Chỉ cần một cơn gió lạnh, một ánh nắng hanh hao hay một làn khói bếp mờ ảo… đều có thể gợi về ký ức xa xăm, những ngày tháng đã qua, nơi có những người thân yêu, những kỷ niệm ngọt ngào và cả những mất mát không thể nào xóa nhòa. Tết, với tất cả sự ấm áp, mong chờ của một năm mới trong khoảnh khắc sum vầy, nhưng cũng là dịp để con người lắng lại, nhớ về những điều qua.

Cảm thức hoài niệm lúc xuân sang đã trở thành chủ đề, cảm hứng chung xuyên suốt trong văn học, từ thơ ca đến tiểu thuyết, từ những bài hát đến những câu chuyện kể. Các nhà văn, nhà thơ thường gặp được nguồn cảm hứng bất tận từ những khoảnh khắc ấy, để vẽ nên những bức tranh về cuộc sống, tâm trạng qua những giá trị tinh thần thiêng liêng. Đặc biệt, trong những bài thơ về Tết, ký ức về một thời thơ ấu đầy ắp niềm vui và cả sự thiếu vắng của những người thân yêu luôn hiện hữu. Cảm giác mong manh, quay quắt trong nỗi nhớ mang đến chiều sâu cảm xúc, ánh nhìn trầm mặc và đầy suy tư, chiêm nghiệm.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ (thứ 4 từ trái sang) nhận giải thưởng cho ca khúc về đề tài Công an nhân dân. 

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ trong bài thơ “Chiều cuối năm” vừa được anh sáng tác đã chạm vào nguồn cảm xúc ấy một cách mộc mạc mà tinh tế. Bài thơ không chỉ khắc họa không khí Tết qua những hình ảnh quen thuộc mà còn mở ra một không gian đầy ắp nỗi nhớ, nơi quá khứ và hiện tại giao thoa, nơi những được - mất luôn hiện hữu. Tác giả vừa nhớ về một thời đã qua, vừa tưởng niệm những người thân yêu đã rời xa, thêm biết ơn giá trị văn hóa mà Tết mang lại, làm cho mùa xuân thêm phần ý nghĩa và sâu sắc.

“Chiều cuối năm” bố cục 5 khổ tạo nên dòng chảy cảm xúc rưng rưng, từ quá khứ đến hiện tại, từ những ký ức xa xôi đến những hồi tưởng sâu sắc. Khổ thơ đầu tiên mở ra một không gian đậm vẻ đẹp thiên nhiên, chứa đựng những cảm xúc thầm lặng gợi lên sự khắc khoải: “Ta gom nhặt cánh hoa vàng năm cũ/ Vạt mây bay lặng lẽ phía sau làng/ Cơn gió thổi quặn lòng năm tháng/ Gọi ta về xa hút thuở ấu thơ”. Hình ảnh “cánh hoa vàng” biểu tượng cho vẻ đẹp, thời gian đã qua, sự kết thúc của một chu kỳ, một mùa và “gom nhặt” gợi tinh thần lưu giữ, trân trọng từng khoảnh khắc quý giá, đồng thời cũng thể hiện niềm luyến tiếc, nhớ nhung.

Trong dòng chảy cảm xúc, “vạt mây bay lặng lẽ” phác một không gian yên bình, tĩnh lặng, với sự chuyển động nhẹ nhàng của tạo hóa như minh chứng cho bước đi của thời gian, không ồn ào nhưng vẫn khiến người ta phải bâng khuâng, ngẫm ngợi.  Và những cơn gió “thổi quặn lòng năm tháng” chứa đựng hình ảnh ẩn dụ, gió ở đây không còn là chuyển động vật lý mà là gió của nỗi lòng, gió như thổi bùng lên niềm quặn thắt trước khoảnh khắc không thể quay lại. Niềm thôi thúc “gọi ta về” trở thành lực hút mạnh mẽ từ quá khứ, một tiếng gọi sâu thẳm, một lời mời trở về với những ký ức tuổi thơ đã kịp “xa hút”. Tác giả đã khéo léo đan cài nhiều hình ảnh tượng trưng: hoa vàng, mây, gió… đều biểu tượng của quá khứ đã qua, tạo nên không gian đầy màu sắc mà cũng cô đơn chất chứa. Gió được nhân hóa thành nhân tố đủ sức mạnh lay động tâm hồn người nhớ về quá khứ.

