Học viên có nhiều độ tuổi, nhiều đối tượng, dù điều kiện khác nhau nhưng cùng chung niềm đam mê học tập. Anh Dương Công Lê, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Nam Dương (quận Hải Châu), dẫu công tác bận rộn nhưng chưa vắng buổi học nào và ngày ngày luôn tranh thủ tập viết “chữ thánh hiền”. Theo anh Lê, chữ Hán Nôm rất độc đáo và biết chữ Hán Nôm mới có thể đọc, nghiên cứu, sử dụng các tác phẩm, tài liệu của ông cha ta ngày xưa. Còn ông Võ Duy Hải, nhà ở đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu) đã 80 tuổi vẫn bền bỉ mỗi tháng 4 lần đến đây học chữ Hán Nôm. “Tham gia lớp học này vừa hiểu biết được chữ Hán Nôm, vừa làm gương cho con cháu về tinh thần hiếu học và đó cũng là một việc làm góp phần xây dựng xã hội học tập”, ông Hải chia sẻ.
Thầy Nguyễn Đình Ngật giới thiệu một văn bản bằng chữ Hán của nhà bác học Lê Quý Đôn nói về Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
|
Đảm nhiệm giảng dạy có 7 giáo viên đều đã cao tuổi, hầu hết là cán bộ nghỉ hưu. Các thầy không muốn nhận danh xưng “giáo viên” hay “giảng viên” mà chỉ tự nhận mình là “hướng dẫn viên”. Trong khi đó, cả lớp học với nhiều người là bác sĩ, nhà báo, sĩ quan cao cấp, cán bộ, công chức… đều khẳng định, các thầy giáo nơi đây vừa dạy giỏi, vừa có tấm lòng thanh cao hiếm thấy. Lớp trưởng Trà Thanh Lợi (đại tá, cựu chiến binh) cho biết: "Đã nhiều lần học viên đề nghị xin được đóng góp, kính biếu các thầy mỗi tháng một ít để chi phí xăng xe, nhưng trước sau các thầy đều nhã nhặn từ chối".
Giàu nhiệt huyết và tài năng, Giám đốc Trung tâm Huỳnh Phương Bá vừa giảng dạy trên bảng, vừa kết hợp hướng dẫn bằng máy vi tính. Theo ông Bá, việc dạy chữ Hán Nôm được các cơ quan chức năng ủng hộ, trong đó Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã hỗ trợ trung tâm xây dựng chương trình giảng dạy theo giáo trình bộ môn Hán Nôm của khoa. “Chúng tôi truyền thụ loại chữ viết từng thịnh hành một thời kỳ dài trong lịch sử Việt Nam bằng cái tâm giữ gìn vốn quý của dân tộc và dứt khoát không nhận bất cứ khoản tiền nào của học viên”, ông Bá khẳng định.
Thầy Nguyễn Đình Ngật, Phó giám đốc Trung tâm, 89 tuổi, được mọi người trân trọng gọi là “Lão Nho Nguyễn Đình Ngật” bởi kiến thức uyên thâm của thầy. Chữ Hán có 214 bộ với hàng vạn chữ, mỗi chữ lại có nhiều cách viết, vậy mà thầy Ngật am tường chính xác từng chữ và luôn tận tình chỉ dẫn cho học viên. Theo thầy Ngật, chữ Hán Nôm hiện còn nhiều trên các hoành phi, câu đối, đình, chùa, nhà thờ, bia mộ và các văn bản xưa, do đó, cần phải học chữ Hán Nôm để đọc, hiểu được những nội dung của người xưa để lại.
Đi thực tế tại các đình, chùa, nhà thờ, nhiều học viên phấn khởi reo lên khi lần đầu tiên đọc được các chữ Hán Nôm viết trên hoành phi, câu đối. Bác sĩ Nguyễn Duy Chương, Chủ nhiệm Khoa Nội 10, Bệnh viện Quân y 17, một học viên của lớp, đã nói: "Thật may mắn cho chúng tôi và cho bất kỳ ai muốn học chữ Hán Nôm khi ở thành phố quê hương có lớp dạy miễn phí về loại chữ này. Với nhiều người, đây là một mô hình khuyến học tốt, đem lại lợi ích thiết thực, cần được tuyên truyền nhân rộng, nhất là đối với đội ngũ giáo viên môn Văn học và Lịch sử".
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM