn luôn tiềm ẩn trong việc cải tạo một công trình trăm tuổi.

Việc tu bổ và cải tạo những tòa nhà thời Pháp để đáp ứng được các nhu cầu sử dụng mới không phải là hiếm, có thể kể đến một số trường hợp gần đây, như: Tòa án Nhân dân Tối cao, biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), Bảo tàng Đà Nẵng... Mấu chốt nằm ở chỗ KTS phải đưa ra giải pháp để không gian xây mới, cơi nới phải thật hài hòa với không gian cũ, đồng thời chủ đầu tư cũng cần tôn trọng và thấu hiểu những yếu tố đặc thù và giá trị độc bản của di sản, nếu không dễ rơi vào cảnh “khó xử” y hệt mỗi chân đi một giày khác nhau.

TS, KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo hạng mục nhà ở, nhận xét về giải pháp cải tạo biệt thự số 32 Quang Trung: “Việc cải tạo thường đạt đến một kết quả là “sang chảnh” hơn cũ, có khi hơn rất nhiều, nhưng hồn cốt hoài niệm và lãng mạn “rêu phong” theo đó cũng bị tan biến. Với thiết kế này, nhóm tác giả đã thật khéo léo, tinh tế nên tránh được điều đó. Ngôi nhà sau cải tạo dường như vẫn giữ được toàn vẹn xúc cảm lãng mạn, trong một tinh thần tiện nghi sống rất hiện đại nhưng gia phong, thanh lịch chốn kinh kỳ. Cái đáng quý nhất là những vùng giao thoa giữa không gian cũ và mới không hề xung đột, mà bổ trợ, tôn vinh nhau lên để càng quyến rũ”. 

 Với việc trao giải thưởng cho công trình cải tạo biệt thự số 32 Quang Trung, Hội đồng giám khảo muốn truyền đi thông điệp: Những ngôi nhà cổ chứa đựng giá trị văn hóa, kiến trúc một khi đã xóa bỏ thì không thể xây lại được. Các gia chủ cần tin tưởng vào tài năng của KTS, họ sẽ luôn có những giải pháp để giữ lại không gian nguyên bản, đồng thời cải tạo đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, công năng. Qua đó, những ngôi nhà cổ được hồi sinh, tiếp tục hiện hữu một cách thiết thực mọi nhu cầu của gia chủ, chứ không chỉ là đẹp bên ngoài, bất tiện bên trong.

VÂN HÀ