QĐND - Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 6 do mạng lưới các cơ quan văn hóa châu Âu (EUNIC), Hiệp hội các Viện văn hóa và Đại sứ quán châu Âu, phối hợp cùng Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung Ương (Việt Nam) tổ chức, vừa khép lại. Đúng như nhận định của bà Phạm Thị Tuyết, Tổng Giám đốc Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương, Trưởng ban tổ chức liên hoan, các bộ phim được xây dựng dựa trên những đề tài gần gũi, đời thường và rất thiết thực nên đã “chạm” vào tâm hồn khán giả khiến họ không thể quên.

Lâu nay, mảng phim tài liệu ít được khán giả quan tâm bởi nó bị coi là khô cứng, sáo mòn, thông tấn. Ngoài một số bộ phim “đóng đinh” trong lòng khán giả như: Tiếng vọng 50 năm; Những dòng sông hấp hối; Điểm hẹn Củ Chi; Điện Biên hôm nay; Hoa xương rồng trên cát…, tại liên hoan lần thứ 6 đã xuất hiện những bộ phim mới khá hấp dẫn. Điển hình là: “Động đất, sóng thần - Thảm họa khôn lường” của Đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Nguyễn Như Vũ; “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm và “Cỏ xanh im lặng” của NSND Nguyễn Thước - Lê Thị Thiện Đoan… Những bộ phim này sánh ngang cùng hàng loạt phim tài liệu hấp dẫn của nước ngoài như: “Chiếc tivi vẫn bật” (Anh); “Người giữ lửa” (Pháp); “Xin đừng quên tôi” (Đức)… Nét nổi bật của những tác phẩm này là, các tác giả đều lấy đề tài từ chính thực tiễn cuộc sống; dường như cuộc sống đã “đặt hàng” tác giả viết nên bộ phim chân thực, giàu ý nghĩa được người xem nhiệt tình đón nhận.

Một cảnh trong phim “Đỉnh A Mú Sung”. Ảnh do Ban tổ chức cung cấp.

Thực tế cho thấy, thiên tai, động đất, sóng thần… là những điều mà không ai mong muốn xảy ra. Thế nhưng, nó vẫn xảy ra và không ai có thể ngăn chặn được hiện tượng tự nhiên này. Sự giận dữ của thiên nhiên đã làm ảnh hưởng lớn tới đời sống con người. Qua bộ phim “Động đất, sóng thần - Thảm họa khôn lường”, Đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ đã lên tiếng cảnh báo một nguy cơ thảm họa xảy ra, mặc dù Việt Nam không nằm trong vành đai núi lửa, động đất nhưng địa hình cũng có nhiều đứt gãy không thể xem thường. Vấn đề trở nên thời sự khi thời gian gần đây ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) liên tục xảy ra rung chấn và những trận động đất nhỏ. Theo Đạo diễn, NSƯT Trần Cẩm, Phó trưởng phòng Phim tài liệu, Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự (Đài Truyền hình Việt Nam), phim tài liệu vẫn được quan tâm, vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả nếu biết khai thác những chủ đề hiện thực của đời sống xã hội đang diễn ra hằng ngày và nói lên tiếng lòng của đông đảo công chúng.

Ở một mảng đề tài khác, bộ phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" là cảnh đời của những con người mang nghiệp cầm ca, lấy việc mua vui cho công chúng làm sinh kế. Đằng sau ánh đèn rực rỡ trên sân khấu là bao nỗi đau vì bị ngược đãi, miệt thị, khinh rẻ; nỗi sợ vì những đe dọa hành hung, cướp bóc rình rập; nỗi thất vọng vì không được cảm thông… Bộ phim đầy ắp hơi thở cuộc đời, đã mang lại một cơ hội được chia sẻ, thấu hiểu. Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm bộc bạch: “Mấy năm trước, khi bắt đầu thực hiện bộ phim tôi đã có một thời gian dài đồng hành cùng gánh hát rong đi khắp Nha Trang, Đà Nẵng, cùng sống trong một thế giới xa lạ của những người đồng tính nam, những người chuyển giới, một cộng đồng phải chịu bao kỳ thị lúc bấy giờ. Họ mang trong mình căn bệnh thế kỷ và đã lần lượt “ra đi” trong đau đớn. Chính những cảm xúc chân thật từ quãng thời gian thâm nhập thực tế đã thôi thúc tôi hoàn thành bộ phim về phận đời của họ”.

Những bộ phim tài liệu được chiếu tại liên hoan.

Tham gia liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam năm nay, còn có một đề tài được nhiều tác giả khai thác. Đó là hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng gắn bó với đồng bào vùng cao. Với bộ phim “Đỉnh A Mú Sung”, đạo diễn Lê Tuấn Anh đã đưa khán giả đến với Lào Cai, “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, mảnh đất thân yêu địa đầu Tổ quốc đã chứng kiến bao thăng trầm của đất nước, đã bao bọc, nuôi dưỡng, thử thách bản lĩnh bao thế hệ chiến sĩ Biên phòng. Ở nơi đó, không ít cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc; bao thầy cô giáo cắm bản đang từng ngày gieo những con chữ cho con em đồng bào người Mông, người Dao… Và, chuyện tình đẹp như mơ giữa cô giáo vùng cao với anh chiến sĩ Biên phòng là cái kết có hậu khiến người xem thở phào, tâm đắc. Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Huyền, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh tâm sự: “Sau khi xem xong bộ phim “Đỉnh A Mú Sung” tôi có cái nhìn đầy đủ hơn về những người chiến sĩ Biên phòng. Giữa bộn bề khó khăn, vất vả, hiểm nguy, họ vẫn ung dung tự tại, vẫn hết lòng vì cuộc sống yên bình của đồng bào dân tộc thiểu số; vẫn lạc quan yêu đời với tinh thần lãng mạn cách mạng khiến người ta khâm phục”.

Còn nhiều những bộ phim tài liệu khác như: Dẫu nẻo về còn xa, Hai phía cuộc đời, Khi không thể vượt qua chính mình…, tất cả đều rất gần gũi, đời thường với những câu chuyện lay động người xem bằng sự nhạy cảm, chân thật… Tuy nhiên, dù rất thành công nhưng nhiều đạo diễn vẫn băn khoăn là, Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương chưa thể đại diện cho mặt bằng phim tài liệu chung của quốc gia với nhiều đơn vị và cá nhân sản xuất phim tài liệu. Như thế chưa thực sự xứng tầm và chưa phản ánh hết năng lực, chất lượng thực sự của phim tài liệu Việt Nam. Bởi thế, “nên mở rộng danh nghĩa tổ chức liên hoan phim tài liệu Châu Âu - Việt Nam; đồng thời, tạo điều kiện cho các đạo diễn, nhà làm phim thâm nhập thực tế ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội để phát triển chủ đề, sáng tạo những bộ phim tài liệu đặc sắc mang hơi thở hiện thực cuộc sống” - Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước kiến nghị.

HOÀNG THÀNH