Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm thể hiện tinh thần đoàn kết, hướng tới tương lai của những người năm xưa từng ở hai đầu chiến tuyến trong “Hành trình hóa giải” đã chạm đến trái tim người xem. Đây là bộ phim do Đặng Thái Huyền và Nguyễn Quang Quyết làm đạo diễn. Phim thực hiện nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2018), đã phát sóng trên kênh THQP Việt Nam vào ngày 22-7.
 |
Cảnh trong phim “Hành trình hóa giải”. |
Tình yêu, hạnh phúc và hòa bình
3 cựu binh Mỹ cũng là 3 nhân vật chính trong phim Chuck Searcy, David E Clark, Robert William Judson với ba công việc khác nhau ở Việt Nam. Chuck Searcy phụ trách dự án rà phá bom mìn ở Quảng Trị; David E Clark thực hiện các dự án thiện nguyện ở khu vực miền Trung; Robert William Judson là Giáo sư, đạo diễn phim tài liệu, ông đã làm một số bộ phim giới thiệu về Việt Nam với những đổi mới sau chiến tranh.
3 gương mặt đại diện cùng với sự xuất hiện của các cựu binh Mỹ trong chuyến hành trình trải dọc Bắc-Nam mong muốn được bù đắp, hàn gắn lại những vết thương, những nỗi đau chiến tranh mà họ đã từng gây ra trên mảnh đất này.
“Hành trình hóa giải” mở đầu bằng những dòng tâm sự của 3 cựu binh Mỹ trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, họ không hiểu vì sao lại có mặt ở Việt Nam để tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. Chuck Searcy cho rằng: “Trong suốt thời gian ở Việt Nam, tôi nhận ra những điều tôi được nghe trước đó đều là dối trá. Đặc biệt là để lại hậu quả tồi tệ với người dân Việt Nam”. David Clark chia sẻ: “Đôi lúc tôi tự hỏi, tại sao tôi lại ở đây. Cuộc chiến này không như Thế chiến thứ II mà bố tôi đã tham gia vì chính nghĩa”. Còn Robert William Judson bộc bạch: "Nhiều cựu binh cũng như tôi không lý giải nổi vì sao chúng tôi có mặt ở cuộc chiến này và chúng tôi chiến đấu vì điều gì".
 |
Các cựu chiến binh Việt Nam và cựu binh Mỹ thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh chụp màn hình. |
Băn khoăn, ngỡ ngàng vì việc mình làm ở Việt Nam, đó là cảm nhận chung của các cựu binh Mỹ. Cựu binh Dennis Van Hoof chia sẻ: “Tôi trở về Mỹ và không hiểu tại sao mọi người lại gọi chúng tôi là kẻ giết trẻ em. Tôi và những người lính Mỹ xin lỗi vì đã làm những điều thảm khốc ở Việt Nam. Đất nước Việt Nam là một dân tộc vĩ đại”. Jeff Roy, một cựu binh Mỹ bày tỏ: “Đây là cơ hội rất lớn để chúng tôi được hàn gắn tâm hồn của chính mình. Người dân Việt Nam đã giúp chúng tôi làm được điều đó”.
Từng tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam, những cựu binh Mỹ hiểu rõ sự khốc liệt của chiến tranh. Dường như trong tâm thức họ, hai từ chiến tranh quá khủng khiếp. Bởi thế mà trong hành trình trở lại Việt Nam, đi thăm Thủ đô Hà Nội, dừng lại bên một cửa hàng bán tò he, một cựu binh rất thích hình ảnh anh bộ đội Việt Nam được làm từ bột màu nhưng không thích chi tiết anh bộ đội mang súng bởi với người cựu binh này, súng ống, đạn dược là nỗi kinh hoàng suốt những năm tháng tuổi trẻ. Món quà kỷ niệm từ Việt Nam là một anh bộ đội bằng tò he không cầm súng được người cựu binh Mỹ này rất trân trọng, thích thú.