Mạch thơ tiếp nối ở các khổ sau đều hòa quyện giữa những hình ảnh hiện thực và những ký ức xa xăm. Mỗi khổ thơ một cung bậc cảm xúc, từ mong đợi, ấm áp đến tiếc nuối, mông lung: “Chiều cuối năm se sẽ sương mơ/ Ta bắt gặp xuân hồng trong ký ức/ Phiên chợ Tết nỗi niềm thao thức/ Hương bưởi thơm đọng đến bây giờ”. Tác giả vẽ lên không gian chiều cuối năm thân thuộc mà huyền ảo với gió “se sẽ”. “sương mơ” đặt trong không gian “xuân hồng” tràn đầy sức sống. Phiên chợ Tết - biểu tượng quen thuộc của dịp Tết cổ truyền, nơi diễn ra sự giao thoa giữa hiện thực và ký ức – chạm vào “nỗi niềm thao thức” hồi hộp, chờ mong. Hương bưởi thơm “đọng đến bây giờ” cho thấy sự trường tồn của ký ức, sự vĩnh cửu của những điều đẹp đẽ đã qua trong tâm khảm con người.

“Chiều cuối năm náo nức đợi chờ/ Tấm áo mới rực sắc màu phấp phới/ Căn nhà cũ cha vừa thay mái mới/ Mẹ chân trần nén nỗi vại dưa xanh”. Không khí chiều cuối năm tiếp tục được khắc họa với cảm giác mong chờ sự thay đổi, sự khởi đầu mới. Hình ảnh “tấm áo mới” đang “phấp phới” gợi niềm vui tươi, rực rỡ trong bối cảnh “căn nhà cũ cha vừa thay mái mới” cho thấy sự bền bỉ, gắn kết với quá khứ, nhưng cũng đã được chăm chút, làm mới để đón nhận những điều tốt đẹp. “Mẹ chân trần” là thi ảnh đầy tình cảm, thể hiện sự vất vả, tần tảo của người phụ nữ trong gia đình. Cùng với “vại dưa xanh”, nén dưa như nén nỗi lòng khiến người đọc cay mắt nghĩ tới đức hy sinh của đấng sinh thành.

Tấm áo mới, mái nhà, vại dưa xanh là những hình ảnh quen thuộc trong không khí Tết, mang tính chất biểu tượng cho đoàn tụ, sum vầy. Khổ thơ này có nhịp điệu nhanh hơn, mang lại cảm giác sôi nổi, náo nức, chứa đựng không khí những ngày cuối năm đầy chộn rộn. “Ngọn khói lam ai vẽ thành tranh/ Mưa lất phất tuổi trăng tròn ướt tóc/ Ngày xưa ơi ai còn đứng khóc/ Cánh chim bay chuếnh choáng chân trời”, khổ thơ đẹp tựa bức tranh phong cảnh làng quê Việt Nam trong những ngày giáp Tết đầy thân thương, gần gũi.

“Mưa lất phất” nhẹ nhàng như những giọt xuân thấm “tuổi trăng tròn” là một biểu tượng trong sáng, khấp khởi mộng tin yêu vương vấn, dâng trào. “Ngày xưa ơi ai còn đứng khóc” - câu hỏi pha tiếc nuối, như gọi về quá khứ, chỉ còn trong ký ức mơ hồ cùng “cánh chim bay chuếnh choáng” làm nên chia ly, xa cách.

Mỗi khổ thơ bắc một nhịp cầu, phát triển cảm xúc hoài niệm. Sự chuyển biến từ hình ảnh náo nức, hứng khởi của những ngày chuẩn bị đón Tết đến tiếc nuối về quá khứ đã qua thể hiện một diễn biến cảm xúc tinh tế, với những hình ảnh đầy tính tượng trưng, nhân hóa và đối lập, tạo nên không gian và thời gian đậm chất trữ tình.  

Khổ thơ khép lại tác phẩm mang đến một cảm xúc đằm lắng, suy tư, thể hiện rõ nét tâm trạng của tác giả: “Chiều cuối năm con bấc bời bời/ Cánh lá rụng đầy vườn lệ ứa/ Cha ở cõi vô cùng không về nữa/ Đêm giao thừa hương thắp cháy run run…” Cơn gió bấc gợi niềm trống trải của thiên nhiên và tâm hồn. Từ ngữ tác giả sử dụng ở khổ thơ cũng thật độc đáo với “con bấc” để chỉ cơn gió bấc, “cánh lá” để chỉ lá trong vườn và một nén nhang giao thừa “cháy run run”.

