Là người trực tiếp giảng dạy, cô giáo H’Mi Cil tâm sự: “Năm 2019 là năm thứ hai học viên tham gia học tập. So với lượng kiến thức truyền đạt thì thời gian để tiếp thu quá ngắn, trong khi trình độ, tuổi tác, khả năng tiếp nhận bài giảng của mỗi người lại khác nhau. Tuy vậy, với tinh thần cầu thị, thái độ học tập nghiêm túc, học viên không chỉ đến lớp đúng giờ, ghi chép nội dung đầy đủ, mà còn thường xuyên tương tác, đối thoại nhằm nâng cao kỹ năng viết, nói. Những bài giảng của giáo viên theo chủ đề, chủ điểm, sát với hoạt động khi công tác tại cơ sở càng khiến học viên tiếp thu bài tốt hơn. Nhờ đó, đa phần học viên nắm được cơ bản về chữ cái, ngôn ngữ dân tộc Ê Đê trong giao tiếp, hiểu thêm về phong tục, tập quán của bà con. Đặc biệt, chuyến thực tế về buôn làng cuối khóa học được xem là bài học ý nghĩa nhất, giúp học viên thực hành chuỗi kiến thức được giảng thông qua việc trực tiếp nói chuyện, cùng ăn, cùng làm việc với đồng bào... Kết thúc lớp học tiếng Ê Đê năm học 2019, 100% học viên đạt yêu cầu, trong đó giỏi chiếm 1,72%, khá chiếm 36,2%".

Học viên tham quan các vật dụng tại nhà dài truyền thống của đồng bào Êđê.

Năm 2020, các giảng viên lựa chọn buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột)-nơi có gần 100% đồng bào Ê Đê sinh sống để học viên đi thực tế và trải nghiệm. Song song với tham quan nhà dài truyền thống, bến nước, cánh rừng nguyên sinh, trao quà tặng trẻ em, học sinh tại buôn, lớp còn chia thành 4 nhóm và di chuyển về các hộ gia đình.

Tại gia đình bà H’Lônh Niê-hộ có hoàn cảnh khó khăn của buôn, học viên đã chuyện trò với các thành viên trong gia đình bằng vốn ngôn ngữ được học. Bằng tiếng mẹ đẻ, người phụ nữ ngoài 70 tuổi kể cho bộ đội nghe về hoàn cảnh gia đình. Vợ chồng bà có tất cả 12 người con và đã lập gia đình. Trước đây, đất sản xuất ít ỏi, con đông lại còn nhỏ nên cuộc sống vợ chồng bà khá chật vật. Những năm qua, nhờ Nhà nước quan tâm hỗ trợ bò giống, hướng dẫn nuôi trồng, nên kinh tế gia đình bớt phần vất vả… Vừa trò chuyện, bà H’Lônh Niê vừa hướng dẫn từ mới cho bộ đội, đồng thời mời các anh cùng dùng món ăn truyền thống-cà đắng giã muối ớt với gia đình.

Thấy bộ đội đến thăm, lại chuyện trò bằng tiếng Ê Đê, già làng Y Bhứt Êban khá bất ngờ. Theo già làng, tuy nhiều từ ngữ học viên còn phát âm sai, nhưng chỉ cần kiên trì thì việc nói, viết tiếng đồng bào sẽ sớm thành thạo. Để bộ đội hiểu rõ hơn về Kmrơng Prông B, già làng Y Bhứt Êban chia sẻ thêm về đặc điểm, tình hình buôn làng và giới thiệu vài nét văn hóa độc đáo của đồng bào Ê Đê như: Tạc tượng, nấu rượu cần, dệt thổ cẩm…

  Công việc trợ lý dân quân tự vệ (Ban CHQS huyện Krông Pắc) tạo điều kiện cho Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa tiếp xúc nhiều với bà con buôn làng. Nay tham gia lớp học, anh được trau dồi thêm vốn từ, hiểu văn hóa để vận dụng vào những lần về cơ sở. Theo anh Nghĩa, thời gian học tập quá ngắn ngủi (chỉ một tháng), nên để thông thạo tiếng đồng bào, học viên cần trau dồi, giao tiếp với bà con nhiều hơn nữa. Anh hy vọng thời gian tới tất cả anh em trong đơn vị đều được tham gia các lớp học tương tự để mọi người hiểu thêm về ngôn ngữ, nét đẹp truyền thống đồng bào Ê Đê.

Để phát huy tối đa hiệu quả việc học, Thượng tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc, mong muốn, khi về đơn vị công tác, học viên sẽ tranh thủ thời gian tiếp tục nghiên cứu, tự học tập và vận dụng tốt vào quá trình công tác cơ sở. Từ vốn kiến thức được học, từng học viên sẽ tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài và ảnh: ANH TRƯỜNG