Bộ phim “Hành trình hóa giải” gây xúc động cho người xem bằng những hình ảnh người thật, việc thật, trong đó có chia sẻ của cựu binh Daniel Shea: “Tôi chỉ ở Việt Nam trong một thời gian ngắn nhưng lại đúng nơi bị rải chất độc màu da cam. Vào thời điểm đó, tôi không hiểu gì nhiều về những hậu quả nghiêm trọng của nó. Tôi trở về Mỹ và chẳng muốn nói gì về chiến tranh, thậm chí không muốn thừa nhận mình từng ở trong quân đội. Tôi lập gia đình, tới ngày vợ sinh con, vợ tôi đau đẻ gần 10 tiếng. Khi cháu vừa chào đời, tôi cảm thấy có điều gì đó bất thường khi cô y tá cứ nhìn chằm chằm vào con tôi. Tôi tự hỏi có điều gì tồi tệ xảy ra. Tới khi bác sĩ gặp tôi và nói, cháu bị hở hàm ếch và gặp vấn đề về tim mạch. Sau đó con tôi được đưa vào phòng phẫu thuật. Khi cánh cửa phòng mổ chuẩn bị khép lại, ánh mắt của con nhìn tôi như đang gọi: Ba ơi, ba ơi! Nó làm tôi nhớ lại thời điểm ở Việt Nam. Ánh mắt của những người chỉ huy của tôi dồn người dân vô tội vào một căn nhà, đóng cửa lại và ra lệnh giết tất cả. Sau cuộc phẫu thuật, tôi bế con trong tay và cháu đã trút hơi thở cuối cùng trong lòng tôi. Lúc đó tôi có cảm giác như cả thế giới đã rời bỏ tôi. Ngay thời điểm đó, tôi tự hỏi tại sao những con người như chúng tôi lại đi giết những đứa con của gia đình khác. Từ đó, tôi cam kết với bản thân mình sẽ làm mọi thứ mà tôi có thể ngừng chiến tranh lại”.
Những chia sẻ này của Daniel Shea đã khiến khán giả nhòa lệ, trái tim người cựu binh này như thắt lại bởi một thiên thần bé nhỏ vừa ra đời, chưa kịp nhìn thấy ánh sáng mặt trời đã phải ra đi vì di chứng của chiến tranh. Vì thế, khi đến Việt Nam, ông đã mang theo thông điệp mà người mẹ đã gửi cho ông, đó là: Tình yêu, hạnh phúc và hòa bình.
“Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”
“Chất độc màu da cam năm xưa đã giết chết mẹ tôi/Trong một trận càn/Để lại cho tôi đứa em cút côi… Nhưng giờ đây dư âm của chiến tranh/Là chất độc da cam đã tàn phá em tôi/Đã vào cơ thể của em tôi/Mẹ ơi không thể nào/Không thể nào còn gặp lại em yêu”, chiến tranh là như vậy đó, hậu quả đã để lại biết bao đau đớn cho những người dân vô tội. Đất nước đã thống nhất hơn 40 năm, nhưng những di chứng từ cuộc chiến tàn khốc thì vẫn còn đó.
 |
Cựu binh Mỹ ôm em bé Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam trong phim "Hành trình hóa giải". Ảnh chụp màn hình. |
Trong hành trình trở về Việt Nam, chứng kiến những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam phát triển không bình thường và bế trên tay những em bé bị thiểu năng trí tuệ do di chứng chiến tranh, trên gương mặt những cựu binh Mỹ biểu hiện rõ niềm thương cảm, sự hối hận vì những việc làm trong quá khứ.
Đại tá, cựu binh Mỹ Ann Wright chia sẻ: Nhiều người Việt Nam đang phải chịu di chứng chiến tranh. Chúng tôi xin lỗi vì những gì mà Chính phủ Mỹ từng gây ra tại Việt Nam.
Trở về đất nước sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ông Chuck Searcy, Giám đốc dự án Renew tại Việt Nam đã nhận thức được những sự sai lầm và tàn khốc của cuộc chiến. Sau đó, ông đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam. Điều này đã làm cho bố mẹ ông rất buồn. Họ thậm chí đuổi ông ra khỏi nhà và còn tuyên bố từ bỏ. Nhưng 2 năm sau, khi đang ở trường thì bố ông gọi điện và nói: “Con đã đúng, bố mẹ đã sai khi nhìn nhận về cuộc chiến tranh này”.
Trong hành trình trở lại Việt Nam, Chuck Searcy cùng các cựu binh Mỹ đã đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đón đoàn cựu binh Mỹ có Đại tá Đặng Hữu Đức- Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị và một số cựu chiến binh Việt Nam. Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm của những cựu chiến binh Việt Nam và các cựu binh Mỹ ngay tại nghĩa trang thể hiện tinh thần đoàn kết, để cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh.
Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân cho biết: “Hành trình hóa giải” là bộ phim tài liệu được thực hiện công phu. Tuy là bộ phim tài liệu nhưng không gây cảm giác khô cứng cho người xem, nội dung câu chuyện trong phim với nhiều tình tiết miêu tả chân thực cảm xúc của nhân vật. Nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai, xây dựng hai nước đất nước cùng phát triển, đó là mong muốn của các cựu binh Mỹ sau khi kết thúc “Hành trình hóa giải”.
KHÁNH HUYỀN