Sự vật, hiện tượng đều được nhân hóa có hồn, có đủ cảm giác của con người và hòa vào đời sống tinh thần của nhân vật trữ tình. “Cõi vô cùng” cách diễn đạt đầy thiêng liêng, ám chỉ cái chết, nơi người thân yêu đã ra đi và không thể quay về. Đây là một sự chia ly đau đớn, tác giả cảm nhận rõ ràng nỗi vắng bóng cha trong những ngày cuối năm khắc khoải. Đêm giao thừa, khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thời điểm để người ta nhớ về người thân, ký ức. Hương thắp trong giao thừa đầy kính nhớ “run run” đẩy cảm xúc dâng trào đến vô hạn. Mỗi câu thơ đều mang đậm nhịp điệu chậm rãi, thể hiện sự tĩnh lặng của không gian, thời gian nhuốm màu tâm trạng.

Cái hay của bài thơ chính là ở việc sử dụng hình ảnh rất đỗi quen thuộc nhưng được miêu tả một cách tinh tế, sinh động vừa nổi bật không khí Tết vừa ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa về sự thay đổi theo quy luật cuộc sống. Bài thơ khiến người đọc đồng cảm, hình dung và thấm thía cuộc sống hơn. Với ngôn ngữ giản dị mà sâu sắc, “Chiều cuối năm” như bức tranh, như khúc nhạc hài hòa giữa thực tại và ký ức, giữa cảm xúc cá nhân và câu chuyện chung của mỗi con người trong những khoảnh khắc giao thời. Chính niềm lưu luyến, biết ơn ký ức càng khiến con người trân trọng hơn giá trị của hiện tại.

Năm qua, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã trải qua một năm đầy sóng gió, với sự ra đi của người thân yêu trong gia đình - mất mát lớn lao mà không ai muốn đón nhận. Những ngày tháng đó, trái tim anh chắc chắn đã lặng đi trong nỗi đau, nhưng như một người nghệ sĩ chân chính, nỗi buồn ấy lại trở thành nguồn cảm hứng để anh vượt lên, sáng tác những tác phẩm đượm tình, những ca từ đầy xúc cảm. Dù nỗi buồn miên man, nhưng những thành công về thơ ca, âm nhạc trong năm qua đã minh chứng nỗ lực không ngừng nghỉ của anh, khi mỗi vần thơ, mỗi giai điệu đều mang một dấu ấn đậm sâu về tình yêu và sự hy sinh.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ trao quà tới bà con khó khăn. 

Với Nguyễn Đăng Độ, buồn và vui không bao giờ tách rời, mà hòa quyện tạo thành một dòng chảy cảm xúc da diết. Khi anh chứng kiến nỗi đau mất mát, cũng đồng thời chạm tay vào những yêu thương, để lại kiên cường, nỗ lực. Cảm xúc trong thơ anh, vì thế, luôn mang một sắc thái đặc biệt: Vừa thấm đẫm những nỗi niềm sâu lắng, vừa tràn ngập ánh sáng hy vọng. Khi xuân về, anh lại lặng lẽ cùng gia đình thực hiện các chuyến thiện nguyện khắp mọi miền Tổ quốc. Những chuyến đi ấy ngoài sự sẻ chia vật chất còn là hành trình lan tỏa yêu thương, là cách để anh tìm lại niềm vui, sự an yên trong cuộc sống. Từ những nụ cười, ánh mắt của bao người nhận sự giúp đỡ, anh lại cảm nhận được một phần nào đó sức hồi sinh, sự tiếp nối trong dòng chảy của cuộc sống.

Trong không khí xuân mới, khi mỗi người đều bồi hồi chào đón, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ lại lặng lẽ gieo những hạt giống yêu thương, sự sẻ chia vào cuộc sống này. Những dòng thơ của anh âm thầm để lại dấu ấn trong lòng người đọc mà còn thắp lên một ngọn lửa ấm áp trong mỗi con tim, nhắc nhở chúng ta về tình yêu thương, về sức mạnh từ lòng hy sinh, nhân ái. Chúng ta có thể cảm nhận được niềm chân thành trong từng câu chữ, và qua đó, chính người làm thơ đã tạo ra một không gian để mọi người có dịp chiêm nghiệm, hướng về những điều tốt đẹp trong, ngay cả trong khoảnh khắc đong đầy ưu tư, thương nhớ.

THANH KHÊ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.