Cuốn sách vừa được Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra mắt bạn đọc và phát hành rộng rãi. Đây là công trình được nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền dành gần 10 năm để điền dã, nghiên cứu và thực hiện, từ lời trăn trở của Nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ-kép đàn bậc nhất của vùng châu thổ sông Hồng-rằng đào kép trẻ theo ca trù hiện nay phần lớn đều “đàn hát không có phách, không đúng khuôn khổ”. Có nghĩa, giới trẻ kế thừa đã và đang đàn hát sai hoàn toàn so với chuẩn mực của ca trù trong cổ truyền. Vậy thế nào là chuẩn mực cổ điển của ca trù? Liệu có cách nào giải quyết vấn đề này?... “Hàng loạt câu hỏi cứ âm ỉ trong đầu tôi, nếu không ai làm, không ai giải mã thì loại hình di sản “thính phòng” đã được UNESCO ghi danh này có lẽ sẽ dần biến mất chứ không chỉ dừng lại ở cảnh báo: Cần được bảo vệ khẩn cấp”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bày tỏ.

leftcenterrightdel
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan (bên trái) nhận xét cuốn sách có những phát hiện mới, quan trọng về lịch sử, nghệ thuật ả đào. 

Cuốn sách “Ả đào-một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” dày 600 trang, bên cạnh những phát hiện có tính bước ngoặt về ca trù, tác giả còn kể những câu chuyện thú vị và cảm động suốt tiến trình phát triển, mai một của thể loại âm nhạc cổ xưa nhất của người Việt.

Qua 7 phần nội dung cuốn sách, bạn đọc từng bước đi vào thế giới đầy tính nghệ thuật, đậm tinh thần văn hóa Việt Nam của hát ả đào. Phần 1 "Không gian văn hóa-chức năng xã hội và những hình thức biểu hiện của nghệ thuật ả đào" đem đến cái nhìn toàn diện hơn về thể loại nhạc hơn nghìn năm tuổi này (có từ thời Lý). Phần 2 "Khổ phách-khổ đàn" làm sáng tỏ những khuôn thước trong bài bản bấy lâu nay vẫn được xem như bí truyền của giới nghề. Phần 3 "Cung điệu nhạc ả đào", với phương pháp tiếp cận mới, hệ thống cung điệu nhạc ả đào đã được định nghĩa theo cách nhìn khoa học âm nhạc, từ đó xác định có bao nhiêu loại cung điệu trong thể loại, cấu tạo các cung điệu ứng với hệ thống bài bản ả đào như thế nào.

Phần 4 "Hình thức-cấu trúc bài bản", qua phần này, đào kép thế hệ mới hoàn toàn có thể tiếp cận, nhận diện bài bản một cách dễ dàng và khoa học, cũng như hiểu thêm về vai trò, chức năng của chúng trong nhạc ả đào. Phần 5 "Nghệ thuật trống chầu", căn cứ vào lời giảng của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, kết hợp với tài liệu dạy trống chầu ấn hành từ đầu thế kỷ 20 cùng các căn cứ trong tư liệu vang, đã tổng kết toàn diện và từng phần chi tiết nguyên tắc chơi trống chầu của quan viên ả đào. Phần 6 "Nhà hát cô đầu-góc nhìn lịch sử văn hóa" đưa ra một cách nhìn khác về nhà hát cô đầu, một cách nhìn nhân văn hơn với thế hệ những nghệ sĩ ả đào-họ đã trở thành một phần của lịch sử văn hóa dân tộc. Phần 7 là phụ lục ảnh tư liệu đào kép thế kỷ 20. 

“Hy vọng các đào kép thế hệ mới sẽ nhận diện được khuôn vàng thước ngọc của cha ông, hiệu chỉnh lại lời ca, lá phách, tiếng đàn của mình về với đúng chuẩn mực ả đào cổ điển thông qua cuốn sách của tác giả. Và như thế, di sản vô giá nghìn năm tuổi mới được bảo tồn nguyên vẹn, đúng nghĩa”, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho hay.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.