QĐND - Xăm là một hình thức ghi dấu vĩnh viễn bằng mực làm thay đổi sắc tố da để đánh dấu, làm đẹp, hoặc những nguyên nhân khác như nghi lễ tâm linh, thề nguyền… Rất nhiều xác ướp được tìm thấy trước Công Nguyên ở Ai Cập hay Xi-bê-ri đã chứng minh, tục xăm mình xuất hiện từ thời Đồ đá mới. Văn hóa học lý giải tục này ở phương Tây cổ đại thì đầu tiên là xăm hình vật tổ để nhận dạng những người cùng trong một bộ lạc. Một số bộ tộc lại có cách đánh dấu sự trưởng thành của mỗi người bằng nghi lễ xăm mình sau một chuyến đi săn. Phương Đông thời trung cổ thì tục xăm này có khác. Ở đất nước Trung Hoa thì lại xem việc xăm mình là sự đánh dấu của một tội nhân. Nhiều triều đại vua chúa đã dùng hình thức này để trừng phạt những kẻ phạm tội. Đến sau thế kỷ thứ VI, việc xăm mình còn được dùng để giúp nhận dạng nhanh hơn những tù nhân bị lưu đày. Những quan niệm này còn thấy thể hiện trên điện ảnh: Người có tội bị “thích chữ” vào mặt rồi cho đi biệt xứ…

Ở nước ta, trong sách Lĩnh Nam chích quái có kể về nguyên nhân tục xăm mình là do dân trên núi xuống sông đánh bắt cá thường bị thuồng luồng ăn thịt, bèn cùng nhau tâu việc ấy với vua. Vua phán rằng, do các loài dưới nước chỉ ưa những gì giống mình và ghét những gì khác mình, và ra lệnh những ai thường xuyên phải xuống sông thì lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó, nạn thuồng luồng gây hại giảm hẳn. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu kể từ đấy. Nhưng trong chính sử thì ghi rõ, vào thời Trần, những quân lính thuộc đội quân Thánh Dực trực tiếp bảo vệ vua được xăm lên trán ba chữ "Thiên Tử Quân". Vào thời kỳ chống giặc Nguyên, quân lính thi nhau xăm hai chữ "Sát Thát", thể hiện sự quyết tâm đuổi giặc, bảo vệ giang sơn.

Thời cận đại, vào năm 1769, sự kiện thuyền trưởng James Cook nổi tiếng cùng thủy thủ đoàn đã bị chinh phục bởi nghệ thuật xăm vẽ trên cơ thể của thổ dân các quần đảo Nam Thái Bình Dương… Từ đó, xăm mình trở nên phổ biến trong cộng đồng những thủy thủ, rồi lan rộng khắp châu Âu. Năm 1891, đã xuất hiện cả một nghệ thuật xăm khi ở thành phố Niu Y-oóc sáng chế ra chiếc “máy khắc da chạy bằng điện” đầu tiên, tức chiếc máy xăm hiện đại. Nghệ nhân xăm gọi là Tattoo artist...

Sơ lược giới thiệu lịch sử xăm mình ở trên để thấy nguồn gốc và một phần ý nghĩa của nghệ thuật xăm mình thời hiện đại-một nghệ thuật đang được rất nhiều bạn trẻ ở nước ta hưởng ứng. Có người xăm ít thì là một bông hoa, hoặc hình mình thích, hoặc ngày tháng năm sinh lên cánh tay hay bộ phận bất kỳ trên cơ thể. Có bạn thì xăm nhiều hình hơn, cá biệt có người xăm gần kín khắp cơ thể. Đó là sự chạy theo một xu hướng thời thượng trên thế giới hiện nay là “nghệ thuật cơ thể” (body art). Vẽ lên cơ thể cũng là một kiểu body art nhưng đã trở nên lạc hậu.

Hầu hết các nhà tâm lý học, xã hội học, đạo đức học, y học đều cho rằng, không nên xăm mình, bởi: Xăm thì rất đau, dễ bị nhiễm trùng da, rất mất thời gian, mất tiền. Thân thể con người, nhất là phụ nữ là hiện thân vẻ đẹp của tạo hóa (một tòa thiên nhiên - Nguyễn Du), thế mà lại can thiệp thô bạo vào vẻ đẹp ấy thì chẳng phải là phụ tạo hóa lắm sao!? Thứ nữa là hình xăm ấy sẽ chung thân với mình suốt đời, có sách gọi đó là “khổ hình chung thân”. Một thời gian sau, người xăm chán hoặc lỗi mốt, muốn bỏ thì tẩy đi sẽ rất đau, rất tốn kém và không thể triệt để, dĩ nhiên sẽ có vết sẹo. Tiếp nữa, nếu có thể coi đây là “nghệ thuật” thì không phải là nghệ thuật đại chúng, số đông sẽ không thừa nhận, người xăm sẽ dần bị nhìn bằng ánh mắt khác lạ, dị thường.

Thiết nghĩ, không nên xăm mình!

THANH NGUYÊN