Để khai thác và phát huy hết những giá trị lịch sử cũng như hiện thực cuộc khởi nghĩa Hương Khê, năm 2022, Huyện ủy Vũ Quang phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Hào khí cần Vương - Khát vọng Vũ Quang”. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 23 tham luận tâm huyết, trách nhiệm, có nhiều phát hiện mới của các đại biểu, nhà khoa học với nhiều chủ đề khác nhau, góp phần tiếp tục khẳng định, làm rõ tầm vóc và giá trị lịch sử của Phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa Hương Khê và vai trò của Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng.
 |
Toàn cảnh Hội thảo “Hào khí Cần Vương- Khát vọng Vũ Quang”. Ảnh: VŨ QUANG |
Theo PGS, TS Trần Thị Thu Hương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng, khởi nghĩa Hương Khê để lại nhiều bài học quý giá, song bài học về “Sự quy tụ được lòng dân, đã huy động đến mức cao độ sự ủng hộ và tiềm năng to lớn của nhân dân chống thực dân Pháp” là sâu sắc nhất. Trong khi thực dân Pháp và vua quan Nam triều vơ vét của nhân dân với bao nhiêu thứ thuế, bắt nhân dân đi phu đi lính, song nhân dân trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... vẫn quyên góp, ủng hộ tiền của, vật chất và ứng mộ vào nghĩa quân. Lúc nghĩa quân mới nổi dậy, nhân dân nô nức đem trâu, lợn, gà và gánh gạo đến ủng hộ. Trai tráng tòng quân. Bao nhiêu thợ rèn đều gia nhập nghĩa quân đúc súng và làm giáo mác phục vụ cho khởi nghĩa. Nhân dân các làng đã bòn nhặt từ lưỡi dao, lưỡi cuốc cùn, móng ngựa; quyên cả nồi đồng, mâm thau, xoong chảo... để cung cấp cho nghĩa quân làm nguyên liệu chế tạo vũ khí. Vì vậy, quân Pháp muốn tiêu diệt nghĩa quân của Phan Đình Phùng không còn cách nào khác hơn là cắt đứt quan hệ giữa nghĩa quân với nhân dân. Thực tế, trong những ngày nghĩa quân bị bao vây ở núi Đại Hàm, núi Quạt, thiếu lương thực, nhân dân địa phương vẫn tìm cách vượt rừng lội suối tiếp tế lương thực cho nghĩa quân...
 |
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Quang, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh chăm sóc Nhà bia tưởng niệm Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng và nghĩa quân, tại thôn Kim Quang, xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang. Ảnh: TẦN LÊ
|
Đề cập tới cuộc khởi nghĩa Hương Khê về góp phần xây dựng khối đoàn kết, phối hợp thống nhất chống quân Pháp xâm lược, PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, sau khi nhận chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng và nhiều văn thân, sĩ phu yêu nước đã đứng ra ứng nghĩa. Ở địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, phong trào Cần Vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo trở thành ngọn cờ tập hợp đông đảo nhân dân trong vùng tham gia.
Tính chất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã quy tụ được các thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa và hội quân để phát triển thành những quân thứ theo từng địa bàn, xây dựng căn cứ và có sự liên kết, phối hợp trong tổ chức chiến đấu và các hoạt động khác. Việc thành lập các quân thứ của nghĩa quân Phan Đình Phùng gắn liền với quá trình xây dựng sự đoàn kết giữa các nghĩa quân trong vùng thành một lực lượng thống nhất, có chỉ huy từ trên xuống dưới và phạm vi hoạt động ngày càng mở rộng. Nhờ đó, các hoạt động tác chiến được bảo đảm kịp thời giữa các địa phương, quân thứ với nhau theo kế hoạch chung từ đại bản doanh Vũ Quang đưa xuống, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ nhất của phong trào...
 |
Một góc nhìn thị trấn Vũ Quang ngày nay. Ảnh: VŨ QUANG
|
 |
Hồ chứa nước Ngàn Trươi - một điểm du lịch tại huyện Vũ Quang. Ảnh: VŨ QUANG |
Do những nguyên nhân chủ quan, khách quan và hoàn cảnh lịch sử, nên sau 10 năm hoạt động, cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Song, cuộc khởi nghĩa Hương Khê là đỉnh cao nhất trong Phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX.
 |
Một góc nhìn thị trấn Vũ Quang ngày nay. Ảnh: VŨ QUANG |
Phát huy truyền thống lịch sử, huyện Vũ Quang được thành lập theo Nghị định số 27/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4-8-2000, thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Trên địa bàn huyện bao gồm các địa danh lịch sử như: Căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Hương Khê; nơi ra đời của nhiều chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh... Vùng đất Vũ Quang còn là an toàn khu, hậu phương vững chắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.
Đồng chí Nguyễn Thiều Quang, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Vũ Quang tự hào cho biết: "Huyện Vũ Quang được thành lập từ 12 xã khó khăn nhất của các huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê. Tại thời điểm thành lập, huyện chưa có cây số đường nhựa hoặc bê tông, cây cầu cứng nào và nhiều thôn xóm chưa có điện... Bằng sự nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân, huyện xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tập trung xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đến nay, toàn huyện có 100% xã về đích nông thôn mới; huyện trở thành một trong những huyện miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Huyện còn xây dựng được nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và "thế trận lòng dân" trong khu vực phòng thủ vững chắc, bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao".
LÊ ANH TẦN